Tiếp bài “Chuyện gì xảy ra tại Thánh Duyên quốc tự?”:

Vì sao chậm bàn giao hồ sơ quản lý di tích quốc gia

TP - Ngày 6/12, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Cách mạng (LSCM) tỉnh TT-Huế, cho biết: cơ quan này vừa liên hệ với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế để gấp rút bàn giao hồ sơ quản lý di tích cấp quốc gia chùa Thánh Duyên, sau khi Tiền Phong đăng bài “Chuyện gì xảy ra tại Thánh Duyên quốc tự?”.
Ngôi nhà tăng tại chùa Thánh Duyên bị tháo dỡ phần mái sau một năm không lợp lại. Ảnh: Ng.Văn

Theo tìm hiểu của PV, tháng 11/2006, UBND tỉnh TT-Huế từng ban hành quyết định phân công các đơn vị chức năng, địa phương quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Theo đó, di tích cấp quốc gia chùa Thánh Duyên do Bảo tàng LSCM tỉnh quản lý phải bàn giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế sau khi hoàn tất trùng tu. Đến nay, sau tròn 10 năm, Bảo tàng LSCM tỉnh vẫn chưa bàn giao hồ sơ di tích theo phân công của UBND tỉnh.

Được biết, liên quan vấn đề này, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế và Sở Văn hóa Thể thao từng có chỉ đạo Bảo tàng LSCM tỉnh bàn giao hồ sơ di tích Thánh Duyên cho Trung tâm BTDTCĐ Huế quản lý. Ông Cao Huy Hùng, Giám đốc Bảo tàng LSCM tỉnh, cho biết: đơn vị chậm bàn giao do một số nguyên nhân khách quan, chứ không cố tình “găm” hồ sơ di tích. Năm 2003, Bảo tàng LSCM tỉnh tiến hành giai đoạn 1 trùng tu di tích chùa Thánh Duyên ở khu vực chánh điện. Năm 2009, tiếp tục trùng tu Đại Từ các.

Đến năm 2012, Bảo tàng LSCM tỉnh mới hoàn tất trùng tu tại di tích Thánh Duyên, với hạng mục quan trọng cuối cùng là tháp Điều Ngự. “Do phụ thuộc nguồn vốn bố trí, nên việc trùng tu kéo dài qua nhiều năm. Sau khi trùng tu xong chùa Thánh Duyên, đến năm 2013, UBND tỉnh có quyết định chính thức về bàn giao di tích cho Trung tâm BTDTCĐ Huế”, ông Cao Huy Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, từ năm 2013 đến nay, sở dĩ Bảo tàng LSCM tỉnh chưa bàn giao hồ sơ di tích chùa Thánh Duyên là vì giữa Trung tâm BTDTCĐ Huế và cơ quan này muốn kết hợp thực hiện luôn thể về thủ tục giao nhận hồ sơ quản lý di tích của cả đàn Âm Hồn (thành phố Huế). “Di tích đàn Âm Hồn vướng đền bù giải phóng mặt bằng, phía Trung tâm BTDTCĐ Huế lại muốn tiếp nhận di tích này khi có mặt bằng “sạch”, nên chậm bàn giao, kéo theo việc chậm giao nhận hồ sơ của cả di tích chùa Thánh Duyên”, ông Hùng giải thích.

Trước nghi ngờ chùa Thánh Duyên được trùng tu bởi thợ “tay ngang”, dẫn đến trục trặc hồ sơ quyết toán công trình, khiến việc bàn giao toàn bộ hồ sơ di tích bị chậm, ông Cao Huy Hùng bác bỏ thông tin này. “Trùng tu chùa Thánh Duyên là một phân viện xây dựng rất có uy tín tại Huế, chứ không phải là nhóm thợ “tay ngang” nào như dư luận nghi ngờ”, ông Hùng cho biết. Tuy nhiên, quan sát của PV, mặc dù di tích chùa Thánh Duyên được trùng tu lần gần nhất chỉ hơn 10 năm trước, nhưng đã xuất hiện các điểm thấm dột từ mái ngói, nước chảy thành dòng tại khu vực chánh điện qua những trận mưa lớn gần đây. 

Liên quan đến khu nhà tăng cạnh ngôi chánh điện chùa Thánh Duyên bị tháo dỡ từ một năm trước và bỏ mặc giữa gió mưa cho tới nay, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết: Trung tâm hiện khẩn trương xúc tiến các thủ tục và hỗ trợ kỹ thuật tối đa, nhằm tạo điều kiện để nhà chùa tiến hành sửa chữa, lợp lại mái công trình này trong thời gian sớm nhất. “Đối với các bức tượng Phật đặt ở khu nhà tăng bị tháo mái, mưa dột, chúng tôi có trao đổi với phía nhà chùa, và thầy trụ trì đã đồng ý cho chuyển số tượng này vào khu vực chánh điện”, ông Hải nói.