Ảnh minh họa: |
Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trên hai phần ba phụ huynh cho rằng, mình rất quan tâm đến con cái, trong khi đó, các em trong độ tuổi vị thành niên cho rằng, chưa đến một phần ba số cha mẹ quan tâm đến con cái.
Nghệ sĩ Kim Xuân kể, trong lần tập vở diễn “Chuyến tàu hoàng hôn” tại Nhà hát Hòa Bình, chị bắt gặp mấy học trò ngồi hút thuốc lá phì phèo. Chị quát: “Tại sao không vào lớp học mà trốn hút thuốc. Hư quá”. Bọn trẻ bỏ chạy. Nghệ sĩ Minh Hoàng khuyên chị: “Em nóng nảy kiểu này, có ngày chúng nó…Việc dạy đạo đức cho học sinh từ bé trong nhà trường hiện nay rất sơ sài”.
Cô Minh Tú - một doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ chơi trẻ em, chia sẻ kinh nghiệm của chính mình khi 6 - 7 tuổi, cô định bỏ nhà đi bụi vì gia đình không cho theo dự tiệc.
Lần đầu tiên cô ôm mẹ mình thật chặt là lúc bà chuẩn bị nhắm mắt xuôi tay. Sự ảnh hưởng của những tình cảm thiêng liêng trong gia đình, cách chia sẻ, lắng nghe những diễn biến trong tâm hồn trẻ thơ cần phải được quan tâm thật sự, đầy đủ. Đây chính là sợi dây ràng buộc các thành viên với nhau, giúp trẻ không thể từ bỏ gia đình cho dù vấp phải những cú sốc, những khó khăn.
Kỳ Nam, học sinh lớp 8, bộc bạch: “Tuổi của con và các bạn cần được người lớn nghe, chia sẻ, giúp đỡ. Nhiều thầy cô vặn hỏi học sinh như cảnh sát hỏi tội phạm về lý do không làm bài tập. Nhiều phụ huynh xông vào trường đánh con gái giữa lớp chỉ vì nghe “bồ bịch lăng nhăng”. Sự nổi loạn đôi khi có nguyên nhân từ cha mẹ, gia đình, nhà trường, nhưng cũng có khi rất vô cớ.
Bạn Anh Thư, du học sinh từ Anh quốc về, tham gia: “Cháu thấy còn một nguyên nhân chán sống nữa không ai đề cập đến là chán bản thân. Nhiều bạn cảm thấy mình bất lực, không thành công, vô dụng và ăn hại khi mọi người lo lắng, dành dụm cho mình nhưng mình không thể làm gì xứng đáng. Tâm lý mặc cảm, bế tắc hình thành làm cho các bạn ấy dễ nổi loạn, phá phách và có thể tự tử”.
Nhà giáo Huỳnh Thanh Phú nêu quan điểm, không phải lỗi chán sống đều do nhà trường. Cũng không nên so sánh khập khiễng về mọi phương diện của xã hội Việt Nam với các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Hàn, Nhật, Singapore…
Nguyên nhân trẻ chán sống rất nhiều, có thể do giáo dục, gia đình, xã hội, đạo đức, thần tượng sụp đổ. Tuy nhiên, ông thừa nhận có thể thầy cô giáo có ảnh hưởng khá lớn trong tuổi học đường.
Có vài thầy cô trở thành đại bàng trong mắt học sinh, ám ảnh học sinh. Có thầy cô dạy học chạy theo thành tích, chạy theo giáo án, giáo trình, làm cho học sinh kinh hãi. Những cư xử bạo lực trong gia đình, mang tính áp đặt, sĩ diện hão của cha mẹ cũng khiến cho trẻ “căm thù người lớn”.
Có quá nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan tác động mạnh mẽ đến tâm hồn trẻ, khiến cho tâm hồn trong sáng của trẻ suy sụp, đổ vỡ và bế tắc. Tại tọa đàm, còn có phụ huynh lên án tuổi teen nhuộm tóc, mặc quần áo hở hang, yêu đương sớm…
Một đại biểu lên tiếng, có lẽ người lớn cần trả lời câu hỏi họ đã làm gì với trẻ trước khi tìm nguyên nhân vì sao trẻ chán sống.