Không chỉ ở nước ta người ta mới quan tâm đến kỳ thi Olympic. Nói cho cùng, sự quan tâm của xã hội đối với các kỳ thi Olympic Toán quốc tế là hoàn toàn có cơ sở. Rất nhiều nhà toán học, vật lý nổi tiếng của thế giới đã trưởng thành từ “phong trào Olympic”.
Nếu nhìn lại nền toán học Việt Nam hiện nay thì điều đó càng rõ ràng hơn: có thể nói tuyệt đại đa số các nhà toán học giỏi của nước ta đều đã từng được giải ở các kỳ thi Olympic quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, nhìn kỹ lại thì thấy những người trong số đó mà về sau trở thành những tài năng thực sự trong khoa học thì thường là do được đào tạo lâu dài ở nước ngoài (đại học và sau đại học).Nguyên nhân là ở đâu?
Thành tích của học sinh phổ thông nước ta tại các kỳ thi Olympic quốc tế cho thấy rất rõ rằng, chúng ta có thể đào tạo được những học sinh phổ thông đạt trình độ đỉnh cao quốc tế ở hầu hết các môn học. Nhưng nếu có cuộc thi “sinh viên giỏi quốc tế”, tôi chắc thành tích của sinh viên ta sẽ không thể cao như vậy, và sẽ còn thấp hơn nếu có cuộc thi “cao học quốc tế”, “nghiên cứu sinh quốc tế”, và đặc biệt kết quả sẽ rất thấp nếu thi “giáo sư quốc tế”!
Dĩ nhiên không có các kỳ thi giả tưởng đó, vì không cần thi, người ta đã biết ai thắng, ai thua: chỉ cần nhìn vào sự phát triển của nền khoa học công nghệ mỗi nước là biết ngay. Vậy thì tại sao chúng ta càng ngày càng đuối sức trong cuộc chạy maratông đến mục tiêu cuối cùng là phát triển khoa học, kinh tế và xã hội? Nói cho cùng, tất cả đều do sự đầu tư công sức, tiền bạc của xã hội cho từng giai đoạn.
Thành tích cao của học sinh phổ thông của chúng ta phần nhiều do hệ thống trường chuyên mang lại. Các trường chuyên được sự quan tâm lớn của Nhà nước, và đặc biệt là các gia đình học sinh. Như vậy, sự đầu tư của xã hội cho một bộ phận học sinh giỏi của chúng ta ở bậc phổ thông có lẽ cũng không thua kém các nước khác.
Tuy nhiên, sang đến bậc đại học và cao hơn nữa thì rất khác. Chúng ta chưa đầu tư đúng mức đến việc xây dựng những trường đại học có thể ngang tầm quốc tế. Nói cho cùng, cần xem lại chính sách đầu tư trong giáo dục, và cần mạnh dạn có những đột phá trong đầu tư vào đào tạo đại học và sau đại học, như chúng ta từng đột phá trong việc xây dựng các lớp chuyên phổ thông để có kết quả như ngày hôm nay.
Nếu không, chúng ta chỉ thắng được mỗi chặng đầu rồi đuối dần trong cuộc đua maratông chinh phục tri thức của nhân loại.