Viết về chiến tranh để khẳng định khát vọng hòa bình

TPO - Hội thảo khoa học quốc tế "Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ" nhắc lại truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong chiều dài thời gian lịch sử, từ đó đưa ra bài học lịch sử thời chiến đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay. 

Hội thảo khoa học quốc tế Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ kết nối các học giả, những nhà văn, chứng nhân lịch sử... thảo luận về chiến tranh cách mạng và chân dung người lính Cụ Hồ.

Hội thảo diễn ra ngày 4/10, nằm trong khuôn khổ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 80 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong báo cáo đề dẫn hội thảo, GS.TS Lê Huy Bắc khẳng định hội thảo bàn về các hiện tượng tiêu biểu của văn học đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng bộ đội Cụ Hồ, so sánh sự tương tác giữa các loại hình nghệ thuật như văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh… về đề tài này.

Các học giả, những nhà văn, chứng nhân lịch sử... thảo luận về chiến tranh cách mạng và chân dung người lính Cụ Hồ.

"Các báo cáo tiếp cận chủ đề chiến tranh cách mạng và bộ đội Cụ Hồ từ nhiều khía cạnh khoa học và lĩnh vực chuyên môn khác nhau, vừa toàn diện, vừa chuyên sâu, đem lại những nhận thức mới cả về lý luận lẫn thực tiễn", GS.TS Lê Huy Bắc nói.

Dù Việt Nam đã yên tiếng súng và đang tiến nhanh trên con đường hội nhập quốc tế, vấn đề chiến tranh cách mạng và hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn cần được nhìn lại, được viết tiếp để nhận diện căn tính dân tộc cũng như khẳng định khát vọng hòa bình.

Đại tá, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội nhấn mạnh dân tộc ta đã đương đầu với những cuộc chiến tranh sống còn. Chúng ta chiến thắng, tồn tại vì có sự can trường.

Chặng đường chúng ta đã đi qua đầy oanh liệt, dữ dội và hy sinh. Viết về đề tài này là lương tri, trách nhiệm của những người sáng tạo văn học nghệ thuật.

Tiến sĩ La Nguyệt Anh (Đại học Sư phạm Hà Nội 2) phân tích điểm nhìn của người trong cuộc thông qua hai tác phẩm Nhật ký Đặng Thùy TrâmMãi mãi tuổi hai mươi. Hai cuốn nhật ký chứa đựng những tư liệu quý giá, phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ từ góc nhìn của người trong cuộc.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm (ảnh tư liệu).

"Nhật ký Đặng Thùy TrâmMãi mãi tuổi hai mươi là những tác phẩm tiêu biểu cho nhật ký chiến trường. Sự trở về của những cuốn nhật ký ấy với gia đình, người thân và độc giả cũng kỳ lạ và huyền bí như chính câu chuyện của người viết. Trong những chặng đường hành quân, những lúc nghỉ ngơi, Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc đã ghi lại những nếm trải, những sự thực và cả những suy tư. Những cuốn nhật ký không chỉ là nỗi niềm riêng, tâm sự riêng của các anh chị mà lưu giữ sự thật về một thời khói lửa", TS. La Nguyệt Anh nhận định.

Cuộc chiến khốc liệt hiện lên qua những chuyện kể đi cấp cứu ban đêm, đường đi qua nhiều đoạn nguy hiểm, những con đường quốc lộ xe địch qua lại thường xuyên. Hay trong trang nhật ký ngày 14/4/1972, Nguyễn Văn Thạc viết: “Chiều nay, máy bay địch ra rất nhiều... Nó bay như đi dạo vậy…”.

Các đại biểu, chuyên gia tập trung nhắc lại truyền thống đấu tranh kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam trong chiều dài thời gian lịch sử, từ đó đưa ra bài học lịch sử và địa - di sản thời chiến đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hiện nay trên các lĩnh vực đối ngoại, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, du lịch…