Nghị lực của một cô gái bị ung thư:

Còn sống một đêm vẫn tin ở ngày mai

Còn sống một đêm vẫn tin ở ngày mai
TP - Lê Minh Nguyệt - tác giả tự truyện “Vẫn tin ở ngày mai” là một nữ sinh Sư phạm mới ra trường - người đang mang trong mình căn bệnh nan y: ung thư máu. Từng ngày, từng giờ cô vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật - quyết không gục ngã trước số phận. 
Còn sống một đêm vẫn tin ở ngày mai ảnh 1
Dù bị ung thư nhưng Lê Minh Nguyệt  “Vẫn tin ở ngày mai”    Ảnh: Phạm Huệ

“Có người nói: Thà bị AIDS còn hơn bị bệnh này. Vì bây giờ người nhiễm HIV chỉ cần tiêm một mũi là sống thêm mấy năm. Lại có người nói, thà tù đày còn hơn bị bệnh này, bởi dù là tù chung thân vẫn có thể được giảm án và cơ hội làm lại từ đầu, còn đã mắc bệnh này thì sống hôm nay chẳng còn biết ngày mai.

… Bệnh tật đã cướp đi những thứ quý giá nhất của đời em: Tình yêu và sự nghiệp. Nhưng em vẫn luôn hi vọng vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Em luôn tin tưởng rằng “sau cơn mưa trời lại sáng”.

Những dòng tâm sự  xúc động trên đây được trích trong tự truyện “Vẫn tin ở ngày mai” (NXB Công an nhân dân phát hành 6/2008).

Đương đầu với bạo bệnh

Khi cô sinh viên năm cuối Lê Minh Nguyệt (Lớp K29C, khoa Toán – Đại học Sư phạm Hà Nội II) nhận được tin vui: Vinh dự là một trong năm sinh viên xuất sắc nhất khóa 2003 – 2007 được chọn làm khóa luận tốt nghiệp cũng là lúc các bác sĩ phát hiện Nguyệt có một khối u ở hốc mắt trái, phải phẫu thuật khoét bỏ.

Đó là một khối u ác tính. Và thay vì được cùng bạn bè sống những tháng ngày ý nghĩa cuối cùng của thời sinh viên, cô gái trẻ phải đối mặt với sự thật nghiệt ngã: Mình bị ung thư máu.

“Thật khó khăn để chấp nhận chuyện này” – Lê Minh Nguyệt nhớ lại. “Thời gian đầu em suy sụp ghê gớm. Đầu óc em muốn nổ tung. Em chỉ biết khóc, khóc và khóc…”.

Trong nhật ký của mình, Nguyệt viết: “Tôi gần như tuyệt vọng, trước mắt tôi bây giờ là hai sự lựa chọn: Một là gục ngã vì nỗi đau của tôi quá lớn. Hai là chiến đấu cùng nó. Nhưng tôi biết đây là cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn, cuộc chiến đấu không ngừng nghỉ, vì hiện tại bệnh ung thư máu vẫn chưa có thuốc chữa khỏi hoàn toàn. Mọi nỗ lực chỉ là để kéo dài sự sống…”.

Cô nữ sinh nhỏ bé ấy đã dũng cảm chọn lựa con đường thứ hai.

Suốt hơn một năm ròng, Nguyệt điều trị tại khoa C8 của viện Huyết học và truyền máu trung ương. Căn bệnh quái ác, kèm những đợt truyền hóa chất dài ngày, những lần phẫu thuật liên tiếp khiến cho sức khỏe và thể trọng của Nguyệt giảm sút nghiêm trọng.

Cũng có lúc hi vọng chợt lóe lên khi em được đưa về nhà, chuyển sang điều trị định kì. Nhưng chưa đầy hai tháng, bệnh tái phát nặng hơn, Nguyệt lại phải gồng mình lên tiếp tục cuộc chống chọi với bạo bệnh.

Gặp Nguyệt sau lần phẫu thuật gần đây, trông em gầy yếu và xanh xao. Mắt trái của em đã hỏng hẳn. Song nụ cười vẫn luôn rạng rỡ trên môi, Nguyệt bảo: “Nếu cảm thấy buồn chán vì bệnh tật thì bất cứ lúc nào cũng có thể rơi nước mắt. Nhưng với em lúc này – niềm vui của người thân, bạn bè… mới là điều quan trọng”.

Nguyệt là con gái thứ hai trong một gia đình có bốn chị em. Cha mẹ đều là nông dân. Để có đủ tiền theo chữa trị cho con, ba mẹ em đã phải chạy vạy, xoay xở đủ nghề. “Dù thế nào, chúng tôi cũng không bỏ cuộc!”. Bác Lê Văn Dục, ba em rưng rưng nói.

Còn sống một đêm vẫn tin ở ngày mai ảnh 2
Lê Minh Nguyệt với nụ cười chiến thắng

Ước mơ cháy bỏng

Trong câu chuyện với tôi, Nguyệt kể rất nhiều về ước mơ làm cô giáo. Mùa thi đại học năm 2003, đỗ cả ba trường đại học với số điểm cao, Nguyệt không chút do dự lựa chọn nghề Sư phạm bởi trở thành giáo viên là khát khao từ hồi em còn bé xíu. Những năm tháng trên giảng đường đại học, niềm khao khát ấy càng lúc càng lớn dần.

Kỷ niệm khiến em nhớ nhất là thời gian đi thực tập tại một trường cấp III hồi năm cuối đại học. Giọng em trở nên sôi nổi. Em hào hứng lật giở từng trang lưu bút ghi lại những ngày ý nghĩa ấy:

...Ngày… tháng… năm: Dường như học sinh lớp 10I rất thích học toán nên chúng reo ầm lên khi giới thiệu tôi – cô giáo dạy toán. Điều đó lại càng tăng sự tin tưởng trong tôi:

- Chào các em, cô tên Nguyệt, quê cô ở Hà Tây – mảnh đất có rất nhiều danh lam thắng cảnh…

Đứng trước học sinh tôi có cảm giác mình là giáo viên thực thụ chứ không phải là một sinh viên sư phạm đi thực tập nữa…

…Ngày… tháng… năm: Tôi đã thuộc hết mặt học sinh trong lớp và học lực của từng em. Hay tiếp xúc với học sinh, biết được hoàn cảnh gia đình của chúng làm tôi gắn bó với chúng hơn…

…Ngày… tháng… năm: Tôi chỉ mong thời gian đừng trôi nhanh để tôi có thể ở bên học trò của mình lâu hơn nữa. Tôi thấy thật tủi thân khi phải chia tay với  học sinh trước hai tuần so với các đồng nghiệp.

- Vì vấn đề sức khỏe nên cô không thể ở lại với các em được nữa…

Tôi dừng lại và không thể nói thêm.

Tất cả mọi người đều ngồi im, nước mắt tôi rơi lã chã. Một số học sinh gục mặt xuống bàn, một số sụt sịt khóc theo tôi…”.

Với Lê Minh Nguyệt, đứng trên bục giảng là niềm hạnh phúc lớn lao mà em sẵn sàng đánh đổi, thậm chí trả giá đắt: “Cứ đi dạy về tôi lại cảm thấy mệt mỏi và đau đớn, đặc biệt những cơn đau đầu cứ hành hạ tôi.

Nhưng dường như sự đau đớn tôi chịu đựng đã thành thói quen, còn công việc tôi đang làm lại là công việc tôi hằng mơ ước. Vậy nên, nếu có phải trao đổi hai điều đó thì tôi sẵn sàng chấp nhận. Còn nếu có người khuyên tôi từ bỏ công việc thì quả là một điều khó, vì công việc đã mang lại cho tôi niềm vui, và đặc biệt nó còn tiếp thêm cho tôi nghị lực sống”.

Còn sống một đêm vẫn tin ở ngày mai ảnh 3
Bìa cuốn tự truyện Vẫn tin ở ngày mai

Vẫn tin ở ngày mai

Cái ngày định mệnh phát hiện ra căn bệnh hiểm nghèo, cũng là ngày Lê Minh Nguyệt đặt bút viết những trang nhật kí đầu tiên của đời mình. Nguyệt muốn gửi lời tri ân “Trước hết để cảm ơn tấm lòng của người thân, bạn bè đã dành cho em. Sau nữa là dành cho những người ốm đau bệnh tật như em - hi vọng khi đọc những dòng này sẽ làm nguôi ngoai đi phần nào nỗi đau trong lòng họ”.

Và Nguyệt chạy đua với thời gian để thực hiện dự định ấy: “Tôi viết - sáng - trưa - chiều - tối, bất kì lúc nào rỗi là tôi viết, viết cả trong những cơn đau tưởng chừng không thể chịu đựng nổi…”.

Suốt năm tháng miệt mài, cuốn nhật ký dần hoàn tất. Trong đó là cả quãng đời 4 năm sinh viên tươi đẹp; là những rung động trong sáng của cô nữ sinh đa cảm; là yêu thương sâu nặng với bố mẹ, người thân và quê hương; là khát vọng được sống và cống hiến cho tới phút cuối cùng...

Những câu văn không trau chuốt, thậm chí còn vụng về, nhưng tâm sự thì chân thành và tha thiết. Người ta bắt gặp một Lê Minh Nguyệt khi cứng cỏi đương đầu với bệnh tật “Em đã mắc phải căn bệnh nặng nhất của loài người: Ung thư! Hơn nữa lại là ung thư nặng nhất: Ung thư máu! Thì chẳng có cớ gì để cho em phải sợ những bệnh khác cả”.

Khi lại yếu đuối:  “Em cũng đã nghĩ rất nhiều đến cái chết. Mỗi khi có một bệnh nhân được trả về em lại nghĩ đến mình. Hay mỗi khi có một đám tang em lại nghĩ: không biết sau này đám tang mình có đông không?...”.

Song hơn hết, nghị lực và niềm tin giúp em vượt lên tất cả: “Căn bệnh nan y này không thể dập tắt những ước mơ của em mà trái lại nó còn làm cho cháy bỏng và nồng nhiệt hơn”.

Nguyệt tự nhủ với lòng mình: “Cứ vui vẻ mà sống, sống hết mình từng phút từng giây để nếu có chuyện gì không may xảy ra, ta không phải hối hận rằng mình đã không cố gắng”.

Nhà thơ Đặng Vương Hưng giúp em chỉnh sửa, biên tập hơn mấy trăm trang nhật ký thành cuốn tự truyện cảm động mang tên: “Vẫn tin ở ngày mai”.

Khi trang sách được đưa in, cũng chính là lúc tác giả Lê Minh Nguyệt trải qua cuộc phẫu thuật cam go: Cắt bỏ khối u mạc treo ( u hạ vị) trong ổ bụng…

Vĩ thanh…

Run run cầm bút ký tên trên trang giấy còn thơm mùi mực, Lê Minh Nguyệt luôn miệng nói mình là người may mắn. Trong suốt những tháng ngày vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo, em nhận được sự động viên, chia sẻ của gia đình, thầy cô, bè bạn, của cả những người chưa từng quen biết. Điện thoại em liên tục đổ chuông, những dòng tin nhắn, những bức thư tay, những giọng nói xa lạ mà ấm áp…

Hai tuần sau khi cuốn tự truyện Vẫn tin ở ngày mai được phát hành, ngày nào em cũng được sống cùng những thông điệp chan chứa yêu thương của bạn đọc gần xa.

Gặp lại em - ánh mắt như cười, khuôn mặt rạng rỡ - thấy lòng xa xót mà ấm áp.

Chiều nay, vỡ òa trong niềm vui khi nhận được tin nhắn của em: “Bác viện trưởng Viện huyết học rất xúc động khi đọc cuốn tự truyện, bác nhận sẽ ghép tủy cho em miễn phí…”.

Cầu chúc em đủ sức khỏe và nghị lực để vượt qua cuộc thử thách gian nan của số phận.

Phạm Huệ - Huyền Trang
(ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN)

MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.