Lộc tại lễ trao giải thưởng Loa Thành (bên trái là thầy Quân - giảng viên hướng dẫn Lộc làm đồ án tốt nghiệp; bên phải là mẹ của Lộc) |
Thuở còn học trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), Lộc dự định thi vào ĐH Bách khoa Hà Nội (khối A). Cuối năm lớp 11, một lần theo lời bạn bè rủ rê, Lộc đến lớp học vẽ… cho vui. Ai ngờ thấy thích, Lộc quyết định thi khối V, vào ĐH Kiến trúc Hà Nội. Với gia đình Lộc, quyết định này không mấy gây sốc.
Khi làm đồ án tốt nghiệp cũng vậy, rất nhiều ý tưởng đến với Lộc. Rồi một lần đến bảo tàng Dân tộc học, Lộc chợt thấy yêu kiến trúc nhà đất của người Hà Nhì. Được sự khích lệ của thầy Lê Quân (một kiến trúc sư có nhiều kinh nghiệm trong thiết kế kiến trúc truyền thống), Lộc quyết định chọn đề tài Trung tâm văn hóa cộng đồng người Hà Nhì.
Lộc chia sẻ: “Miền rẻo cao phía bắc có nhiều dân tộc làm nhà bằng tường trình (tường đất). Tuy nhiên, tôi thấy kiến trúc nhà ở của người Hà Nhì vẫn là độc đáo nhất. Nhìn trên tổng thể, tôi nhận thấy làng bản người Hà Nhì rất bắt mắt. Những ngôi nhà trông rất cục mịch, giống những cái nấm mọc trên sườn núi nhưng lại hòa hợp với môi trường xung quanh, điều kiện khí hậu mà người dân Hà Nhì sinh sống. Trong những ngôi nhà ấy, con người cảm thấy thoải mái (mùa Đông thì ấm, mùa Hè thì mát) trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao”.
Đồ án của Lộc là một công trình kiến trúc đa năng phục vụ cộng đồng người Hà Nhì. Mặt bằng công trình bao gồm 10 khu chức năng: sân cộng đồng; hành chính, y tế; hội trường đa năng; khối lớp học; sân lễ hội; nhà ăn; CLB thể thao; CLB ca hát; lối vào chính; thác nước.
Vật liệu chủ yếu của công trình là đất. Một số vật liệu hiện đại (sắt, thép) được đưa vào sử dụng tạo nên độ kết cấu vững chắc cho công trình. Để thực hiện đồ án này, Lộc đã dành ra nhiều ngày đi khảo sát thực địa ở xã Ý Tý – nơi có nhiều người Hà Nhì sinh sống nhất của huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Theo đánh giá của hội đồng giải thưởng, đồ án của Lộc rất sáng tạo, thể hiện sự hiểu biết của tác giả về phong tục, tập quán, lối sống của cộng đồng mình phục vụ. Đồ án lưu giữ, phát huy được giá trị truyền thống đặc sắc trong kiến trúc nhà ở của người Hà Nhì, giúp họ cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trên diễn đàn kiến trúc - xây dựng ashui.com (Hội Kiến trúc sư Việt Nam), các thành viên không ngớt lời ca ngợi đồ án của Lộc.
Mong muốn của Lộc là tiếp tục triển khai đồ án này trong tương lai. Hiện Lộc đã có ý tưởng nhằm thúc đẩy việc hiện thực hóa mong ước này. Theo Lộc, một kiến trúc sư thành công là người đi bằng hai chân: Công việc mưu sinh thường ngày và nghiên cứu.
* Trong số 123 đồ án tốt nghiệp xuất sắc nhất của 14 trường tham gia xét giải thưởng Loa Thành 2009 vẫn còn các đồ án đã sử dụng các quy phạm và tiêu chuẩn của những năm 60 – 70 thế kỷ trước để dự thi. 14 phần trăm trong số đó được đánh giá là đồ án tiêu biểu, xuất sắc, đáp ứng các tiêu chuẩn của cuộc thi. Bốn giải nhất đã thuộc về các cựu sinh viên: Phạm Hữu Lộc (người hướng dẫn: Tiến sĩ kiến trúc sư Lê Quân), Đinh Đỗ Liên Hương (người hướng dẫn: PGS - TS Vũ Thị Thịnh) - đều của ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trần Thị Diễn (người hướng dẫn: PGS - TS Nguyễn Văn Thắng) - ĐH Thủy lợi, Mai Viết Chinh (người hướng dẫn: Thạc sĩ Phạm Văn Tuân) – Học viện Kỹ thuật quân sự. * Năm học 2007 - 2008, Phạm Hữu Lộc đạt các giải Ong vàng, giải khuyến khích Thiết kế nhanh, giải ba sinh viên giỏi tiếng Anh (ĐH Kiến trúc Hà Nội); Giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường, giải ba cấp Bộ GD&ĐT. Năm 2009: Giải Nhất cuộc thi Futurarc Prize 2009 do Singapore tổ chức với sự tài trợ của Mỹ. Đây là cuộc thi có uy tín lớn trên thế giới dành cho các kiến trúc sư và sinh viên ngành kiến trúc. Ở phần thi dành cho sinh viên, đồ án thiết kế của Lộc đã thuyết phục Ban giám khảo tuyệt đối, vượt qua các đối thủ nặng ký của các nước khác như Singapore (Giải Nhì) và Achentina (Giải Ba) để đứng lên bục nhận vinh quang cho Việt Nam. |