Nguyễn Chí Hiếu trong ngày tốt nghiệp thủ khoa trường Khoa học chính trị và kinh tế London. Ảnh: SGTT. |
Chỉ ở thời khắc đó, Hiếu mới thật sự có thời gian cho những công việc đột xuất, không có trong lịch đã lên sẵn hàng tuần của mình.
“Tôi không phải mọt sách…”
Một số diễn đàn của du học sinh Việt Nam trên mạng gọi Hiếu là “vua” săn học bổng, Hiếu thấy sao?
Vậy à? Tôi mới biết chuyện này. Tôi không tài ba đến thế đâu… (cười to).
Nhưng để vượt qua được những ứng cử viên giỏi khác sở hữu những suất học bổng kỷ lục, chắc Hiếu cũng phải có bí quyết nào đó?
Tôi không có chiêu gì đáng để gọi là “tuyệt đỉnh công phu” cả. Có chăng khi đã xác định được mục tiêu, tôi sẽ nhắm thẳng nó và cố hết sức để “bắn”. Nếu chẳng may trượt thì cũng không buồn vì đã làm hết khả năng rồi.
Thất bại sẽ không là thất bại nếu mình biết học cách đứng dậy đi tiếp. Với tôi, cái gì đã qua thì cứ cho nó qua, cái gì đến rồi sẽ đến, không nên cưỡng cầu làm gì.
Khi nói đến ai đó học rất giỏi, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh của con mọt sách. Suốt ngày nhốt mình trong phòng đọc ra rả như tụng kinh…
Tôi là Hiếu… chí mén, không phải mọt sách (cười). Tin tôi đi, tôi không học khủng khiếp đến thế đâu. Mọi thứ đều diễn ra rất chừng mực và cân bằng.
Tôi có một khoảng thời gian đủ rộng để chơi nhạc, lang thang chụp ảnh, đi du lịch và tham gia các dự án cộng đồng, hoạt động thiện nguyện thì làm sao là mọt sách được?
Chứng khoán Việt Nam như canh bạc
Giới trẻ hiện nay, nhất là những công dân toàn cầu như Hiếu, rất quan tâm đến chính trị. Họ lập cả web và blog để bày tỏ chính kiến của mình trước những vấn đề của đất nước. Hiếu thì sao?
Chính trị không phù hợp với tính cách của tôi. Tôi thích những cuộc trao đổi liên quan đến chuyên ngành đang học là kinh tế tài chính hơn. Nói thế không có nghĩa tôi mù tịt thông tin đất nước và thế giới.
Tôi vẫn thường xuyên theo dõi các diễn biến chính trị vì đó cũng là kiến thức cần cho cuộc sống. Tôi ủng hộ những gì các chính trị gia làm phục vụ cho dân và lên án những gì đi ngược lại lợi ích của cộng đồng xã hội.
Nếu trao đổi về đề tài kinh tế tài chính, thì trong các vấn đề phát triển của Việt Nam hiện nay, đâu là vùng quan tâm nhất của Hiếu?
Chứng khoán. Thị trường chứng khoán của nước mình hiện đang giống Hồng Kông những năm 1996, 1997. Đội ngũ nhân lực có trình độ chưa nhiều. Thị trường dễ bị chi phối và có tâm lý ăn theo. Thấy người ta mua thì mình cũng mua. Nó giống một canh bạc hơn thị trường.
Người chơi ăn nhiều và thua cũng nhiều bởi họ tham gia theo kiểu “say bạc” chứ không có sự phân tích tỉnh táo.
Trăn trở vậy nhưng sao trong dự định sắp tới của Hiếu không thấy nói đến kế hoạch về Việt Nam làm việc?
Tôi sẽ về nhưng không phải lúc này. Sau khi học xong, tôi muốn làm việc tại các nước xung quanh Việt Nam như Singapore, Malaysia... rồi mới tính tiếp.
Tôi không có thói quen vạch ra kế hoạch lâu dài nên cũng không nói trước được là hai, ba năm nữa sẽ làm gì. Chỉ biết “Wherever the wind blows me to, I’ll happily fly with it” (Dù gió có thổi tôi bay đến bất cứ nơi đâu thì tôi cũng vui vẻ bay cùng với gió).
Tôi thấy nhiều người có suy nghĩ thật lạ khi lấy địa lý làm chuẩn của lòng yêu nước. Đâu phải sống ở Việt Nam thì mới yêu nước còn ở nước ngoài là không. Sống ở xa mà luôn hướng về Việt Nam thì vẫn là yêu nước đấy chứ.
Sống phải có mục đích rõ ràng
Bắt đầu cuộc sống công dân toàn cầu ngay khi chưa tốt nghiệp cấp ba ở Việt Nam, sự va chạm với thế giới quá sớm, cho Hiếu những gì và lấy đi những gì?
Tôi thấy mình ngày càng độc lập trong suy nghĩ và tự chủ hơn. Còn về mất thì có lẽ là không có điều kiện để ăn món ăn Việt thường xuyên, không được hưởng cái không khí rất Việt Nam vào những ngày lễ hội, không được ở bên cạnh những người thân yêu vào những ngày quan trọng nhất của họ. Ngày cưới của anh hai, ngày chào đời của đứa cháu, ngày mất của ông nội và ông ngoại tôi đều vắng mặt.
Tuổi trẻ là thời đẹp nhất của mỗi người, chọn cách xài bằng đặt cược hết vào việc học, có bao giờ Hiếu thấy tiếc?
Đặt cược nhưng tôi thắng chứ có thua đâu mà tiếc? (cười). Thật ra tôi đang làm cho tuổi trẻ của mình có ý nghĩa và giá trị hơn thì có gì để phải như thế.
Với tôi, sống là phải có mục đích rõ ràng, không thể mơ hồ được. Tôi thấy lo cho những bạn đang để cái vòng xoáy của cuộc sống cuốn vào mà không kiểm soát được nên làm gì, đi đâu và về đâu.
Ngược lại, tôi rất ngưỡng mộ những ai dám ước mơ và cố gắng hết sức vì ước mơ của mình, biết vượt lên số phận để thách thức với số phận, sống đúng với con người thật và luôn có một trái tim đủ ấm để san sẻ bất hạnh của người khác…
Bộ sưu tập giải thưởng của “chí mén” Nguyễn Chí Hiếu sinh 1984, tại Quy Nhơn (Bình Định). Khi còn học cấp hai ở Việt Nam, do người còi cọc quá nên bạn bè đặt cho nickname “chí mén”, chết danh đến bây giờ. Sau khi đoạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh năm lớp 11, Hiếu “săn” được một suất học bổng toàn phần của trường trung học Cambridge Tutors và quyết định sang Anh học chương trình A-level (dự bị đại học) vào năm 2002. Với thành tích luôn đạt điểm A các môn học, Hiếu đã vượt qua 330.000 sinh viên khác để giành danh hiệu thủ khoa nhóm toán – thống kê của kỳ thi A-level và đoạt luôn huy chương vàng giải thưởng Richard Smart Joint Gold Medal của tổ chức CIFE (gồm 17 trường dự bị đại học ở Anh, trao cho 3 sinh viên A-level xuất sắc nhất). Tốt nghiệp Cambridge Tutors, Hiếu tiếp tục “săn” được học bổng toàn phần của trường Khoa học chính trị và kinh tế London (The London School of Economics and Political Science – LSE). Tại đây, “chí mén” lại gây bất ngờ với sinh viên nước Anh khi có kết quả học tập luôn dẫn đầu trường và “ẵm” luôn giải thưởng C.S.Mac Taggart Prize dành cho sinh viên thủ khoa năm nhất. Với những kết quả học tập trên, năm 2006, Hiếu được viện Giáo dục quốc tế (IIE) chọn là một trong 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới và trở thành khách mời danh dự của chương trình Tư duy thế kỷ (đài BBC). Năm 2007, Hiếu tốt nghiệp trường LSE với “đúp” hai giải thưởng: thủ khoa của khoa kinh tế và một trong bốn thủ khoa của trường LSE. Đương lúc còn cân nhắc những lời mời hấp dẫn của các Cty tài chính hàng đầu thế giới thì Hiếu nhận được thư đề nghị cấp học bổng tiến sĩ của các trường đại học danh tiếng: Cambridge, LSE (Anh) Columbia, Northwestern, Stanford (Mỹ). Nhận thấy vẫn còn ham học hơn đi làm, tháng 9/2007, Hiếu quyết định chọn đại học Stanford để theo học tiếp chương trình tiến sĩ thuộc ngành kinh tế tài chính, với suất học bổng toàn phần lên đến 375.000 USD. Không chỉ nổi tiếng học giỏi, Hiếu còn được giới du học sinh ngưỡng mộ bởi luôn là đầu tàu trong các hoạt động phong trào của hội Sinh viên Việt Nam ở Anh, Mỹ và có rất nhiều tài lẻ khác: nấu ăn ngon, chụp ảnh đẹp, hát hay, diễn kịch giỏi, làm MC có duyên, chơi piano rất cừ. Chương trình ca nhạc từ thiện Good morning Vietnam do Hiếu làm tổng đạo diễn đã từng gây tiếng vang lớn trong cộng đồng người Việt ở Anh... |
Theo Vĩnh Huy
Sài Gòn Tiếp Thị