>> Tỷ phú Take One khởi nghiệp từ vải vụn
Quán trà của Nhung (trái) luôn đông khách. |
Nhìn dáng người đậm, nước da sạm đen vì nắng gió, bụi đường không ai nghĩ cô chủ quán trà đá có đôi mắt sáng, đen láy ấy mới 22 tuổi. Nhung đến từ Ý Yên (Nam Định), hiện là sinh viên năm cuối chuyên ngành ngoại ngữ ĐH Mở Hà Nội. Bạn bè cùng lớp đại học không ai biết Nhung bán trà đá phía sau trạm xe buýt đối diện nhà N2F, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính (Hà Nội).
Nhiều người dân đặc biệt là các vị khách nước ngoài có dịp ngồi quán trà đá của Nhung đều bất ngờ vì cô bán trà đá có thể trò chuyện tiếng Trung, tiếng Anh thành thạo. Sau hơn 1 năm lấn chiếm vỉa hè, công việc kinh doanh của Nhung đã thành lệ, sáng đi học về, chiều lại xách đồ nghề ra mở quán cho đến tối mịt mới về.
“Hôm nào phải học chiều hoặc mưa gió, tôi nghỉ bán hàng. Cuối tuần, tôi ngồi bán cả ngày. Buổi tối, tôi không bán vì ở đây không an toàn và còn dành thời gian để học ”, Nhung cho biết.
Quán trà đá của Nhung chỉ có chục chiếc ghế nhựa, phích nước nóng, thùng đựng đá, giỏ đựng cốc kèm vài chai nước ngọt, gói kẹo lạc, kẹo cao su, thuốc lá... “Tổng vốn đầu tư cho quán chỉ 400 nghìn đồng. Mỗi ngày trung bình em bán hết 2 túi đá, lãi khoảng 100 nghìn đồng vì ở đây khách không nhiều lắm và em phục vụ không hết ngày”, Nhung nói.
Trước đây Nhung đi làm thêm đủ nghề như gia sư, phục vụ nhà hàng, làm bán thời gian cho một số công ty, phiên dịch... Tuy nhiên chỉ trong thời gian ngắn, Nhung lại bỏ vì làm thuê bị bó buộc thời gian, không chủ động được việc học. Gia đình ở quê có truyền thống buôn bán nên khi lên Hà Nội học, Nhung cũng mê kinh doanh, và bắt đầu tập sự với số vốn khiêm tốn.
“Bán trà đá tuy vất vả, nhưng cho thu nhập khá. Tôi thấy mình trưởng thành hơn vì được va chạm, tiếp xúc với đủ kiểu người. Mặt khác tôi còn có thời gian ôn bài trong lúc bán hàng”, Nhung chia sẻ. Những kinh nghiệm trong buổi đầu khởi sự kinh doanh sẽ giúp Nhung tự tin để toan tính những bước đi vào thương trường sau này.