Nữ sinh “chất lượng cao”

Nữ sinh “chất lượng cao”
Chuyên “đi săn” học bổng, làm tới “chức” đại sứ môi trường, nói được nhiều thứ tiếng, là hoa khôi SV... Đó là chân dung những nữ SV đang theo học các lớp kỹ sư, cử nhân tài năng và chất lượng cao.
Nữ sinh “chất lượng cao” ảnh 1
SV lớp ngôn ngữ CLC K48 ĐH KHXH&NV Hà Nội.

Sân trường vắng tanh, trời lạnh cóng, vậy mà trên băng ghế đá trước khu giảng đường A, có ba cô gái với những quyển sách dày cộm trên tay đang tranh luận khá sôi nổi. Một SV nhìn từ xa với vẻ ngưỡng mộ: “Dân chất lượng cao đang học nhóm đấy”.

Đó là ba SV lớp ngôn ngữ CLC (chất lượng cao) K.48. “Nhóm mình đang chuẩn bị cho giờ học chiều đấy mà. Lớp mình quen cách học này rồi, đưa ra vấn đề, tư duy, tranh luận để có một cách nhìn nhận vấn đề tốt nhất” - Nguyễn Thị Ý Nhi cho biết.

Cô gái quê Phổ Yên (Thái Nguyên) Ngô Thị Minh Thùy (lớp kỹ sư tài năng vật lý kỹ thuật K47 ĐH Bách khoa Hà Nội) thú thật: “Ngày đầu thi đỗ vào lớp kỹ sư tài năng mình bị choáng thật sự, toàn những người đoạt giải quốc gia, quốc tế..., còn bây giờ thì... bình thường thôi” .

Cái bình thường của Thùy nghe sao thảnh thơi quá, chỉ một năm thôi mà Thùy đã “marathon” vượt lên đứng đầu lớp và chưa học kỳ nào để mất học bổng loại giỏi. Thùy nhận được khá nhiều học bổng với hơn 1 triệu đồng mỗi tháng.

Học từ các dự án do chính mình thực hiện là cách học của cô SV lớp cử nhân khoa học tài năng khoa môi trường K6 ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội Nguyễn Hồng Hạnh. Lớp chỉ có sáu SV, Hạnh rủ các bạn thành lập nhóm chuyên làm dự án môi trường.

Cô gái trẻ có “máu” làm dự án ngay từ năm thứ 2 đã nhận được thư mời của WWF (World Wild Fund - Quĩ Quốc tế về thiên nhiên), nhóm Hạnh tự tin tham gia và bắt tay vào dự án trong chương trình “Đại sứ các vùng đất ngập nước khu vực sông Mekong”. Từ các dự án, Hạnh thường xây dựng chuyên đề các môn học, làm tiểu luận...

Chuyện học của Hạnh cũng “bình thường thôi”, vì học kỳ nào Hạnh cũng đứng đầu lớp và điểm luôn “bình thường” ở mức trên 9.0!

Chơi: “chất lượng hơi bị cao!”

Nhiều SV Hà Nội cho biết ở những lớp học này SV nào có điểm trung bình các môn từ 7,0 - 7,5 sẽ “đuối” ngay.

Cuối mỗi kỳ học lại có một cuộc sát hạch gắt gao giữa các SV. Họ phải luôn chạy đua để trụ lại lớp và đã không ít SV phải chia tay với cuộc đua.

Là thành viên trong những lớp học này là một điều vinh dự đối với bất cứ SV nào.

Ở lớp ngôn ngữ CLC K48, Nguyễn Thị Ý Nhi không chỉ nổi tiếng học giỏi mà còn đảm đương một lô chức vụ như ủy viên ban thư ký Hội SV, liên chi hội trưởng SV khoa ngôn ngữ và là một MC “chuyên trị” tổ chức giao lưu với SV Trung Quốc. Ngay cả cuộc thi hoa khôi toàn trường, Ý Nhi cũng “ẵm” luôn danh hiệu hoa khôi.

Cứ đến thứ bảy hằng tuần, Ý Nhi cùng thành viên CLB Sống đẹp (Thành đoàn Hà Nội) đến các trường ĐH tuyên truyền những nếp sống đẹp trong thanh niên.

Ý Nhi còn được biết đến với vai trò thủ lĩnh SV trong nhiều hoạt động tình nguyện, xã hội. Mỗi dịp hè, Ý Nhi lại làm đội trưởng đội tình nguyện “đưa quân” về các vùng nông thôn khắp miền Bắc...

Còn Nguyễn Hồng Nhung, lớp ngôn ngữ CLC K48, không chỉ thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và biết tiếng Trung cơ bản, cuối năm nhất ĐH, Nhung giành được học bổng của Quĩ Quốc tế Singapore (dành cho SV xuất sắc được tuyển chọn từ các nước ASEAN) sang học tại ĐH Quản lý Singapore (SMU) tháng 7 đến tháng 12 - 2004. Rất hiếm SV năm 1 được học bổng này.

Cô SV 21 tuổi khá xinh xắn này có một thú vui: tham gia các hoạt động thanh niên toàn cầu. Nhung hiện là biên tập viên của TalkingitGlobal (TIG) - trang web lớn dành cho giới trẻ với hơn 97.000 thành viên tham gia ở hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Tháng 10/2005 Nhung được mời với tư cách là một trong bốn “youth speeker” điều khiển cuộc họp khóa 60 Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York (Mỹ) - tổng kết 10 năm chương trình hoạt động thanh niên.

Còn Nguyễn Hồng Hạnh thì lập nhóm NUS - 84 (National University of Science) đã dự thi và đoạt giải trong “Chương trình đại sứ các vùng đất ngập nước” do WWF tổ chức.

Hạnh cười cho biết những dự tính sắp tới: “Nhóm sẽ lớn mạnh hơn thành một tổ chức, không chỉ có thành viên trong lớp mà còn tập hợp tất cả những người quan tâm tới môi trường”.

Riêng Minh Thùy - “bóng hồng” duy nhất của lớp kỹ sư tài năng vật lý kỹ thuật K47 ĐH Bách khoa Hà Nội - đang là thành viên của FYT (một tổ chức giáo dục đặc biệt của FPT). Mấy tháng nay nhiều người lại thấy cô SV nhỏ bé này “nhập bọn” cùng các chàng trai lớp cơ điện tử làm robot chuẩn bị cho cuộc tranh tài sắp tới.

Theo Trần Huỳnh - Thu Hòa
Báo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG