Người “tuyên chiến” với bệnh ung thư

Người “tuyên chiến” với bệnh ung thư
TP - Ở tuổi 37, Tiến sỹ, bác sĩ Trần Văn Thuấn - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phòng chống ung thư (Bệnh viện K) vừa được nhận danh hiệu Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam năm 2008.
Người “tuyên chiến” với bệnh ung thư ảnh 1
Tiến sỹ Trần Văn Thuấn

Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3, chứng kiến người thân của mình vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác để lại nỗi đau không nói thành lời cho những người ở lại, Trần Văn Thuấn đã tâm niệm sẽ thi đỗ ngành y để nghiên cứu căn bệnh này tìm cách điều trị hiệu quả nhất.

Học xong 6 năm ở trường Đại học Y Hà Nội, anh tiếp tục học và làm luận án thạc sĩ, rồi tiến sĩ với cùng chuyên ngành ung thư.

Có dịp đi học tập và nghiên cứu ở Úc, Mỹ, Singapore... về ung thư, anh nhận ra tỷ lệ thành công cao trong điều trị ung thư ở các nước có nền y học tiên tiến một phần nhờ vào người bệnh, đó là họ đến cơ sở y tế để khám và phát hiện bệnh sớm. Còn tại Việt Nam, có tới 80% bệnh nhân ung thư tới khám khi bệnh ở giai đoạn muộn, tỷ lệ thành công rất thấp.

Nỗ lực chữa khỏi 70% bệnh nhân ung thư vú

Có rất nhiều loại bệnh ung thư nhưng TS Thuấn chọn ung thư vú (UTV) để nghiên cứu sâu vì đây là bệnh có số phụ nữ mắc nhiều nhất trong tất cả các bệnh ung thư, với tỷ lệ mỗi năm xuất hiện thêm 8.000 trường hợp.

Trong số 35 công trình nghiên cứu khoa học mà anh tham gia thì đề tài “Hiệu quả điều trị nội tiết bằng cắt buồng trứng và uống thuốc Tamoxifen” để điều trị UTV là một trong những công trình tốn nhiều công sức nhất.

Bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ năm 1994, đến năm 2004, TS Thuấn và cộng sự đã điều trị cho hơn 400 bệnh nhân. Kết quả, 70% bệnh nhân UTV được chữa khỏi.

Số bệnh nhân còn lại được các bác sĩ kết hợp những biện pháp như phẫu thuật, tia xạ, hóa chất, dùng thuốc nội tiết, miễn dịch giúp kéo dài thời gian sống, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Không ít bệnh nhân khi bị phát hiện mắc UTV đã bị bấn loạn tinh thần, hốt hoảng sợ hãi như đã ở gần cái chết và không chịu hợp tác điều trị. Hoặc có trường hợp không đủ tiền chữa bệnh, bác sĩ đã động viên, giải thích cho người bệnh và gia đình về khả năng có chữa khỏi bệnh UTV. Sau đó là những đợt quyên góp tiền ủng hộ giúp bệnh nhân để họ yên tâm chữa bệnh.

Có thể nói, Bệnh viện K là nơi chứng kiến nỗi đau lớn nhất của người bệnh và người thân của họ. Căn bệnh ung thư không chỉ làm thể xác đau đớn mà còn lấy đi quá nhiều tiền bạc của những ai không may mắc phải. Những nỗi đau đó dường như được vơi bớt phần nào bởi tấm lòng nhân ái của những người thầy thuốc.

“Tuyên chiến” với bệnh ung thư

Người “tuyên chiến” với bệnh ung thư ảnh 2
Các bác sỹ Bệnh viện K (Hà Nội) đang thực hiện một ca mổ. Ảnh: annninhthudo.vn

TS Thuấn còn là tác giả và chủ biên của nhiều đầu sách về bệnh ung thư như: Sàng lọc sớm bệnh ung thư; Phòng bệnh ung thư; Chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư; Chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân ung thư...

TS Thuấn tâm sự: “Tôi có được ngày hôm nay là nhờ sự dìu dắt, chỉ bảo của PGS.TS Nguyễn Bá Đức - chuyên gia đầu ngành về ung thư tại Việt Nam, nên những gì ông truyền đạt cho thế hệ trẻ chúng tôi thực sự đáng quý.

Ngoài ra, sự cộng tác nhiệt tình, hiệu quả của đồng nghiệp đã giúp tôi có được những thành công ban đầu này. Tôi luôn tâm niệm là thầy thuốc phải thấu hiểu nỗi đau của người bệnh mới giúp họ bớt đau”.

Với mong muốn làm những điều tốt nhất cho bệnh nhân, TS Thuấn đã tham gia vào nhóm các nhà khoa học nghiên cứu thuốc Aslem tăng cường miễn dịch và có tác dụng ức chế tế bào ung thư.

Thuốc được nghiên cứu trong 38 năm với người khởi xướng là cố GS Tôn Thất Tùng, những người kế tục là GS Đặng Anh Túc, PGS .TS Đàm Kim Chi - nguyên Phó chủ nhiệm bộ môn Hoá sinh (ĐH Dược Hà Nội).

Nhiều bệnh nhân sau mổ, ung thư ở giai đoạn cuối được tiêm bổ trợ Aslem có thể sống thêm 2 - 3 năm trong tình trạng sức khoẻ tốt. Thuốc còn có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch đối với các bệnh gan mạn tính, phổi, HIV...

Nói về người học trò, đồng thời là đồng nghiệp của mình, PGS.TS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Bá Đức – Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Thuấn là người ham học hỏi, cầu tiến. Mặc dù mới có 14 năm công tác tại bệnh viện nhưng Ban giám đốc hoàn toàn tin tưởng khi giao trọng trách nặng nề là chức vụ Phó giám đốc cho Thuấn, bởi cậu ấy vừa có tâm vừa có tài.

Thuấn cũng là người trẻ nhất đạt đến chức vụ này trong hệ thống các bệnh viện tuyến trung ương. Trong nghề y, 37 tuổi chưa phải đã dày dạn kinh nghiệm bởi nghề y khác với các nghề khác, nó đòi hỏi tích lũy kinh nghiệm trong điều trị nhưng TS. Thuấn đã tiến bộ rất nhanh và xứng đáng với vị trí hiện tại và niềm tin của đồng nghiệp”.

MỚI - NÓNG