Biến động
Nước Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược. Tuổi thơ cậu bé Giáp được nghe mẹ kể mỗi lần quân Pháp kéo tới, bà ngoại đặt các con lên hai đầu quang gánh chạy giặc. Đêm nằm mẹ hay đọc bài vè “Thất thủ kinh đô”. Bài vè Võ Nguyên Giáp nghe từ thuở ấu thơ, sẽ mãi mãi không phai mờ trong tâm trí.
Cậu Giáp rất thông minh. Sau khi đỗ sơ học yếu lược, Giáp chỉ học một năm lớp nhì, bỏ lớp nhì thứ hai, lên thắng lớp nhất. Năm 13 tuổi, Võ Nguyên Giáp được vào học Trường Quốc học Huế.
Ở Trường Quốc học, tháng nào học trò Giáp cũng đứng đầu lớp. Nhưng vào lúc này, việc học không phải là điều anh quan tâm nhất. Bởi phong trào cách mạng ở Huế thời đó rất sôi động, nhất là từ khi thực dân Pháp đưa cụ Phan Bội Châu về giam lỏng bên dòng Hương Giang. Nhiều học sinh, trong đó có Võ Nguyên Giáp, tham gia đấu tranh đòi thả cụ Phan và được để tang cụ Phan Chu Trinh.
Tháng 4/1927, một cuộc bãi khóa diễn ra tại Trường Quốc học Huế. Giáp có người bạn thân là Nguyễn Chí Diểu lớn hơn anh 3 tuổi. Diểu hay chia sẻ với anh sự bất bình trước cách giáo dục kiểu thực dân, nhằm đào tạo những tên tay sai trung thành với “mẫu quốc”. Diểu bị tên giám thị để ý, coi là kẻ cầm đầu những cuộc đấu tranh ở trường. Nhân một buổi thi toán, viên giám thị vu cho Diểu chép bài của bạn và đuổi khỏi lớp.
Võ Nguyên Giáp và các bạn làm đơn yêu cầu nhà trường không được đuổi học Diểu. Đơn bị trả lại. Võ Nguyên Giáp bàn với Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), tổ chức bãi khóa. Cuộc bãi khóa của Trường Quốc học Huế, nhanh chóng trở thành tổng bãi khóa của học sinh toàn thành Huế. Nhiều nam nữ học sinh bị bắt bớ, giam cầm. Sau một tuần, nhà cầm quyền Pháp phải nhượng bộ, thả những học sinh bị bắt, nhưng buộc nhà trường phải đuổi học những học sinh bị chúng coi là những kẻ cầm đầu, trong đó có Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Khoa Văn- Hải Triều.
Cậu học trò Giáp quay về quê, trong tâm trạng bế tắc. Bỗng một hôm Nguyễn Chí Diểu tìm về làng An Xá gặp Võ Nguyên Giáp và mang theo một tập tài liệu về “Liên đoàn các dân tộc bị áp bức trên thế giới” và một số văn bản cuộc họp của “Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội” ở Quảng Châu, Trung Quốc, trong đó có bài nói chuyện của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Chí Diểu nói sau khi bị đuổi học, ông đã tham gia “Tân Việt Cách mạng Đảng” và cho Giáp xem chương trình, điều lệ của Đảng. Một con đường mới mở ra trước mắt Giáp.
Giữa năm 1928, Võ Nguyên Giáp trở lại Huế, làm thư ký cho Nhà Xuất bản Quan Hải Tùng Thư, là cơ sở của Đảng Tân Việt. Với sự giới thiệu của Nguyễn Chí Diểu, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Tân Việt. Tại đây anh có điều kiện tiếp xúc với những học thuyết kinh tế, xã hội, dân tộc và cách mạng. Anh bị cuốn hút bởi những bài của Nguyễn Ái Quốc, đặc biệt cuốn “Bản án chủ nghĩa thực dân Pháp” (Le Process de la colonization Francaise). Và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria). Năm 1929, Võ Nguyên Giáp đã là một thành viên của nhóm hạt nhân trong Đảng Tân Việt, tích cực vận động cho tổ chức này nhanh chóng gia nhập Đảng Cộng sản. Anh viết bài cho báo “Tiếng dân”, tuyên truyền chủ nghĩa Marx. Nhà cầm quyền Pháp theo dõi từng hoạt động của anh.
Sau cuộc khởi nghĩa Xô Viết Nghệ Tĩnh thất bại, thực dân Pháp tăng cường khủng bố. Tháng 10/1930, Võ Nguyên Giáp, bị nhà cầm quyền Pháp bắt và kết án 2 năm tù giam. Cuối năm 1931, do Hội Cứu tế Đỏ Pháp đấu tranh đòi thả tù chính trị. Thầy Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác được trả tự do, riêng Võ Nguyên Giáp bị giải về quản thúc tại quê An Xá.
Võ Nguyên Giáp chỉ ở nhà một thời gian ngắn, rồi tìm cách ra Hà Nội. Tại đây, được thầy Đặng Thai Mai giúp đỡ, anh vào dạy môn Sử ở Trường Thăng Long.
Năm 1936, ở Pháp Mặt trận Bình dân lên nắm chính quyền, buộc thực dân Pháp ở Đông Dương phải thực hiện một số cải cách dân chủ. Giáp tham gia nhiều cuộc đấu tranh công khai của Đảng. Anh viết bài cho nhiều tờ báo công khai của Đảng bằng tiếng Việt, tiếng Pháp và trở thành Chủ tịch Ủy ban Báo giới Bắc Kỳ.
Cuối năm 1939, Chính phủ Bình dân Pháp bị lật đổ, nhà cầm quyền Đông Dương ra sức đàn áp phong trào cách mạng. Chính lúc này Hoàng Văn Thụ, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương khuyên Võ Nguyên Giáp nên sang Trung Quốc, nơi anh có cơ hội gặp Nguyễn Ái Quốc. Mùa hè năm 1940, cùng với Phạm Văn Đồng, anh lên đường, để lại người bạn đời, chị Nguyễn Thị Quang Thái và đứa con gái mới sinh chưa đầy năm tuổi. Chị Quang Thái hẹn khi con cứng cáp, sẽ thoát ly gia đình đi hoạt động. Hai người chưa biết lần chia tay này cũng chính là lần vĩnh biệt!
Trọng trách
Như một sự tiên định, vừa đến Côn Minh, Trung Quốc, Võ Nguyên Giáp may mắn được gặp ngay Nguyễn Ái Quốc. Chỉ một thời gian ngắn, Bác thấy anh chính là người cần cho chặng đường cách mạng sắp tới và cử anh đi học quân sự tại Diên An. Trên đường tới Diên An, anh được Bác gọi quay lại. Bởi Bác nhận định tình hình Đông Dương sẽ chuyển biến nhanh, cần gấp rút trở về nước, chuẩn bị đón thời cơ. Năm 1941, Bác cùng đoàn tùy tùng trở về Tổ quốc, sống và làm việc tại hang Pắc Bó, Cao Bằng.
Tại đây, Võ Nguyên Giáp được Bác giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc thiểu số và mở con đường Nam tiến, bắt liên lạc với phong trào cách mạng miền xuôi. Có lẽ đây là sự kiểm nghiệm cuối cùng của Bác đối với anh. Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành nhiệm vụ cực kỳ xuất sắc. Cơ sở cách mạng ở Cao Bằng đã nhanh chóng mở rộng.
Tháng 12/1944, Bác trao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, mà như lời tiên đoán của Người: “Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó sẽ đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”. Bác đã thấy trước, từ đội quân nhỏ bé này, một đội quân cách mạng sẽ ra đời để làm nhiệm vụ lịch sử chiến đấu giải phóng dân tộc. Và chỉ hai ngày sau khi thành lập, đội quân nhỏ bé chỉ 34 đội viên, với vũ khí thô sơ, chưa hề qua một ngày huấn luyện quân sự, dưới sự chỉ huy của Võ Nguyên Giáp đã liên tiếp tiêu diệt hai đồn binh Pháp là Phai Khắt và Nà Ngần…
Chúng ta sẽ không ngạc nhiên trước ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946), trong một cuộc họp Trung ương Đảng, vấn đề đặt ra: “Ai sẽ là Tổng chỉ huy quân đội”? Rõ ràng, Bác đã có dự kiến, nên Bác nói ngay: “Chú Văn (Võ Nguyên Giáp) có thể làm được”. Mặc dầu lúc đó trong đội ngũ cán bộ Đảng, có người đã từng được đào tạo ít nhiều về quân sự. Chỉ với tầm nhìn của Bác, mới phát hiện ở người cán bộ Đảng 35 tuổi, chưa hề qua một trường lớp quân sự, có khả năng biến những tư tưởng của Người thành hiện thực.
Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phong quân hàm Đại tướng cho Tổng chỉ huy Lực lượng Vũ trang Việt Nam Võ Nguyên Giáp khi ông vừa bước vào tuổi 37.
Dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đội quân ấy đã lần lượt đánh bại 7 Tổng chỉ huy lừng danh quân đội viễn chinh Pháp.
Nhớ lời Bác dặn trước lúc lên đường đi Chiến dịch Điện Biên Phủ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Để đảm bảo “chắc thắng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra mặt trận lần cuối trước giờ nổ súng tấn công. Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ chỉ huy mặt trận đi đến quyết định thay đổi chiến thuật từ “đánh nhanh, thắng nhanh”, sang “đánh chắc, thắng chắc”. Như trong hồi ký của mình, Đại tướng viết: “Đây là quyết định khó khăn nhất trong đời tôi”. Chính nhờ quyết định sáng suốt đó mà suốt “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” báo hiệu chiều tàn của chủ nghĩa thực dân trong thế kỷ XX.
Nhà sử học người Anh Peter MacDonald đánh giá: “Võ Nguyên Giáp có 30 năm làm Tổng Tư lệnh quân đội và gần 50 năm tham gia vào những suy tính chính trị ở cấp cao nhất:
Đó là hai sự kiện chưa từng có trong lịch sử. Vả lại, khó so sánh ông với các tướng lĩnh khác, sự kết hợp giữa chiến tranh du kích và chiến tranh chính quy ở một trình độ như vậy trước đây chưa từng có” (“Giáp Lesdeux guerres d’Indochine”- Peter MacDonald Perrin, Paris, 1992).
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với đường lối sáng suốt của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tướng Giáp, quân dân ta đã đập tan cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ở miền Bắc, giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào, 1971, và “Điện Biên Phủ trên không Hà Nội, 1972”, chuẩn bị cho Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn, thu giang sơn về một mối, tránh thương vong nhiều cho bộ đội. Đại tướng đã thân chinh cùng Tư lệnh trưởng Đoàn 559, Đồng Sỹ Nguyên, năm 1973, trực tiếp đi thăm và kiểm tra tình hình bộ đội Trường Sơn và cùng Tư lệnh Quân khu V, Tướng Chu Huy Mân đi thăm vùng giải phóng, đã góp phần quan trọng giành thắng lợi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975.
Tài năng của Tướng Giáp biểu hiện ở chỗ biết phát huy truyền thống đánh giặc của cha ông ta trong thời đại mới: “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít cự nhiều, lấy binh lực nhỏ đánh thắng trận lớn, với phương châm đánh chắc, thắng chắc”. Ông là vị chủ soái biết phát hiện và phát huy đầy đủ sức mạnh của toàn thể lực lượng vũ trang từ cán bộ đến chiến sỹ, từ bộ đội địa phương đến chủ lực, từ dân quân du kích và các quân binh chủng trong cuộc chiến đấu hợp đồng toàn dân chống lại kẻ thù có sức mạnh vượt trội.
Đạo đức của người cầm quân ở ông là biết quý từng giọt máu của cán bộ, chiến sỹ, gắn bó với đồng đội, với nhân dân như tình anh em ruột thịt. Và sự trung thành của ông với dân tộc, với Tổ quốc, với Đảng là tuyệt đối.
Tài năng của Võ Nguyên Giáp vượt ra ngoài lĩnh vực quân sự, ở bất cứ nhiệm vụ nào: ngoại giao, nội chính, khoa học kỹ thuật, văn hóa tư tưởng...được trao hoặc có điều kiện tham gia, ông đều có những đóng góp đáng trân trọng. Vì ông không ngừng nghĩ đến cái chung, đến sự nghiệp dân tộc của Đảng. Ông để lại một dấu ấn lâu bền suốt chiều dài thế kỷ.
Cùng với thời gian, cuộc đời và sự nghiệp của ông càng được khẳng định. Đại tướng Võ Nguyên Giáp một con người toàn năng, tâm hồn luôn luôn cháy bỏng một tinh thần nhân văn cao cả, với một trí tuệ thông minh, nó giống một “ngọn núi lửa phủ tuyết”, mà một tướng cao cấp Pháp từng ví von về ông.