Những cạm bẫy vô hình

Những cạm bẫy vô hình
Nguy cơ tuổi teen sa vào tệ nạn xã hội, sử dụng chất kích thích, là rất lớn nếu họ sống trong môi trường không lành mạnh hoặc chịu áp lực hay sống trong tâm trạng căng thẳng.

Hoàng Long - một nam sinh ưu tú của lớp Cơ Tin ĐH BKđã phải từ giã giảng đường để chịu án phạt và cải tạo trong trại giam.

Là sinh viên giỏi nhưng chật vật lo lắng trước hoàn cảnh túng thiếu, tiền nhà tiền trọ nợ liên miên kéo theo công việc làm thêm vất vưởng không ổn định khiến Long bị strees nặng.

Cậu như lên cơn nghiện tiền và đâm liều vào đường dây bán lẻ ma túy của đám ma cô quanh khu trọ, mong trang trải được những năm cuối Đại học.

Những thanh thiếu niên thường xuyên có dấu hiệu buồn chán có nguy cơ hút thuốc, uống rượu sử dụng chất gây nghiện và sa vào các tệ nạn xã hội cao hơn nhiều so với những bạn bè cùng trang lứa sống trong môi trường lành mạnh, thoải mái.

Minh Hương cũng là tân sinh viên Cao đẳng nghệ thuật, môi trường thành phố sôi động đã hút hồn cô bé tỉnh lẻ, biến cô thành nữ sinh đỏm dáng. Cặp kè, sống buông thả để nếm mùi đời Hương tự trói mình vào những mối quan hệ mập mờ.

Áp lực từ số tiền phải chi trả cho dịch vụ làm đẹp, sắm sửa xe máy, di động… cộng thêm những buổi tiệc kéo dài liên miên trong tiếng nhạc nhức óc làm cô choáng váng, và hậu quả là cơn đau nửa đầu đã liên tục hành hạ Hương với chiều hướng ngày càng nặng thêm.

Hương đã tìm đến rượu và lạm dụng các chất kích thích để tạm quên đi những cơn đau nửa đầu mà cô gặp phải hàng đêm.

Có rất nhiều người trẻ năng động, phóng khoáng nhưng cũng nhanh chóng bị đánh gục bởi những cơn strees nặng nề, thay vì cố tìm hướng tích cực giải thoát khỏi chúng thì họ lại bi kịch hóa cuộc đời và số phận mình, chấp nhận sống chung và hòa tan nó bằng những liều thuốc cấm, rượu, quan hệ tình dục…

Một lối thoát ảo đang dần hình thành và giăng bẫy với cuộc sống nhộn nhạo và vội vã của giới trẻ.

Bà Trần Hồng Minh - chuyên viên tư vấn tâm lý - cho biết: “Khoảng 52% lứa tuổi từ 16 đến 25 có khả năng liên quan tới việc lạm dụng chất kích thích như rượu, thuốc lá, thuốc lắc, ma túy…bởi họ gặp phải strees cao độ, sự chán nản thường xuyên do cuộc sống của tuổi mới lớn gặp nhiều rắc rối.

Sự háo thắng bồng bột cũng dẫn họ đến những giai đoạn phải chi tiêu quá nhiều tiền trong khi khả năng kinh tế có hạn…Tất cả những điều đó đẩy họ tìm đến hướng đi sai lầm để thỏa mãn nhu cầu bản thân”.

Gia đình và cộng đồng đóng vai trò quan trọng

Ông Nguyễn Đức Dũng - chuyên gia tư vấn tâm lý tuổi vị thành niên - khẳng định: “Strees nặng, thường xuyên buồn chán và chi tiêu quá mức tạo thành sự kết hợp thật khủng khiếp đối với nhiều thanh thiếu niên, song nó có thể được ngăn chặn bởi sự ràng buộc của cha mẹ.

Các bậc phụ huynh cần phải nhạy cảm với những căng thẳng trong đời sống của con cái họ, hiểu tại sao con mình lại chán nản và hạn chế việc tiêu tiền của con”.

Khi gia đình của Minh Hương biết tin cô bị đình chỉ một năm học đã hết sức bàng hoàng, mẹ cô cứ khóc lóc và xin nhà trường cho biết: Làm thế nào những điều đó lại xảy đến với con tôi, nó vốn là đứa ngoan ngoãn dễ mến, là cô bé đáng yêu của cả xóm trước khi nhập học cơ mà?.

Còn bạn bè cùng lớp với Long hết sức ngỡ ngàng trước tin chàng “cận” lành như bột bị bắt giam do dính vào ma túy.

Những câu hỏi tương tự thế này thường được đặt ra khi mà giới trẻ lạm dụng thuốc hay sa vào tệ nạn mà không biểu hiện bất cứ dấu hiệu nào đáng nghi ngờ.

Hậu quả của việc phải chịu áp lực nghiêm trọng, tình trạng sức khỏe sa sút thường được các bạn trẻ giấu diếm và cố tạo một bộ mặt khác tươi tắn hơn.

Chính những góc khuất khó hiểu đó lại cần được gia đình và bạn bè chia sẻ giúp đỡ để giúp họ vượt qua được những lối thoát ảo hay cám dỗ của tiền bạc khiến họ sa vào các tệ nạn trong đơn độc.

Theo VTC

MỚI - NÓNG