Xúc động những sinh viên đi làm tự nuôi thân

Xúc động những sinh viên đi làm tự nuôi thân
Sinh viên công việc chính là học tập, tuy nhiên với những gia đình nghèo buộc các bạn phải ra đời sớm với nhiều công việc khác nhau. Đồng lương bèo bọt, mất thời gian nhiều và xung quanh đó là câu chuyện xúc động về việc đi làm tự nuôi thân.

Xúc động những sinh viên đi làm tự nuôi thân

> Bí quyết để SV chọn việc làm thêm phù hợp

> Sinh viên “sập bẫy” làm thêm dịp Tết

Sinh viên công việc chính là học tập, tuy nhiên với những gia đình nghèo buộc các bạn phải ra đời sớm với nhiều công việc khác nhau. Đồng lương bèo bọt, mất thời gian nhiều và xung quanh đó là câu chuyện xúc động về việc đi làm tự nuôi thân.

Xúc động những sinh viên đi làm tự nuôi thân ảnh 1
Ảnh: minh họa - Internet
 

Phải làm để tự nuôi mình ăn học

Nhiều sinh viên đã lựa chọn những công việc làm thêm như gia sư, phát tờ rơi hay bán hàng để có thu nhập trang trải cuộc sống ở thủ đô. Với mức lương 2 đến 3 triệu đồng/ tháng nhiều bạn đã có thể tự trang trải cuộc sống của mình.

Tâm - sinh viên năm nhất ĐH Thương mại, vừa mới chân ướt chân ráo lên Hà Nội học nhưng đã kiếm được công việc bưng bê, rửa chén bát ở một quán cơm gần chỗ trọ với mức lương 2 triệu/tháng. Cô chia sẻ rằng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố thường xuyên đau yếu, mẹ đi chợ không đủ tiền nuôi 2 em nhỏ nên bản thân phải lao động.

Thanh Thủy - sinh viên năm 2 ĐH Luật lại chọn cho mình công việc gia sư. Cùng một lúc nhận dạy 3 lớp, mỗi lớp 2 buổi một tuần, mỗi tháng Thủy cũng có được gần 3 triệu đủ để chi trả các khoản cho cuộc sống ở Hà Nội.

Với Tuấn, cậu bạn học cùng lớp với Thủy lại tự nuôi mình ăn học bằng công việc đi phụ hồ. Bạn tâm sự: “Đi phụ hồ thế này mệt lắm, nhưng vì chưa tìm được công việc gì thích hợp nên đành làm vậy”. Vì thế cứ nửa ngày đi học, nửa ngày còn lại Tuấn đi cùng các bác thợ xây để có tiền trang trải ăn học.

Nước mắt cho sự nhọc nhằn

Để có được thu nhập mỗi tháng 2 triệu Tâm đã phải gác lại tất cả các hoạt động tình nguyện, các cuộc gặp gỡ bạn bè vì thời gian kín lịch. Học buổi sáng, còn buổi chiều cô đi làm từ 2h chiều đến tận 11h đêm mới được về.

Tuy nhiên “Về nhà còn phải cơm nước, tắm giặt nên cũng phải 12h đêm mới xong việc”, cô chia sẻ. Vì thế nhiều hôm đi làm về mệt quá nên đi ngủ luôn không còn sức học nữa.

Đối với Thủy, cô bạn luôn trong trạng thái vội vàng bởi “chạy xô” liên tục Từ Ngã Tư Sở rồi lại đạp xe về Mỹ Đình, có khi vòng ra tận Bờ Hồ khiến em mệt nhoài. Thủy kể: “Những hôm có 2 ca còn đỡ, có hôm lên đến 3 ca em phải mang sẵn bánh mỳ ăn rồi tối đi dạy luôn thì mới kịp”.

Vất vả là thế nhưng khi nhắc đến bố mẹ, em ngậm ngùi: “Đi dạy 2 tiếng mà được những 100 ngàn. Ở quê, bố mẹ mình làm vất vả cả ngày cũng chưa chắc đã được!”.

Một thực tế đáng buồn cho những bạn sinh viên nhà nghèo lên thành phố học đó là phải vất vả sớm lao mình cho công việc để mong kiếm tiền. Nhọc nhằn, khó khăn và cả những giọt nước mắt tủi thân nhưng vẫn phải cố vì miếng cơm manh áo.

Hệ quả…

Hệ quả tất yếu của việc tự kiếm tiền nuôi mình ăn học là nhiều sinh viên luôn thiếu thời gian nên việc học bị bỏ bê. Thời gian học ở nhà đã không có nhưng nhiều bạn vì “công việc” đã bỏ luôn cả những buổi học ở trên lớp, và thường xuyên nghỉ học.

Vì như Tâm chia sẻ: “Nếu hôm nào cửa hàng nhiều việc thì mình phải làm từ buổi sáng, nếu nghỉ sẽ bị mất việc nên đành phải bỏ học hôm đó để đi làm”. Việc thi lại, học lại của các bạn dường như đã là chuyện thường kì. “Cứ mỗi kì thi đến là lại xác định sẽ thi lại hay học lại mấy môn rồi. Kỳ trước em phải học lại 2 môn, kì này chắc còn nhiều hơn”, Thủy chia sẻ.

Một câu hỏi đặt ra là liệu có nên vì muốn tự nuôi mình ăn học bỏ bê việc học của chính mình hay không? Vì sau này ra trường các bạn có sống được bằng những công việc đi làm thêm đó không? Đó là câu hỏi mà các bạn sinh viên nên suy nghĩ để cân bằng giữa làm thêm và việc học.

Theo Vũ Viết Tuân
Dân Trí

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG