>> Lá thư đoạt giải nhất cuộc thi viết thư Quốc tế
Thông điệp học trò
Buổi tối. Trong gian phòng chật chội, Thúy vừa ngồi học bài cũng là lúc những tiếng sai vặt của bố mẹ vang lên. Hết lấy nước cho bố, Thúy lại bị mẹ nhờ ra quán bà Tám mua đồ ăn, vứt rác... rồi đến thằng em trai cu Bin chọc phá bằng trò chơi bắn nước khiến sách vở ướt nhòe nhoẹt. Chưa kịp đọc xong đề bài tập, Thúy tiếp tục bị sai ra mở cửa đón khách. Thậm chí không ít lần Thúy còn bị cha nhiếc mắng, dọa đánh đòn...
Chỉ với một cái máy quay nhỏ, và máy chụp kỹ thuật số, Hiền cùng đội phim đã làm thành công một bộ phim đạt giải Nhất (Từ phải qua: Mỹ, Vy và Hiền). |
Đến khi ngồi được vào bàn cũng là lúc cô học trò nhỏ mệt mỏi, căng thẳng, không thể tập trung và ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Phim kết thúc với cảnh Thúy ngủ gục ngay dưới ánh đèn trên bàn học. Chiếc chuông đồng hồ báo thức, đã 11 giờ khuya, Thúy đành phải đi ngủ mà chưa có được những phút học đúng nghĩa.
Bộ phim ngắn, chỉ vọn vẻn 3 phút đồng hồ xoay quanh căn phòng học của Thúy từ tối đến khuya. Phim được chuyển tải từ tác phẩm cùng tên do chính Hồ Thị Hiếu Hiền sáng tác để tham dự Trại hè sáng tác năm 2010 và đoạt giải Nhì cuộc thi (không có giải Nhất) trước đó. Hiếu Hiền kể: Ban đầu bọn em định làm phim về đề tài “ết” (HIV/AIDS) nhưng rồi khi thảo luận với hai bạn cùng trường là Kiều Thảo Vi (lớp 8/9), Võ Thị Hoàng Mỹ (lớp 9/4), cả đội thống nhất chuyển tải câu chuyện của em thành kịch bản để đi quay phim.
Hoàng Mỹ tâm sự: Đây không phải là câu chuyện cụ thể nào mà của nhiều học sinh hiện nay. Qua phim bọn em muốn chuyển tải thông điệp: Các bậc phụ huynh, cha mẹ hãy quan tâm và tạo điều kiện đến việc học của con cái để chúng em luôn có kết quả tốt nhất.
Hiền với niềm đam mê quay phim ngoài giờ học. Ảnh: Nguyễn Huy. |
Đội làm phim “Pro”
Hai ngày sau khi nhận tin đoạt giải, cả đội làm phim vẫn chưa hết niềm vui khó tả. “Tham gia cuộc thi này, bọn em gửi hai tác phẩm “Tổ ấm gia đình” và “Câu chuyện của Thúy”. Mới lần đầu chập chững quay, dựng phim, biên tập lời bình không ngờ đội em lại ẵm giải lớn đến thế” - Thảo Vi bộc bạch.
Vi kể: Đầu tháng 6 - 2010, sau khi nhận thông tin cuộc thi “Làm phim toàn quốc dành cho học sinh VN - Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” trên mạng, cả ba cùng rủ nhau tham gia. Hơn hai tháng trời, bọn em mới làm xong bộ phim thứ nhất, thấy còn thời gian nên tiếp tục bắt tay vào làm bộ phim “Câu chuyện của Thúy”.
Khó nhất của đội làm phim là chọn diễn viên và địa điểm quay. Vai Thúy được chính Mỹ đảm nhận nhưng nhân vật đứa em lại chưa tìm ra người phù hợp. Gần tuần lễ, cả đội lân la đến các trường mầm non, tiểu học để “tuyển” vai diễn mà không thành. May mắn trong một lần đi học, Hiền nhìn thấy em Lê Văn Khải (học sinh lớp 3), con của cô giáo Phan Thị Tú Trinh (trường THCS Tây Sơn) khá trùng với nhân vật trong phim nên mời tham gia.
Vừa bắt tay làm, chiếc máy quay phim của nhà trường trục trặc, Hiền mượn tạm được máy chụp ảnh kỹ thuật số, mày mò tìm chế độ quay, dựng cảnh... Đặc biệt, bộ phim còn được chuyển tải sang tiếng Nhật. Đích thân Hiền cùng các bạn soạn trước lời thoại tiếng Nhật rồi nhờ cô giáo Bảo Anh (Trung tâm dịch thuật Đà Nẵng) hoàn chỉnh. Cô Phạm Thị Phong, trường THCS Tây Sơn nhiều lần đi theo các em dựng phim tấm tắc “Các em nhỏ mà làm kịch bản, dựng và quay phim chẳng khác nào đội quay phim chuyên nghiệp”.
Hơn hai ngày quay chính, thời lượng phim lên đến 120 phút, tuy nhiên cuộc thi quy định chỉ có 3 phút/phim. Cả đội đến nhờ các tiệm quay phim, chụp ảnh nhờ cắt, dựng nhưng không được. Hiền lên mạng gõ phần mềm dựng phim rồi tự download, cài đặt để sử dụng. “Hơn chục ngày “đánh vật” với bộ phim bọn em mới hoàn thành. Khi chiếu phim thử cho thầy cô, bố mẹ xem thấy ai cũng tấm tắc nên bọn em mạnh dạn gửi đi tham dự” – Hiền tâm sự.
1. Ngôi trường dạy song ngữ. Cô Hồ Thị Bích Trâm - Hiệu trưởng trường THCS Tây Sơn cho biết: Từ năm học 2005 - 2006 đến nay, trường đều áp dụng chương trình dạy song ngữ tiếng Anh và tiếng Nhật. Hiện có 8 lớp các khối từ lớp 6 đến lớp 9 theo chương trình này nên việc Hiền và các em viết lời thoại bằng tiếng Nhật cũng dễ dàng hơn. 2. Cuộc thi “Làm phim toàn quốc dành cho học sinh VN - Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội” do Bộ GD&ĐT, Bộ VH–TT &DL, T.Ư Đoàn phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức với chủ đề phản ánh cuộc sống gia đình. Tham gia có 36 phim của học sinh tại 36 tỉnh, thành trên cả nước. Theo giải thưởng BTC công bố, các nhóm đoạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ được sang Nhật Bản dự cuộc thi “Làm phim quốc tế dành cho trẻ em châu Á”, cùng với các nhóm làm phim xuất sắc của các nước khu vực châu Á, dự kiến tổ chức ngày 4 - 12 tại thành phố Ibushiki, tỉnh Kagoshima. |