Sử dụng tùy tiện, lãng phí lớn
Là một người trong cuộc, ông thấy thực tế sử dụng xe công hiện nay như thế nào?
Vấn đề tiết kiệm trong sử dụng xe công được nói đến không biết bao nhiêu lần, không chỉ ở Quốc hội mà cả Chính phủ nhưng không giải quyết được mà ngày càng nặng nề thêm. Đối tượng được phép sử dụng xe công ngày càng được mở rộng. Việc sử dụng xe khá tùy tiện. Người sử dụng xe mà có ý thức sẽ có rất nhiều cách tiết kiệm nhưng rất tiếc thực tế không như vậy. Trong việc sử dụng xe, ngoài việc đi làm, thực tế có thể còn có việc riêng. Nếu bảo đi hết việc công, về nhà lấy xe máy đi việc riêng thì ít người làm như thế cả.
Thực tế, nhiều người có xe công thì đi lại, về quê quán, thăm bạn bè là toàn bằng xe công cả. Những người đi xe công rồi thì phần nhiều không có xe tư nữa. Bây giờ lệ phí trên đường cao, thế thì hơi đâu mà phải mua xe tư cho nó tốn. Mua xe, trả lương cho người lái xe đã tốn nhưng theo tôi, lãng phí khi sử dụng còn lớn hơn nhiều. Lượng xăng lãng phí theo tôi là khủng khiếp nhưng ai quản lý được?
Ông nghĩ sao khi có nơi phản ánh người ta dùng xe công đưa, đón con cái đi học, đi thi và có những trường hợp như báo chí nêu, cho mượn xe công mấy năm?
Đó là những việc có tính chất rất nghiêm trọng rồi. Những trường hợp lạm dụng thường xuyên cũng rất nghiêm trọng. Bây giờ phong trào đánh golf phát triển, người ta “vác” xe công đi vài ngày là bình thường, tuần nào cũng thế, thứ Bảy, Chủ nhật là đi. Thế rồi đi thăm viếng người nhà, về quê, đi chỗ này chỗ khác, mà đi chơi vài trăm ki - lô - mét là bình thường… Chi phí mua xe, có người phục vụ là một phần, chi phí tiền xăng cho xe đó mới lớn. Tôi không biết Bộ Tài chính có con số nào cho thấy bình quân một xe công một năm sử dụng hết mấy trăm lít xăng. Nhưng tôi tin, đó là con số cực lớn.
Có không ít trường hợp được phản ánh là lái xe công hút xăng ra bán lẻ bên ngoài?
Đó là vì liên quan đến chế độ khoán xăng theo cây số cho lái xe. Khi khoán như vậy, anh không thể nào khoán một cách chuẩn xác. Ví dụ như xe tính khoảng 15 lít, có thể chạy trong thành phố, tắc đường thì số lượng xăng đó vừa đủ. Nhưng chạy đường dài, đường tốt thì xe đó có khi chỉ ăn 7-8 lít. Đó là chưa kể tình trạng mà tôi biết, lái xe tua cây số. Nhiều cơ quan quản lý theo cây số, người ta cân đối số xăng sử dụng cho hợp lý. Thường thì một cơ quan có xe công sẽ ký hợp đồng mua ở cây xăng nào đó. Nên khoán bao nhiêu lít đổ bấy nhiêu, anh em không sử dụng hết thì rút ra bán. Tình trạng diễn ra liên tục như vậy thì nó cũng gây thất thoát, lãng phí vô cùng. Những người đi xe không hề biết, quản lý được.
Cần nhiều chính sách đồng bộ
Đã có nhiều đề xuất, cách thức quản lý xe công như khoán tiền xăng, khoán ki - lô - mét, hay trả tiền hằng tháng để tự thuê xe. Theo ông, vì sao tất cả các cách này đều thất bại?
Đúng là rất nhiều cơ quan có nhiều sáng kiến khác nhau. Có cơ quan khoán xe nhưng khoán không đáng kể gì cả. Hồi trước tôi vào làm ở Quốc hội, mới khoán có 4 triệu đồng, lúc đó tôi có xe riêng, thì vừa đủ tiền xăng xe… nhưng đi nhiều là không đủ vì còn đủ thứ chi phí khác. Nếu chi phí đầy đủ vào cái xe công, có thể phải lên đến hàng chục triệu đồng/xe. Nên vừa rồi có nâng lên mức khoán 10 triệu đồng thì cũng có vài người trả xe nhưng đó là những người có khó khăn, họ đi xe máy để dành ra một khoản cho gia đình. Nhưng thực tế cũng có rất nhiều khó khăn khác. Ví dụ như tôi có phải lúc nào cũng đến cơ quan làm việc đâu, nhiều khi phải đi họp mà vào các cơ quan, xe biển xanh kiểu gì bảo vệ cũng mở cửa cho vào và kiểu gì cũng có chỗ đỗ, lái xe muốn đỗ đâu thì đỗ. Đi xe riêng lại phải xuất trình giấy tờ mà thường người ta không cho xe tư vào cơ quan với lý do bãi xe chật. Vào một số cơ quan trung ương khi đi xe tư không bao giờ được cho vào, thế mình đi xe tư thì phải bỏ ở đâu?
Những khó khăn ấy không có một lời giải nào cả. Thôi thì đi xe công chẳng bao giờ phải lo, hỏng hóc cơ quan lo, xăng không phải nghĩ. Khoán thì có thể anh dôi ra được một chút nhưng không ăn thua gì với số Nhà nước thực chất phải bỏ ra.
Cũng có đề xuất lập ra các công ty dịch vụ xe công chuyên phục vụ cán bộ nhà nước có tiêu chuẩn đi xe công, thưa ông?
Đề xuất đó có nhưng tôi tin không bao giờ thực hiện được khi công ty đó sẽ quản lý thế nào. Xe của tôi, tôi hẹn lúc nào cũng được để phục vụ. Xe của công ty phải có kế hoạch mà công việc luôn đột xuất, gọi phải đi. Ví dụ tôi đi công tác, khi đưa tôi đi công tác ở tỉnh, xe họ về rồi, có việc đột xuất phải đi lại gọi xuống đón thì tốn kém gấp đôi. Tôi cũng chưa hình dung, các đối tượng đưa đón khắp nơi, anh phân bổ thế nào. Tôi ở Hà Đông mà xe ông ở Long Biên vào tắc đường thì hỏng hết.
Nên học kinh nghiệm nước ngoài
Nhưng cũng phải có giải pháp nào chứ, thưa ông, bởi nếu không, riêng khoản này đã khiến ngốn một khoản chi NSNN hàng năm rất lớn, chưa kể những thất thoát, lãng phí như ông nói?
Chúng ta phải học kinh nghiệm của nước ngoài bởi hầu hết họ sử dụng xe cá nhân, và khi đó mình phải có qui định để tạo thuận lợi. Tôi nghĩ không khó gì. Ví như tôi có xe riêng, không đi xe chung thì phải có phù hiệu gì đó để tôi có thể vào bất cứ chỗ nào vì đây là yêu cầu công tác và tôi có tiêu chuẩn đó thì phải tạo thuận lợi cho tôi, và cơ quan đó phải có chỗ cho xe tôi đỗ, trừ trường hợp có người thuê lái xe riêng. Cái đó rất quan trọng khi anh đi đến các cơ quan mà anh không có qui định cụ thể thì không được. Như hiện nay xe biển xanh kiểu gì cũng vào được trong khi xe tư nhân bị chặn từ xa. Cái đó phi lý và nó không giúp tư nhân hóa xe cộ. Thứ hai, nếu khoán phải khoán thích đáng.
Lương người có tiêu chuẩn đi xe được 10 triệu mà khoán đi xe 20 triệu đồng thì nghe cũng rất vô lý. Nhưng thực ra nó tiết kiệm cho ngân sách hơn rất nhiều vì nếu để người ta đi xe công, ngân sách có thể phải chi ra tới 40-50 triệu đồng/tháng. Một bài toán cực kỳ nan giải là nâng cao ý thức người sử dụng xe.
Làm sao phải giám sát được việc sử dụng xe công đúng qui định, chứ không chỉ dừng ở hô hào, kêu gọi, không bao giờ đạt được hiệu quả.
Ở các nước, họ không nặng nề, phân biệt chuyện xe công, xe tư như mình. Anh vào cơ quan nào có nội quy xe cơ quan đó. Và quan trọng là bất cứ cơ quan nào cũng có nơi đỗ xe thoải mái, anh dễ dàng tìm được chỗ đỗ xe, tạo thói quen rất bình thường. Bên kia cả lãnh đạo cấp cao họ lái xe tư bình thường. Mình còn là giải quyết khâu oai: thấy xe đỗ cửa, lái xe mở, bước ra, chắc chắn là VIP. Còn nếu tự lái, phóng xe lọc tọc đến…chắc ông này kém. Đó còn là sự nhìn nhận của xã hội. Để giải quyết cơ bản vấn đề lãng phí trong sử dụng xe công, tôi nghĩ rằng, cần nhiều chính sách đồng bộ nữa. Không chỉ về chế độ, chính sách mà cả những vấn đề về hạ tầng, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, chế độ tiền lương, thu nhập…
Cảm ơn ông.
Mặc dù yêu cầu siết chặt quản lý xe công đã được đưa ra nhiều năm nay, nhưng số lượng xe công vẫn gia tăng mạnh. Theo công bố mới đây của Bộ Tài chính, cả nước hiện có gần 40.000 xe công và chi phí từ ngân sách nhà nước hằng năm cho việc sử dụng xe công lên tới khoảng 13.000 tỷ đồng.