>> Kinh nghiệm 'thiên lý độc hành'
Người lao động tại Brunei . Ảnh: K.H |
Cô gái nổi tiếng
Qua một người bạn Malaysia đang sống ở Brunei, tôi có được số điện thoại của chị Nguyễn Thị Yến, đang giúp việc tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei. Với cộng đồng người Việt tại Brunei, chị Yến là người nổi tiếng vì đã từng được lên trang nhất báo Brunei...
Chị Yến trên báo Brunei . |
Đến Brunei lúc chiều tối, tôi gọi ngay cho chị. Một giọng phụ nữ khô khốc, nhưng nhanh nhẹn, trả lời máy. Nghe tôi giới thiệu là người Việt vừa sang, chị vội giục: “Em đang ở đâu chị cùng anh bạn ra đón? Hôm nay trời mưa nên mọi người nghỉ làm và đang quây quần ở chỗ chị”.
Chị Yến đến đón tôi cùng một anh tên Dũng trên một chiếc xe ô tô cũ màu đỏ. Anh Dũng khoảng trên dưới 35 tuổi, dáng gầy đen, rắn chắn.
Chàng trai giàu nhất?
Anh Dũng quê ở Thanh Hóa, sang Brunei đã hai năm rưỡi. Hồi ở Việt Nam, anh từng làm một số nghề, nhưng không đủ sống nên vay tiền đi sang Brunei. Số anh vất vả. Sang đến nơi anh mới biết bị lừa vì Cty đưa đến nơi thì... mất tích.
Lúc mới sang anh lạ nước lạ cái, người thân bạn bè không có ai, việc làm không có, nhưng vẫn quyết ở lại. Cũng may anh gặp chủ tốt, lại cũng có tay nghề nên sau hơn một năm cũng trả được hết nợ vay trước khi đi. Tôi hỏi Dũng làm nghề gì, anh cười: “Làm tuốt từ xây dựng, hàn xì đến điện nước...”.
Ô tô của anh Dũng tại Brunei . Ảnh: Huyền Chip |
Theo anh, nếu có tay nghề và biết tiếng, tìm việc không khó vì người dân Brunei không thích lao động chân tay. Anh bảo, cách đây khoảng hai năm, lao động Việt Nam ở đây khá đông, nhưng phần vì bị lừa, phần bị quỵt lương, phần vì lương không đủ sống nên về nước khá nhiều.
Cả nước Brunei chỉ có 40 chiếc taxi nên việc đi lại của những du khách độc hành như tôi quả là khó khăn. Dân số Brunei khoảng 400.000 người với GDP bình quân đầu người năm 2009 là 49.110 USD, đứng thứ 5 trên thế giới. Thế nhưng, mức sống giữa người Brunei và lao động nước ngoài lại quá khác biệt. |
Tôi hỏi, liệu có nhiều lao động Việt Nam mua được xe ô tô như anh không. Anh bảo: “Làm gì có, chắc chỉ mình tôi thôi”. Anh đùa: “Mình hiện là lao động Việt Nam giàu nhất ở Brunei”. Người Việt Nam ở đây hầu hết đều biết anh. Nhiều em sang đây đã được anh giúp đỡ.
Sau 15 phút xe từ Gadong, đi vào một con hẻm nhỏ, rồi dừng lại ở một xưởng gỗ tối tăm ẩm thấp. Trời mưa, mái nhà dột. Một khu bếp được dựng sơ sài ngoài cửa. Xuống xe, chị Yến vội vàng dẹp đống quần áo phơi ngay giữa lối ra vào để tôi đi qua. Căn hộ khoảng 12m2 được chia thành phòng ngủ, phòng khách. Gọi là căn hộ, chứ chỉ là vài tấm gỗ ghép lại. Bên trong nhà cũng có tủ lạnh, TV, quạt...
Cũng theo chị Yến, chỗ ở này là nhờ chủ của anh Dũng cho mấy lao động Việt Nam ở nhờ. Xe ô tô anh Dũng cũng mua lại của chủ, giá khoảng 2.000 – 3.000 đô Brunei, nhưng đến giờ anh vẫn ... chưa trả tiền xe.
Bí mật tiền lương
Khi tôi đến, 5 người đàn ông cả thanh niên lẫn trung niên đang ngồi uống chè. Có lẽ lâu không gặp người Việt, các anh tranh nhau tâm sự. Một đô la Brunei, viết tắt là BND, tương đương với 1 đô la Singapore, trị giá khoảng 14.000 đồng. Mức lương cao nhất thuộc về anh Mỹ (tuổi mới ngoài đôi mươi), với 27 BND/ngày.
Theo các anh chị, mức lương đó thuộc diện rất cao với lao động nước ngoài do anh Mỹ biết tiếng lại có tay nghề; còn lại trung bình chỉ khoảng 14 - 18 BND cho các nghề như hàn xì, điện tử. Những người làm trồng trọt trong các nông trường, chỉ kiếm được 11 – 15 BND.
Anh Dũng kể ngày trước có chị môi trường - tức các chị sang làm nghề dọn vệ sinh, quét rác đường phố chỉ được trả khoảng 270 BND/tháng, nhưng nay đã về hết rồi. Ở đây mọi người làm ngày nào được trả tiền ngày đó, trời mưa thì nghỉ.
Tính ra nếu làm đều đặn và trời không mưa, thu nhập cao cũng chỉ 600 - 700 BND/tháng, thấp thì 300 - 400 BND/tháng. Chưa kể hằng tháng những ai có việc đều phải trả cho môi giới 50 BND. Tôi sang đúng vào mùa mưa nên mọi người nghỉ suốt.
Còn nữa
* Tên một số nhân vật trong bài đã được thay đổi