Sáng tạo không đợi tuổi

Sáng tạo không đợi tuổi
Sáng tạo không có giới hạn và không có tuổi, sáng tạo quên ngủ, quên ăn, sáng tạo gắn liền với lãng mạn, bay bổng… là những mẫu số rất đẹp chúng tôi nhận được từ những bạn trẻ này.
Sáng tạo không đợi tuổi ảnh 1 Sáng tạo không đợi tuổi ảnh 2

Đỗ Tú Cường

Trần Đặng Đình Áng

Chúng tôi đã gặp gỡ 4 trong số hơn 70 gương mặt “tuổi trẻ sáng tạo” trong liên hoan tuyên dương Tuổi trẻ sáng tạo sẽ diễn ra tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM vào tối 7/3/2006.

Đó là đôi bạn Đỗ Tú Cường - Trần Đặng Đình Áng, HS lớp 6A1 trường THCS Cầu Kiệu, Q. Phú Nhuận.

Phạm Hữu Ngôn, SV năm 4 lớp kỹ sư chất lượng cao ĐH Bách khoa TP.HCM.

Nhà thiết kế thời trang Nguyễn Quang Huy - công ty thời trang Legamex, chủ nhiệm CLB Thiết kế thời trang (Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM).

0 + 0 = 10 cho chất lượng!

Có thật nhiều điểm chung giữa hai cậu bé Đỗ Tú Cường - Trần Đặng Đình Áng: tròn trịa, hồng hào, xinh xắn, “cán bộ Đội cỡ bự”, nhiều tài lẻ, hay nghịch… ra mô hình và là những công dân tí hon thứ thiệt của thế giới vi tính. Mỗi khi hai cậu bé tròn vo như hai số 0 “ngồi lại bên nhau”, phép tính 0 + 0 = điểm 10 cho trí tưởng tượng, trí sáng tạo lại ra đời.

Năm 2005, từ bộ điện lớp 5 và bộ lắp ghép mô hình lớp 4, Tú Cường và Đình Áng đã chế tạo ra mô hình cánh tay máy. Bố mẹ vừa hết hồn, vừa giận, vừa thương khi thấy hai nhóc mê “nghịch điện” đến quên ăn uống.

“Cánh tay máy” giật giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TPHCM trong sự bất ngờ của hai nhà sáng tạo nhí! Chưa kịp xả hơi, “cánh tay máy” lại “chạy” ra Hà Nội, giật giải ba cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi toàn quốc.

“Cánh tay máy” đi đến đâu, hai ông chủ nhỏ lại lon ton đến đó… rinh giải. Vinh dự hơn, cánh tay máy vừa đi “công tác” tận Ấn Độ để dự giải quốc tế. Những ngày này, Tú Cường và Đình Áng đang hồi hộp chờ tin tức “cánh tay máy” yêu quý.

Tàu ngầm, khinh khí cầu, robot hốt rác, xe gỡ mìn… bao giờ cũng có sức hấp dẫn với những cậu bé này. Mỗi lần cái đồng hồ để bàn, cái điều khiển ti vi mất pin, cả nhà liền hỏi Áng vì 99% là cu cậu đã dùng pin đó lắp vào những mô hình.

“Lãng mạn” hơn, Tú Cường viết văn, viết kịch bản truyện tranh, làm thơ, vẽ tranh “rất xịn”. Cường là một trong những cây bút nhí rất quen thuộc trên báo Nhi đồng TPHCM.

Tuổi nhỏ, nhưng những kế hoạch hai cậu bé này đang ấp ủ lại “rất bự”: “Em muốn trở thành lập trình viên, muốn giành được nhiều giải thưởng như anh Nguyễn Khánh Ánh Hoàng” - Tú Cường bật mí.

Còn Đình Áng đang tất bật mày mò thiết kế web “Tự học lớp 6”… dù chưa học lập trình (!), “Em dự định sẽ đi du học ở Australia, sau này, em sẽ kinh doanh, sẽ làm chủ!”. 

Đứng dưới các vì sao

Sáng tạo không đợi tuổi ảnh 3
Hữu Ngôn: "Cứ nỗ lực hết mình, dù chưa vươn tới bầu trời thì cũng đã đứng dưới các vì sao"

Phạm Hữu Ngôn quyết tâm: “Dù chưa vươn tới bầu trời thì cũng đã đứng dưới các vì sao”. Suýt nữa chúng tôi không tin hắn là “dân IT” chính hiệu (Information Technology - công nghệ thông tin) vì cái bề ngoài mà hắn tự nhận là “lem nhem”.

Đội mũ tai bèo, vận quần xanh, sơ mi trắng, cặp kính cận 4,5 độ dính chặt cứng trên “khuôn trăng đầy đặn” và cái giọng dễ thương của xứ “gạo trắng, nước trong”.

Hắn hay chống cằm cười “hì hì” đến tít mắt khi bật ra những suy nghĩ “độc”. Trong danh sách những “người tình trong mộng” của hắn, xếp ngay sau công nghệ thông tin là… những cô gái xinh xắn mà hắn bất chợt gặp ở đâu đó!

Bộ sưu tập giải thưởng, danh hiệu của Hữu Ngôn vừa chất vừa lượng: giải 5 cuộc thi Imagine Cup vòng chung kết thế giới tại Brazil năm 2004, giải 3 cuộc thi Nhân tài đất Việt lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2005, hàng chục giải Olympic tin học SV toàn quốc.

Ấn tượng hơn, cùng với các đồng đội trong BK Eagle, hắn “tất niên 2005” bằng giải 3 tại kì thi lập trình quốc tế ACM/ICPC khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

BK Eagle sẽ là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi chung kết toàn cầu lập trình quốc tế tổ chức tại Mỹ vào giữa tháng 4/2006.

Năm lớp 7, được ông bác cho chiếc máy vi tính, Hữu Ngôn chơi game “mệt nghỉ”. Kết quả: đội sổ môn tin học! “Sỉ nhục! Sỉ nhục quá! Dzậy là ráng học, học đến… thích, đến cận thị! Thậm chí, còn mơ ước sẽ góp phần vào sự phát triển nền công nghệ thông tin nước nhà!” - hắn giải thích cho “mối tình đầu” của mình.

Mỗi chuyến “mang chuông đi đánh xứ người”, Ngôn lại học được thêm phong cách học tập, lối tư duy độc lập của bạn bè quốc tế. Tự nhận những sáng tạo của mình bay bổng, lãng mạn quá, ít có khả năng thương mại, nhưng anh chàng lại rất hài lòng với điều đó: “Với mình, lãng mạn, bay bổng luôn đi đôi với sáng tạo. Chỉ sợ sau này không còn lãng mạn được nữa thôi!”.

Còn “lập trình tương lai”? “Sau khi tốt nghiệp, dự tính sẽ học MBA. Mình thích quản lí công nghệ, nhưng trước tiên phải phấn đấu giỏi về kĩ thuật đã! Càng học, càng hiểu rõ mình đứng đâu trong thế giới công nghệ thông tin không giới hạn. Cứ nỗ lực hết mình, dù chưa vươn tới bầu trời thì cũng đã đứng dưới các vì sao, đúng không?”.

Chỉ tại người Hà Nội!

Sáng tạo không đợi tuổi ảnh 4
Nguyễn Quang Huy

Đó là bộc bạch của nhà thiết kế thời trang Nguyễn Quang Huy khi nói về sự sáng tạo thời trang.

Đặc điểm nhận dạng: tóc mây bồng bềnh, kính đen, áo thun, quần jean, ba lô đỏ to đùng nhét đủ mọi thứ cần thiết cho một ngày làm việc, và “cái giọng Hà Nội để nhớ để thương”.

Con đường đến với nghề thiết kế thời trang của Huy thế nào?

Thời học sinh, mình mơ ước làm kiến trúc sư! Khổ nỗi, năm đầu thi ĐH Xây dựng HN, và ĐH Kiến trúc HN, suýt đậu! Năm sau, ngoài hai trường cũ, mình thi thêm khoa Thiết kế thời trang của trường CĐ Nghệ thuật HN.

Lại lận đận, chỉ đậu mỗi trường CĐ Nghệ thuật HN. Chẳng biết thiết kế thời trang là gì nhưng mình cũng cắp sách đi học vì ở nhà một năm… oải lắm rồi!

Càng học, càng thấy hay. Tốt nghiệp, mình được giữ lại trường làm tư vấn thiết kế. Công việc nhẹ nhàng, thoải mái, nhưng còn trẻ, mình muốn phát triển hơn. Mất một tuần suy nghĩ, mình quyết định “Nam tiến”. Sài Gòn sôi động, đời sống thời trang ở đây cũng nhiều màu sắc, phong phú hơn, điều đó lại cho mình hứng thú.

Còn duyên nợ với những cuộc thi thiết kế thời trang đã làm nên tên tuổi của Nguyễn Quang Huy?

Cuộc thi thiết kế thời trang đầu tiên mình tham dự là Việt Nam Collection Grand Prix 2002 với bộ sưu tập “Sự biến thiên của không gian và thời gian”, mang đậm cách suy nghĩ của người Hà Nội.

Khi ấy bỡ ngỡ lắm, đường xá Sài Gòn còn chưa thuộc. Chỉ vào được chung kết cuộc thi, nhưng đó là một động lực rất lớn… Năm 2003, mình quyết định không thi mà dành thời gian tìm hiểu, rèn luyện.

Đến Việt Nam Collection Grand Prix 2004, mình mang theo bộ sưu tập “Cảm nhận nhiệt đới”, đó là những cảm nhận của mình về Sài Gòn sôi động, trẻ trung. Với bộ sưu tập này, Nguyễn Quang Huy đã giành giải thưởng lớn tại cuộc thi Việt Nam Collection Grand Prix 2004.

Đối tượng chính cho các mẫu thiết kế của Huy?

Là phụ nữ độ tuổi 25 đến 40. Mình cũng có các mẫu thiết kế cho thanh niên, hầu hết các mẫu này hiền và nhẹ nhàng lắm. Thiết kế cho thanh niên, mình không chạy theo các bạn mà cố gắng hướng các bạn đến những mẫu đơn giản nhưng bắt mắt.

Chắc là do “gu” suy nghĩ: mình là người Hà Nội, lại hơi cổ điển. Vào Sài Gòn được 5 năm rồi, cách suy nghĩ có nhạt đi ít nhiều nhưng chất Hà Nội thì vẫn còn đó.

Theo anh, đâu là yếu tố quan trọng nhất của một nhà thiết kế thời trang?

Đầu tiên là kiên trì, tiếp theo là đam mê. Khó mà đam mê mãi, nhưng nhất thiết phải kiên trì. Có khi hai tháng trời miệt mài cho ra 40 mẫu, người mẫu mặc vào, đi ào ào trong 10 phút. Vậy là hết!

Lúc diễn, mình cũng chả được xem vì túi bụi lo phía trong sân khấu. Người mẫu cuối cùng đi ra, mình cũng bơ phờ ra theo. Khi ấy, không nhớ khoảnh khắc bước ra sân khấu mà nhớ những lúc thức đêm thức hôm.

Lắm lúc, nửa đêm, ý tưởng ào đến, bật dậy, vẽ đến sáng, mệt, lăn ra ngủ. Thức dậy, thấy mình vẽ cũng được… Nhưng cũng có khi bí ý tưởng, thấy mình vẽ xấu hơn SV, giấu ngay, xé ngay, rồi cặm cụi vẽ cái khác. Nhà mình giống cái kho phế liệu cũng là vì vậy. May là mỗi lần mình ném lung tung, mẹ lại đi theo sau xếp lại gọn gàng.

Sẽ có một kế hoạch hoành tráng cho năm 2006 chứ?

Chỉ đưa ra những mục tiêu ngắn thôi nhé! Nói trước, bước không qua, làm không tới thì đau lắm! Trước mắt, phải cho ra những bộ sưu tập đẹp hơn, mới hơn, lạ hơn.

Mình đang dự định tìm kiếm một cuộc thi thiết kế thời trang quốc tế. Nếu có điều kiện, mình mơ ước được đến pháp - kinh đô thời trang của thế giới để học hỏi.

Theo Trung Uyên
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG