Người mua thiệt đơn, thiệt kép
Ngày 15/1, Phòng cảnh sát kinh tế Công an TP.Hà Nội cho biết đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Bùi Thị Loan (trú phường Trần Phú, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) và Cơ Kiên Sơn (trú Hoàng Hoa Thám, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) về hành vi vận chuyển trái phép 33,5 kg vàng trang sức qua biên giới.
“Kết quả giám định cho thấy toàn bộ số trang sức bắt được là vàng 18k. Tuy nhiên đây không phải đồ trang sức sản xuất từ Italy như trên nhãn mác ghi mà là do Trung Quốc làm”, một lãnh đạo Phòng cảnh sát kinh tế nói và cho biết việc mang nhãn từ Italy có thể là theo thị hiếu người tiêu dùng.
Sau vụ bắt giữ số vàng nhập lậu trên, nhiều bạn đọc phản ánh sự lo ngại khi trên thị trường Hà Nội và nhiều tỉnh thành hiện nay có bày bán vàng trang sức mang nhãn hiệu Italy.
Một độc giả tên N.B.Đ cho biết, trước đó tại tiệm vàng T.V trên đường Trần Nhân Tông (Hà Nội), chị vào mua một sợi dây chuyền vàng cho chồng đeo nanh hổ thì được nhân viên cửa hàng này tư vấn mua vàng tây nhãn hiệu Italy. Bởi theo nhân viên này, màu sắc vàng Italy bóng hơn, sáng hơn; trong khi vàng ta màu chìm, xỉn hơn. Đồng ý mua sợi dây chuyền vàng 18k với giá 15 triệu đồng, tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, khi quay lại cũng với sợi dây chuyền đó, chị Đ. bán lại bị cửa hàng cắt mất 30% giá trị, chỉ còn khoảng 9 triệu đồng.
“Tôi thấy vàng gì mà nhẹ quá, khi đi qua cửa hàng khác kiểm tra và bán lại thì họ bảo chất lượng chỉ được 12k chứ không phải 18k. Và nhiều khả năng không phải hàng Italy mà là hàng Trung Quốc nhập lậu”, chị N.B.Đ cho biết.
Theo một nhân viên của Bảo Tín Minh Châu, rất nhiều khách hàng mang vàng trang sức Italy qua để kiểm tra nhưng hầu hết đều không đủ tuổi và đều không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Bạc, Trần Nhân Tông vừa bán ra xong, mua lại đã cắt mất từ 20 - 30% giá trị. Nếu mua ở một tiệm, bán ở tiệm khác chắc chắn còn bị “ép” giá xuống thấp hơn rất nhiều.
Nguy cơ thành "bãi rác vàng trang sức"
Ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho biết, nguồn vàng nhập lậu vào thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu đi từ Trung Quốc và Campuchia, trong đó có cả vàng trang sức sản xuất từ Italy.
Tình trạng buôn lậu vàng hiện nay diễn ra là do giá vàng trong nước và ngoài nước có sự chênh lệch.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam, hiện vàng Trung Quốc đã chiếm khoảng gần 10% thị trường phía Nam và gần 20% thị trường phía Bắc. Bằng mắt thường thì không thể phân biệt được đâu là vàng Trung Quốc, đâu là vàng trong nước. Nguyên thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm cho biết, hiện nay trên thị trường Trung Quốc sản xuất 2 dòng sản phẩm nữ trang, dòng cao cấp xuất sang châu Âu và dòng thấp cấp xuất sang các nước châu Á. Về lâu dài nếu cứ nhập nữ trang Trung Quốc thì không khéo Việt Nam thành “bãi rác vàng trang sức” khi chất lượng không được kiểm soát vì đa số là nhập lậu.
Lãnh đạo phụ trách mảng kinh doanh một công ty vàng cho biết, khi qua Việt Nam, hàng nhập từ Trung Quốc tập trung chủ yếu ở thị trường Hà Nội, tại các tiệm vàng tư nhân. Do đó, khi mua khách hàng phải thận trọng. Nên chọn các cửa hàng có uy tín thương hiệu, vàng được kiểm tra có chứng nhận, xuất xứ. Mua bán cũng phải nhận hoá đơn rõ ràng. “Nếu là hàng Trung Quốc nhái, hàng kém chất lượng thì bao giờ cách thức ghi nhãn cũng không đúng quy định, không rõ ràng, không công bố tiêu chuẩn áp dụng”, nhân viên này cho biết.
Theo Anh Vũ - Thái Sơn