Hậu phóng sự Cắm chữ nơi thâm sơn cùng cốc:

Vĩ thanh miền biên viễn

TP - Gần 200 km từ Vinh lên miền rẻo cao Quế Phong, thêm vài chục cây số đường rừng từ thị trấn Kim Sơn vào Châu Thôn và một cuốc xe máy trèo đèo ngược dốc băng qua những phiến đá lởm chởm, những đường mòn lầy lội, đoàn người âm thầm gùi những tấm pin mặt trời, cõng sách vở vào thăm ngôi trường độc nhất vô nhị, nơi có 41 giáo viên toàn là...đàn ông.
Gần 1.000 TNTN hành quân lên Tri Lễ làm đường giúp các thầy giáo cắm bản, sau phóng sự đăng trên Tiền Phong. Ảnh: Quang Long

San bằng dốc đỏ

Dốc Đỏ, đoạn dốc chưa đầy 500m, nỗi kinh hoàng của các thầy giáo “cắm bản” mỗi lúc trời đổ mưa. Buộc xích vào bánh xe để tăng ma sát? binh pháp xe lai không cần, bùn vón cục nhão nhoét xích sắt cũng trở nên vô dụng. Bánh lăn vài vòng, các thầy dừng lại lấy sức, thay nhau gỡ đống bùn đỏ quạch bám vào lốp, vành xe. Muốn qua dốc Đỏ, cách duy nhất là bốc xe lên vai, khiêng đi. Từng tốp 4-5 người hì hục đánh vật với đoạn đường sình lầy, khiêng từng chiếc xe một. Bùn đất ngập đầu gối, các thầy ngã dúi dụi, khi vượt qua con dốc cũng là lúc quần áo đổi màu, lấm lem.

“Thật sự là chưa có cô giáo nào dám lên đây cắm bản hả thầy?”, tôi hỏi thầy Lang Văn Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 4. “Trước đây cũng có vài người lên, nhưng không chịu nổi, về rồi!”. Tri Lễ được ví là Sa Pa xứ Nghệ, mảnh đất duy nhất không có gió Lào, khí hậu quanh năm mát lạnh (nhiệt độ cao nhất khoảng 26 độ C), các điểm cao như bản Mường Lống, Huôi Mới, Huôi Tụ, Nậm Tột mùa mưa, mưa liên miên, sương mù bao phủ từ chập tối đến 10 giờ sáng mới nhìn rõ mặt người. Cuối tuần qua, Tri Lễ mưa như trút, mưa thêm tí nữa đường sá sẽ bị chia cắt không thể vào bản với các thầy, nếu vào sâu quá mắc kẹt trong đó không rút ra được.

Hôm Tiền Phong đăng 2 kỳ phóng sự về ngôi trường chỉ có 41 thầy giáo trên rẻo cao Quế Phong, gặp Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh ở nhà công vụ, tôi có kể với anh về cuộc sống của giáo viên cắm bản Mường Lống, Nậm Tột; kể về nỗi khổ con đường, về dốc Đỏ hiểm trở. Một lúc trầm ngâm, Bí thư Tỉnh ủy nói: “Mình sẽ có cách giúp các thầy, giúp bà con dân bản”. 

Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn xung phong: “Trước khai giảng, anh em thanh niên sẽ lên Tri Lễ sửa đường”. Kinh phí Đoàn có hạn, lấy đâu ra 100 triệu đồng mua cơm, nước uống hỗ trợ công nhân làm đường trên núi cao? Tôi và Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Đình Hùng đi vận động bạn bè, doanh nghiệp. Ngày 6/8/2016, gần 1.000 người rầm rộ vác cuốc, xẻng tiến về phía dốc Đỏ. Huyện Quế Phong huy động thêm hai chiếc máy ủi, máy xúc tham gia mở đường.

Kéo ánh sáng mặt trời xuống điểm cao Nậm Tột.

Đường từ Châu Thôn vào bản Mường Lống hoang vu, hiểm trở, rất ít người qua lại bỗng tấp nập lạ thường. Thanh niên đi thành từng nhóm, hỗ trợ nhau vượt dốc. Tiếng cười nói, tiếng xe máy huyên náo đánh thức bản làng miền núi lúc trời còn mờ sương. “Huyện đoàn Quế Phong bảo đi làm đường giúp các thầy Tri Lễ, chúng em xung phong đi ngay. Đông người kéo nhau lên đây, không chỉ sửa đường, mà còn động viên các thầy!”, Vi Thị Thủy, quê xã Châu Thôn bảo. 

Cán bộ huyện đoàn đi trước, cắm mốc, ghi rõ từng nhóm, cứ 100m một đơn vị. Quần quật hai ngày liền, 15km đường vào bản Mường Lống nơi Trường Tiểu học Tri Lễ 4 đứng chân đã được mở rộng, hạ độ cao. Dưới dốc Đỏ, hai chiếc máy cơ giới hốt gọn lớp bùn lầy lội, mặt đường phẳng hơn, dễ đi hơn. Bên sườn núi xẻ thành rãnh lớn để thoát nước...Từ đây, dốc Đỏ không còn là nỗi kinh hoàng của 41 thầy giáo cắm bản.

Vén mây mù Nậm Tột

Tôi đã rong ruổi nhiều bản làng miền Tây xứ Nghệ, vượt qua nhiều suối khe ở triền rừng rộng thênh thang, qua những ngôi nhà sàn nghèo đói và những con đường hun hút gió, chứng kiến cảnh học sinh cơm chan nước suối, học bài dưới ánh đèn dầu. Nhưng khi đến ngôi trường chỉ có 41 thầy giáo, nơi không bóng dáng nữ giáo viên, nhìn bữa cơm đạm bạc của các thầy; xem học sinh co ro đánh vần từng chữ trong mây mù, giá rét; nhìn chiếc đèn pin trên xà nhà rọi xuống soi chút ánh sáng yếu ớt cho các thầy soạn bài, tự nhiên chạnh lòng. Đành rằng, cái khổ của nghề cõng chữ lên rừng, nẻo mòn nào cũng thấm đẫm mồ hôi.

Rẻo cao Tri Lễ, nắng cũng hiếm hoi. “Bọn tôi ở đây chỉ mong có hai thứ: Mưa ít, và có tí ánh sáng để các thầy soạn giáo án vào ban đêm!”, thầy Lang Văn Nhàn bảo. Thầy không dám ước ao con đường từ Châu Thôn vào Mường Lống, bởi, làm đường không phải chuyện chơi. Đột ngột, gần nghìn người ào ào lên núi sửa đường giúp Tri Lễ, trong vài ngày đường mòn đã hóa thênh thang, thầy hiệu trưởng cứ lóng nga lóng ngóng, mừng mừng tủi tủi. Chưa bao giờ bản rẻo cao lại đông vui, tấp nập như vậy. Có tiếng người, đại ngàn chốc lát bớt đi vẻ buồn bã, hoang liêu.

Chúng tôi cõng 5 bộ pin năng lượng mặt trời vượt dốc Đỏ, như cõng chút ánh sáng, cõng chút hơi ấm từ miền xuôi lên san sẻ cùng các thầy giáo miền biên viễn. Hôm ở điểm cao Nậm Tột về, tôi cứ ám ảnh túp lều lụp xụp đỉnh đồi hun hút gió, ám ảnh về 5 thầy giáo cắm bản ở nơi quanh năm sương mù vây kín. “Không sợ giá rét, không sợ đường trơn, sợ nhất là học sinh bỏ học”, thầy Xồng Thống Lỳ tâm sự.

Mùa rẫy trùng thời điểm khởi đầu năm học mới, nhiều học sinh phải ở nhà trông em cho cha mẹ lên rẫy trỉa bắp, trồng ngô, không được đi học. Điểm trường Nậm Tột xa tít trên đỉnh núi vốn đã buồn vì thiếu hơi người, không có học sinh đến lớp, thì lớp học càng vắng lạnh, buồn tênh. Cứ tối đến, các thầy cắm bản Nậm Tột lại chia nhau cầm đèn pin vượt núi đi vào bản, đến từng nhà người Mông vận động các em học sinh đi học. Không có điện, chỉ có đèn pin, đèn dầu. Cõng 5 bộ pin năng lượng mặt trời lên núi, tôi đòi thầy Lang Văn Nhàn đưa đến Nậm Tột.

Chiếc xe máy ọc ạch rồ ga, nhọc nhằn leo lên dốc, bám theo sau là thầy Quyền- Hiệu phó Trường Tiểu học Tri Lễ 4, người đã chở tôi trong chuyến đi trước. “Vô rồi phải rút ra ngay”, ngó mây đen ùn ùn trên đầu, thầy Quyền bảo. Mưa xuống, đường mòn trên núi không thể đi được, có khi phải nằm lại trong bản đợi đến khi tạnh ráo. Một đêm trên điểm cao Nậm Tột dài lê thê. Bản người Mông bên kia quả núi, cách một thung lũng. Đêm chẳng có gì vui ngoài tiếng tắc kè kêu hoang, tiếng côn trùng rỉ rả, và gió rừng. Tối như bưng. Năm thầy giáo hết đứng lại ngồi. Chỉ mong trời mau sáng.

Điểm trường Nậm Tột nơi sơn cùng thủy tận.

Nậm Tột kia rồi! Tôi thở phào, khi đám mây trên đỉnh núi tan ra, để lộ vệt nắng xiên chiếu xuống con đường mòn dẫn tới điểm trường Nậm Tột. Bần thần leo lên dốc, con đường đi giữa hai hàng rào là những tấm ván xỉn màu, vào khoảng sân nhỏ vắng lặng. 

Nghỉ hè. Các em học sinh không đến trường. Mấy chiếc bàn, bảng đen ủ dột. “Không biết trên này mưa nhiều vậy, pin mặt trời có tích đủ điện không?”, tôi hỏi người thanh niên lỉnh kỉnh dây chạc đang thoăn thoắt leo lên mái nhà, vít tấm pin màu trắng hướng về phía mặt trời. “Mỗi ngày, chỉ cần vài giờ trời quang mây tạnh, là có thể đủ điện thắp sáng cho các thầy cả đêm”, thợ đáp. 

Năm bộ pin, mỗi bộ hơn 6 triệu đồng do các “mạnh thường quân” quyên góp, đủ để cung cấp điện cho hơn 20 chiếc bóng đèn, ngoài ra các thầy có thể sạc điện thoại. Mà điện thoại ở đây, mua về chủ yếu để... ngắm.

Thầy cắm bản ở Nậm Tột, Huôi Mới, Huôi Xái, Mường Lống của Trường THCS Tri Lễ 4, có người đã 25, 26 năm trong nghề. Chừng ấy năm, phần nhiều thời gian sống trong giá rét, sương mù, thiếu thốn đủ thứ nhưng khi được hỏi, các thầy chỉ nói một câu quen thuộc “chịu quen rồi”. Thỉnh thoảng leo núi, vượt cung đường hiểm trở xuống xã, xuống huyện cũng chỉ để mua mấy lạng thịt, bó rau; chỉ để ngắm con đường nhựa, nhìn ô tô, cho đỡ trống trải trong lòng.

Mùa mưa, núi hoang vắng, giá lạnh và bùn đất. Măng rừng thay rau. Bữa cơm đạm bạc. Đêm triền miên, mong trời mau sáng để các thầy đón học sinh đến trường. Tiếng trẻ ê a học bài, tiếng cười nói rộn rã sân trường, ngọn lửa bùng lên xua tan nỗi lạnh mỗi sớm mai.

Sau phóng sự “Cắm chữ chốn thâm sơn cùng cốc” đăng trên Tiền Phong ngày 5/5/2016, các thầy giáo, học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ 4 (huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An) đã nhận được nhiều hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân: Tỉnh đoàn Nghệ An huy động gần 1.000 TNTN lên làm đường vào trường học; Cty CPTHP Sữa TH hỗ trợ 5.000 lít sữa, các nhà hảo tâm tặng 6 bộ pin năng lượng mặt trời, gần 800 chiếc áo ấm, chăn ấm, 2 bồn đựng nước sinh hoạt, 12 bộ bàn ghế học sinh, 1.000 cuốn vở... trị giá khoảng 200 triệu đồng.