Đôi cánh của cô giáo khuyết tật

Nguyễn Thị Thuý Phương (phải) đang cùng tình nguyện viên nước ngoài hướng dẫn cách làm đèn lồng cho thanh niên khuyết tật
Nguyễn Thị Thuý Phương (phải) đang cùng tình nguyện viên nước ngoài hướng dẫn cách làm đèn lồng cho thanh niên khuyết tật
TP - Khuyết tật từ nhỏ, Nguyễn Thị Thuý Phương (27 tuổi, phường Tân An, TP Hội An, Quảng Nam) vẫn quyết tâm học giỏi. Tốt nghiệp đại học, Phương mở lớp học cho các em nhỏ cùng cảnh ngộ với mình, giúp các em có thêm nghị lực và việc làm ổn định.
Nguyễn Thị Thuý Phương (phải) đang cùng tình nguyện viên nước ngoài hướng dẫn cách làm đèn lồng cho thanh niên khuyết tật
Nguyễn Thị Thuý Phương (phải) đang cùng tình nguyện viên nước ngoài hướng dẫn cách làm đèn lồng cho thanh niên khuyết tật . Ảnh: Ng.T

Suốt tuổi thơ của Phương là những tháng ngày tập tễnh đến trường. Tuy cơ thể khuyết tật nhưng Phương học rất giỏi và thi đỗ trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng.

Những ngày xa nhà đi học là quãng thời gian thử thách khắc nghiệt nhất đối với Phương. Hằng ngày, Phương đến trường nhờ sự trợ giúp của bạn bè và thầy cô. Năm cuối đại học đi thực tập Phương làm việc cho một cơ sở thủ công mỹ nghệ của người khuyết tật tại Hội An.

Như một cơ duyên, Phương hằng ngày tiếp xúc với những đứa trẻ khuyết tật còn kém may mắn hơn mình. Ra trường Phương xin làm việc tại Hội nạn nhân chất độc da cam Hội An, tham gia vào các hoạt động xã hội, đối tượng là những đứa trẻ và các bạn bị khuyết tật, dị tật bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ.

Ngôi nhà tình thương hiện có 12 người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn nhất trong số 110 hội viên chi hội. Phương chỉ dẫn họ từ cách sinh hoạt ăn ở cho tới công việc hằng ngày. Đối với các em không có người thân đưa đón, Phương đưa rước các em về nhà sau mỗi ngày làm việc, buổi tối dạy tiếng Anh cho các em, dạy cách giao tiếp với khách người nước ngoài, cách bán hàng. Đối với các em Phương như người mẹ, người chị.

Với vốn tiếng Anh lưu loát, Phương tìm lực lượng tình nguyện viên người nước ngoài đến dạy tiếng Anh cho các em tại cơ sở, vận động kêu gọi hỗ trợ giúp đỡ về công cụ thủ công... Rồi cô mày mò vào mạng tìm hiểu những sản phẩm có mẫu mã mới phù hợp với khả năng của người khuyết tật và dễ dàng tiêu thụ trên thị trường.

Để sản phẩm tiêu thụ và càng nhiều du khách biết đến cơ sở của mình cô đã lặn lội tìm gặp và nhờ những du khách nước ngoài đang sinh sống làm việc ở Hội An đưa thông tin quảng bá về cơ sở của mình. Nhờ đó, nhiều du khách nước ngoài mỗi lần đến phố cổ đều ghé thăm ngôi nhà tình thương đặt mua các sản phẩm của các em làm ra, góp phần giúp các em có công việc ổn định và tự tin trong cuộc sống.

MỚI - NÓNG