Khi sinh viên “mang kiếp cầm ca”
“Phải lì và phải hiểu tâm lý thì mới làm nghề hát rong này được. Nếu mình không dẹp đi tính tự ái cá nhân thì rất khó có thể đi hát bán kẹo vì mỗi tối phải tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng và trong đó có không ít những khách hàng có nhiều hành động khiếm nhã”, Nguyễn Tấn, trường Đại học Công nghiệp, một sinh viên hành nghề này ở TP.HCM tâm sự.
Một chiếc Honda Cub cũ kỹ, một dàn loa, một micro và những thanh kẹo kéo có giá 2.000 đồng - là tất cả hành trang đồ nghề cần thiết cho nghề hát dạo. Muốn làm nghề này số vốn bỏ ra cho một bộ dàn âm thanh cũng không dưới 8 triệu chưa kể phải có chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Người làm nghề này vốn đủ mọi thành phần: công nhân, thợ hồ, thanh niên không nghề nghiệp… Nếu gọi đây là một thứ nghề của giới bình dân thì những sinh viên làm nghề này đang phải gạt bỏ những mặc cảm về bản thân và xem đây như một công việc làm thêm hỗ trợ nuôi sống mình suốt những năm ngồi ghế giảng đường.
Một ngày đi làm Tấn gặp không ít chuyện buồn. Có nhiều người khách mua kẹo lớn tiếng nạt nộ, có nhiều người xua đuổi, có những người còn say xỉn nhục mạ, đập mic nhưng Tấn vẫn từ tốn đáp lại bằng nụ cười và giọng hát.
Những ngày vừa qua, trời mưa lớn nhưng bạn trẻ này vẫn cố gắng lội nước bì bõm để hát ở các quán nhậu bởi nghỉ hát một ngày cũng đồng nghĩa với việc tiền trọ học của mình cùng các em ở nhà cũng bị de dọa. Anh bạn lắc đầu cười: “Làm nghề này chỉ mong cho thời tiết tạnh ráo. Tháng nào mưa nhiều thu nhập chẳng đáng là bao”.
Nguyễn Văn Dũng, một sinh viên hát dạo, chia sẻ về “nghề hát rong” của mình: “Đi hát dạo cũng phải có chút năng khiếu về âm nhạc mới làm được. Phải hát được nhiều thể loại từ: nhạc trẻ, nhạc sến đến nhạc tiền chiến thì mới dễ thu hút khách hàng. Điều quan trọng nhất là phải biết nắm bắt tâm lý và biết cách nói chuyện với khách hàng ”. Dũng đã gắn bó với công việc này được hai năm và tự mình bươn chải giữa Sài Gòn để vừa học vừa làm.
Hát rong cũng phải “sạch”
Là sinh viên nữ lại chọn nghề hát dạo, Bích cũng gặp phải không ít chuyện buồn: “Con gái phải gan góc lắm thì mới làm được nghề này. Nhiều khi bị những thanh niên say xỉn ở các quán nhậu chọc ghẹo, sàm sỡ, cũng tủi lắm… Những ngày đầu đi hát chưa quen mình định bỏ nghề nhưng nghĩ đến cha mẹ ngoài quê vất vả nên cũng gắng làm”.
Nguyễn Thu Lan (cựu sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp) đã có thâm niên 3 năm trong nghề. Lan bây giờ đã đi làm cho một công ty lắp ráp về thiết bị điện tử nhưng vẫn không quên quãng thời gian làm sinh viên hát rong bán kẹo của mình. Lan nhớ lại: “Những ngày đầu mình đi làm cùng một anh đồng hương xóm trọ, dàn máy thì ọp ẹp, chiếc xe Cub thì lúc chạy được lúc chết máy. Có nhiều tối mới chỉ hát được vài bài, dàn máy lại “giở chứng đòi tiền” nên đành phải quay về. Vậy mà rồi cũng tốt nghiệp và đến giờ có một công việc ổn định cũng là nhờ nó!”.
Chuyện ăn uống của những sinh viên đi hát rong cũng thất thường. Nhiều khi đi học về chỉ kịp lót dạ tạm ổ bánh mì và phải kiểm tra bình sạc, chuẩn bị hát thử dàn để lên đường. Đêm về, họ ngồi lại cùng nhau ăn hủ tiếu hay làm tạm chiếc bánh xèo và cùng hàn huyên câu chuyện của những sinh viên đi hát bán kẹo kiếm tiền. Thế nhưng, nói như Tấn thì: “Ai đi hát cũng đều hiểu và chia sẻ với nhau rất nhiều. Tình “đồng nghiệp” đến từ những lúc cùng nhau góp vốn ủng hộ mua bộ đồ nghề, có những lúc sẻ chia vật chất, tình cảm khi bạn cùng nghề bị té xe trên đường”. Đó cũng chính là niềm vui lớn nhất của những sinh viên làm nghề hát dạo này.
“Nhiều trường hợp đi hát rong mà hát nhép, xin xỏ hay không trả lại tiền thừa khi khách hàng mua kẹo, nhưng đối với mình làm gì cũng phải có cái tâm. Mình hát bằng tất cả tấm lòng. Nếu mọi người ủng hộ thì mua cho cái kẹo, còn không thì thôi, chứ nhất định không nhận tiền bố thí. Chính những ngày hát rong đã dạy cho mình rất nhiều về tính kiềm chế và cách ứng xử trong giao tiếp”, Tấn tâm sự.
Với những sinh viên nữ đi hát rong, chuyện gạ gẫm tình cảm lại không phải là điều hiếm. Đã không ít lần đi hát, Lan được khách bo cho tờ 500 nghìn nhưng Lan nhất định trả lại cho bằng được vì không muốn người khác hiểu lầm và có cái nhìn không hay về nghề này.
Còn Bích, cô sinh viên quê Vĩnh Phúc vốn có giọng trong trẻo, và gương mặt dễ thương nên đã nhận được cảm tình của nhiều người. Có nhiều đại gia sẵn sàng chu cấp cho Bích mọi khoản, chỉ muốn được nghe tiếng hát của bạn, nhưng Bích đều từ chối vì Bích hiểu được giá trị của nghề mình đang làm và không bao giờ để mình trượt theo những cám dỗ của đồng tiền.
Họ đều hiểu rằng mình không chỉ cần cố gắng làm việc, cố gắng học tập mà còn phải trân trọng những thành quả mà mình đang xây đắp; dẫu rằng con đường mưu sinh họ đang bước đi không hề êm ả.
Theo Bưu Điện Việt Nam