40 năm Việt Nam tham gia Olympic Toán quốc tế:

Quả ngọt từ cuộc chơi kỳ thú

TP - Dù ý định ban đầu, việc tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế chỉ là một cuộc thử nghiệm kỳ thú dành cho học sinh giỏi toán phổ thông, nhưng trong dư luận nhiều ý kiến cho rằng quả ngọt mà chúng ta hái được từ cuộc chơi này nhiều hơn mức mong muốn… 
Quả ngọt từ cuộc chơi kỳ thú ảnh 1

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil trao huy chương Fields - giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới - cho GS Ngô Bảo Châu ngày 19/8/2010. Ảnh: TTXVN

VN bắt đầu tham gia kì thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) từ năm 1974, vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn quyết định và tràn trề hy vọng về một tương lai gần thống nhất đất nước nhờ Hiệp định Paris.

Theo GS Lê Tuấn Hoa, Viện trưởng Viện Toán học VN, thì kỳ vọng của lãnh đạo nhà nước và Bộ GD (sau này là Bộ GD&ĐT) là đi thi chỉ để học hỏi.

“Tất nhiên, nếu đạt được một giải thì dù chỉ là huy chương đồng thì cũng đã rất mỹ mãn!”, GS Lê Tuấn Hoa nói. Nhưng kết quả vượt ngoài sự mong đợi: bốn trên năm người dự thi đoạt giải chính thức, trong đó một huy chương vàng (HCV), một huy chương bạc (HCB), hai huy chương đồng (HCĐ).

“Nếu để ý thì chúng ta sẽ thấy những người làm toán tích cực thế hệ tôi trở về sau hầu hết là những thành viên trong đội tuyển IMO trước đây. Trước tôi một vài năm có anh Phạm Hữu Tiệp, Lê Tự Quốc Thắng, Nguyễn Tiến Dũng, Phùng Hồ Hải… Sau tôi một vài năm có Hà Dương, Hà Huy Tài, Nguyễn Chu Gia Vượng… Trẻ hơn nữa có Ngô Đắc Tuấn, Đào Hải Long, Bùi Mạnh Hùng… Gần đây hơn có Lê Hùng Việt Bảo, vừa bảo vệ tiến sĩ ở ĐH Harvard và từ năm nay làm sau tiến sĩ ở ĐH Chicago”. 

GS Ngô Bảo Châu

Từ đó trở về sau, chiến thắng tại IMO của đoàn VN được mặc định khi mà gần như năm nào chúng ta cũng đều có huy chương. Đặc biệt, chỉ mấy năm sau, người dân cả nước ngất ngây bởi thành tích mà Lê Bá Khánh Trình mang về từ IMO 1979 được tổ chức tại thủ đô London nước Anh.

Không chỉ đoạt huy chương vàng với số điểm tuyệt đối (40/40), Lê Bá Khánh Trình còn được giải đặc biệt bởi thí sinh có lời giải đẹp.

Dù cho đến nay chưa có thêm thí sinh nào lặp lại điều kỳ diệu mà Lê Bá Khánh Trình có được nhưng một số thành tích sáng láng tiếp tục được ghi lên bảng vàng IMO VN: chín thí sinh đạt điểm tuyệt đối, sáu thí sinh từng hai lần đoạt huy chương vàng liên tiếp.

Năm 2003, chỉ có ba thí sinh đạt điểm tuyệt đối thì của VN có hai (Lê Hùng Việt Bảo và Nguyễn Trọng Cảnh).

Sau 38 lần dự thi với 228 lượt thí sinh, VN đã có 52 lượt HCV, 94 lượt HCB, 67 HCĐ, 3 bằng danh dự và một giải đặc biệt về lời giải đẹp. Hai lần VN đạt thứ hạng cao nhất là IMO 1999 và 2007 (đều xếp thứ 3). Khoảng hai mươi năm gần đây (trừ năm 2011), VN đều nằm trong top 15 nước có thành tích cao nhất.

Quả ngọt từ cuộc chơi kỳ thú ảnh 2 Ngô Bảo Châu (người đứng, HCV Olympic toán quốc tế năm 1989) cùng các bạn trong đội tuyển IMO

Thành quả từ cuộc chơi đỉnh cao bền bỉ

Nhìn nhận về giá trị của việc VN tham gia IMO, các chuyên gia cũng như những cựu thành viên đội tuyển IMO đều cho rằng không nên đánh giá cực đoan, phiến diện.

Việc đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng rồi cho rằng thành tích thi IMO phản ánh trình độ khoa học, trình độ phát triển toán học của quốc gia là điều không nên nhưng cũng không thể phủ nhận những giá trị từ việc bền bỉ theo đuổi kỳ thi đỉnh cao này.

GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước nói: “Đóng góp của các cựu thành viên đội tuyển IMO VN không chỉ hiện diện trong lĩnh vực nghiên cứu toán học mà còn trong nhiều bộ môn khoa học và lĩnh vực khác của đời sống”. 

Quả ngọt từ cuộc chơi kỳ thú ảnh 3 Đội dự tuyển IMO năm 1974 cùng các thầy giáo
GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thì cho rằng, chúng ta đã gặt hái được quá nhiều, nhiều hơn mức mong muốn từ việc tham gia sớm, tích cực và kiên trì vào kỳ thi toán quốc tế. Điển hình là trường hợp Ngô Bảo Châu - người từng hai lần đoạt HCV IMO, trong đó có một lần đạt điểm tuyệt đối.

“Thành công của GS Ngô Bảo Châu trong lĩnh vực toán học là điều ngoài sức tưởng tượng đối với một nước mà trình độ phát triển còn thấp như ở VN. Ngoài ra chúng ta còn có nhiều nhà khoa học xuất sắc khác trưởng thành từ IMO, như GS Đàm Thanh Sơn, dù anh Sơn không tiếp tục làm toán mà là nghiên cứu vật lý lý thuyết.

Tất nhiên họ thành công chủ yếu là nhờ quá trình được đào tạo, phát triển ở các nước phát triển, nhưng việc tham gia IMO tạo tiền đề rất thuận lợi để cộng đồng người Việt có một đội ngũ nhà khoa học trẻ xuất sắc. Việc chúng ta đạt thành tích cao trong các kỳ thi IMO còn tăng thêm độ hấp dẫn và tăng khả năng động viên đối với các cháu học sinh giỏi trong trường phổ thông”, GS Đào Trọng Thi nói.

MỚI - NÓNG