Tr. là một doanh nhân trẻ có máu mặt trong giới bất động sản ở Sài Gòn. Trước đây một tuần anh đi bar 3-4 ngày. Có lần Tr. kéo cả nhóm bạn vào bar, xếp bàn thành dãy chữ I ngay vị trí VIP (trước chỗ DJ chỉnh nhạc). Hóa đơn lên tới 37 triệu đồng!
Cú giật mình của một “tín đồ” bar
Tri Đồng, người một thời từng đi bar như cơm bữa, đã quyết tâm ở ẩn sau bảy năm ăn chơi đến nhẵn mặt tại các vũ trường, bar lớn nhỏ Sài Gòn. Hồi đó, Đồng là thợ cắt tóc có tiếng trong một salon tóc cao cấp ở quận 1. Làm bao nhiêu “nướng” hết vào vũ trường, bar bấy nhiêu.
Một tháng đi 30 ngày. Đêm nào cũng vô 2-3 bar, vũ trường. Nơi này “out nhạc” thì kéo sang vũ trường khác. “Khi đã biết quá rõ về nó rồi thì ngán tới nỗi vô bar cũng không còn cảm giác gì nữa. Chán. Lo làm ăn” - Tri Đồng bảo.
Thật ra, một cú sốc lớn đã đột ngột ụp xuống cuộc đời của Đồng năm anh 27 tuổi. Do đêm nào cũng đi chơi bar, vũ trường tới tận sáng mới về, sức khỏe suy sụp, làm không đủ năng suất, không chất lượng, anh bị đuổi việc! Đó là khoảng thời gian hụt hẫng và khủng khiếp nhất trong trải nghiệm của Tri Đồng.
Suốt một tháng thất nghiệp, anh không dám ra đường vì không có tiền. Ở nhà gặp người thân thì lầm lũi vì mặc cảm. Cuối cùng anh được một salon tóc khá lớn ở Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) nhận với vào làm mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Bốn năm sau. Tri Đồng là chủ một salon tóc trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) với mười nhân viên. Trừ tất cả chi phí, mỗi tháng tiền lời chỉ tròm trèm 10 triệu đồng.
Tri Đồng chống cằm, đăm chiêu nói: “Hồi trước đi chơi “bung” tiền thoải mái, không hề suy nghĩ. Bây giờ sắp lập gia đình, tôi phải lo cho vợ và con cái mình sau này. Làm quần quật cả tháng trời mà “nướng” một khoản tiền lớn chỉ trong một đêm là quá phung phí.
Trong khi chi phí thuê mặt bằng, tiền lương nhân viên, đủ thứ chi phí khác... hằng tháng luôn làm tôi đau đầu tính toán. Tôi phải dành dụm từng ngày để mở thêm chi nhánh hoặc phát triển thành salon lớn ở trung tâm.
Nhiều lúc nghĩ lại thấy tiếc. Hồi đó mình ăn chơi bạt mạng quá. Đồng tiền bây giờ kiếm khó khăn chứ không dễ như trước”. Anh khẳng định: “Khi còn tiền thì còn bạn. Đi bar lúc nào cũng có nhau. Lúc mình trắng tay chẳng có đứa nào bên cạnh”.
Vòng luẩn quẩn
Không chỉ những khách chơi như Tri Đồng mà ngay cả những cô gái PR - người trong cuộc - cũng ngầm hiểu cái mong manh, mờ ảo của thế giới hào nhoáng, lộng lẫy và xa hoa về đêm này. Cái khắc nghiệt trong nghề không cần nói nhưng có lẽ PR nào cũng mơ hồ nhận ra hoặc biết rất rõ nhưng im lặng.
Đó là những lần say mềm lả người, nằm úp mặt xuống nền đất lạnh trong phòng locker; những cơn nôn ọe đến rát cổ để rượu ộc ra trong phòng vệ sinh mà một đêm ít nhất hai lần như thế. Có người ói ra máu nhưng hôm sau vẫn ráng đi làm. Có người bị bệnh đường ruột và viêm họng nên cứ làm tối nay, hôm sau lại bệnh và phải nghỉ làm. Bụng của tất cả PR ở đây rất to, hậu quả của những đêm nốc rượu, bia, nước ngọt tới bến.
Minh Nguyệt, cô PR lớn tuổi nhất ở một bar trên đường Huỳnh Văn Bánh, từng tâm sự với tôi: “Chị chỉ làm ở đây 1-2 năm nữa là tìm việc khác. Nghề này phá cơ thể dữ lắm. Bạn chị làm được bao nhiêu tiền giờ đi chữa bệnh đau dạ dày, chữa gan... cũng hết”. Nguyệt khuyên tôi chân thành: “Em làm một thời gian kiếm được ít tiền rồi nghỉ đi. Làm nghề này khó có người yêu lắm!”.
Nghe Nguyệt nói tôi nhớ đến một vị khách tốt bụng. Anh khuyên rất chân thành: “Môi trường này khắc nghiệt lắm. Muốn tồn tại, em phải dã man. Nhưng nhìn mặt em, anh biết em không sống dã man như người ta được. Có nhiều bar kinh khủng lắm. Nếu một khách quen, khách sộp của bar thích em thì em không có đường thoát đâu.
Chính những PR kể cho anh nghe cách họ làm với đồng nghiệp của mình. Chỉ cần uống xong nửa ly là em mệt mỏi, y như say xỉn không đứng bàn được. Khách sẽ nói với quản lý là đưa em về nhà nhưng chở thẳng tới khách sạn”.
Anh cảnh báo: “Em còn 4-5 năm đứng ở đây. Phải tranh thủ cơ hội tìm người đàn ông yêu thương mình rồi nghỉ, đừng làm PR nữa. Đến lúc 30 tuổi làm sao em được đứng ở đây. Em có nghĩ tới cảnh phải dạt ra làm gái bia ôm rồi cùng quá phải đứng đường? Em muốn mình như vậy à?“...
Tôi mang câu hỏi ấy đi tìm câu trả lời trong những cuộc trò chuyện với những PR. Họ né tránh bằng sự im lặng. Họ dửng dưng, bất cần bên điếu thuốc lá ngoằn ngoèo khói trắng vô định. Có người trả lời bằng một câu hỏi và sự buông trôi cuộc đời mình: “Không làm PR thì biết làm gì? Không có trình độ, làm ở đâu nhiều tiền như ở đây?”...
Quỳnh Thy, cô PR 21 tuổi, trong lúc tỉnh táo nhất sau một cơn say, trầm ngâm mơ hồ nói về viễn cảnh cuộc đời mình: “Nhiều khi nghĩ tới lúc mình già Thy thấy sợ. Lúc đó mình không còn đẹp, không đứng bar được nữa sẽ làm nghề gì? Ai nuôi mình và nuôi con? Thy ráng làm bar một thời gian rồi tiết kiệm tiền gửi ngân hàng. Làm tới lúc đủ để không phải lo khi ốm đau sẽ nghỉ làm, đi học nghề nail”.
Có không ít PR đã quyết tâm bước ra khỏi thế giới đầy ánh đèn lung linh ấy, rời xa những bộ trang phục lộng lẫy để tìm lại một tương lai chắc chắn. Như Thụy Lam, cô PR gốc Hà Nam, sau một thời gian làm ở bar dành dụm được một số tiền cô quyết định nghỉ việc.
Lam góp tiền với người bạn mở một quán nhậu nhỏ ở quận Tân Phú. Nhưng sự thiếu tính toán và kỹ năng quản lý, cuối cùng toàn bộ số tiền tích cóp được cũng chỉ giúp quán nhậu của Lam cầm cự được nửa năm.
Giấc mơ làm chủ và làm lại cuộc đời bị phá sản. Lam quay lại nghề PR với cái vòng luẩn quẩn về lối đi cho tương lai mình.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều và luôn tự hỏi tại sao mình lại làm PR nữa trước khi quyết định trở lại nghề này. Hồi xưa trước khi nghỉ ở bar, tôi đầy hi vọng khi tưởng tượng về tương lai mình. Nhưng toàn bộ số tiền tôi tiết kiệm được đã đổ sông đổ biển. Tôi không dám tin mình sẽ làm được cái gì nữa. Tôi biết làm gì đây để sống khi trong tay không có bằng cấp. Đến ngay cả xin làm phục vụ quán cà phê người ta cũng đòi trình độ 12/12. Chỉ còn làm PR bar, không cần bằng cấp nhưng thu nhập khá”, Thụy Lam liên tục bẻ ngón tay khi nói chuyện.
Kỳ tới: Phút nói thật của “kiều nữ”
Theo MY LĂNG
Tuổi Trẻ