Vẫn quen “la làng”!

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam biết cái giá phải trả cho sự toàn vẹn lãnh thổ, cho hòa bình, cho độc lập dân tộc. Chính vì thế, mọi thế hệ người Việt Nam ai cũng biết truyền thuyết “tiếng đàn, niêu cơm” của Thạch Sanh. Còn họ, vẫn quen “la làng”!
Tàu Trung Quốc ngang ngược xâm phạm vùng biển Việt Nam và hung hăng uy hiếp tàu chấp pháp của VIệt Nam. (Ảnh: Báo Thanh niên)

Theo Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS) thì hành động hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc ngay trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam được xem là hành động xâm chiếm bờ cõi quốc gia của một nước có chủ quyền. Đây là hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế. 

Bỏ qua những điều mà cả thế giới và dân tộc Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ phản đối thì “ông láng giềng tốt” tiếp tục có những hành động bạo lực, hung hãn, đâm húc và tấn công tàu thuyền thực thi công vụ của Việt Nam.

“Ông láng giềng tốt” vẫn tiếp tục sử dụng các vòi rồng từ tàu hải cảnh nhằm vào những chỗ hiểm của tàu Việt Nam như ống khói, ăng-ten, rađa, các tấm cửa kính, thiết bị truyền tin... để phun với mục đích phá hỏng máy móc, thiết bị thông tin liên lạc, làm tê liệt và mất tác dụng tàu của Việt Nam trên biển. Đây là những hành động đầy bạo lực, hung tàn. Dã man hơn, “ông láng giềng tốt” còn nhằm cả vào phao cứu sinh để phá nát những phương tiện cứu nạn này của Việt Nam.

Đáng chú ý, lúc 16 giờ ngày 26/5, tàu cá của Trung Quốc số 11209 đã đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Đà Nẵng ở Nam Tây Nam giàn khoan Hải Dương 981 và cách giàn khoan này 17 hải lý, là ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tại thời điểm xảy ra sự việc, có 40 tàu cá Trung Quốc ngang ngược bao vây nhóm tàu cá của Việt Nam.

Mặt khác, họ cố tình “cài bẫy” và gây hấn Việt Nam bằng tàu quân sự. Nếu Việt Nam “mắc bẫy” khi áp dụng biện pháp đáp trả bằng quân sự thì thậm chí họ sẽ “kêu gào” lên rằng “Việt Nam xâm lược Trung Quốc” và đẩy cuộc xung đột lan rộng, mượn cớ đó xâm chiếm các vùng khác trên Biển Đông.

Âm mưu đen tối và hành động ngang ngược của họ là vậy, nhưng Việt Nam xuất phát từ truyền thống hòa hiếu với các nước láng giềng lại lựa chọn cách ứng xử "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo" mà Nguyễn Trãi từng đúc kết.

Các lực lượng chấp pháp của Việt Nam đấu tranh ôn hòa bằng việc phát loa tuyên truyền, đề nghị Trung Quốc dừng ngay hoạt động trái phép, rút giàn khoan cùng với các loại tàu hộ vệ, máy bay ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Theo Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam hoàn toàn có quyền sử dụng vũ lực để tự vệ nhằm chống lại hành động ngang ngược và hung tàn của Trung Quốc. Tuy nhiên, do chủ trương của nhà nước Việt Nam trong nhiều năm qua là giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp đàm phán ngoại giao hòa bình nên đã tự kiềm chế và chưa sử dụng tới quyền tự vệ chính đáng của mình.

Xuất hiện tại nhiều diễn đàn quốc tế vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố rất rõ ràng chúng ta luôn tranh thủ tối đa việc giải quyết bất đồng và tranh chấp một cách hòa bình. Ngay cả khi bảo vệ chủ quyền, chúng ta cũng làm bằng các biện pháp hòa bình, làm sao giữ vững và duy trì hòa bình.

Việc Việt Nam đưa chủ trương "Đem đại nghĩa để thắng hung tàn. Lấy chí nhân để thay cường bạo" đã nhận được sự ủng hộ và cảm thông sâu sắc rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Chủ tịch Nghị viện bang Zacatecas (Mexico) - nghị sỹ Alfredo Femat Bañuelo đã bày tỏ ủng hộ và đánh giá cao lập trường hòa bình, cách thức xử lý vấn đề đang diễn ra trên Biển Đông một cách kiên định và đúng mức của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm vừa đảm bảo lợi ích chính đáng vừa góp phần duy trì hòa bình, ổn định khu vực.

Ông Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu thuộc Học viện quốc phòng Australia nhận định: “Việt Nam không nên có các hành động được cho là khiêu khích, ví dụ như sử dụng lực lượng quân sự vì Trung Quốc sẽ chuyển hướng và lu loa khắp thế giới là Việt Nam hung hăng còn Trung Quốc chỉ là nạn nhân vô tội. Những gì Việt Nam đã làm được vừa qua là rất quan trọng và Việt Nam nên tiếp tục phản đối ngoại giao ở cấp cao hơn với Trung Quốc”.

Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston cho rằng, thái độ hiện tại của Việt Nam đối với Trung Quốc rất hợp lý, mình chọn con đường hòa bình trước, nếu không giải quyết được sẽ có biện pháp kế tiếp, chẳng hạn đưa ra tòa án quốc tế giống như Philippines đã làm.

"Tôi tin chắc với lịch sử làm chủ các hòn đảo đó của Việt Nam trong quá khứ, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng"- vị chuyên gia này khẳng định.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là Việt Nam sẽ mãi mãi đi theo “con đường” ngoại giao hòa bình nếu “con đường” này không đạt kết quả. Nói như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta đã tính cả đến phương án "không hòa bình”, bởi chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ là vô cùng thiêng liêng.

Khẳng định điều này, phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra tại Myanmar và Philippines mới đây là một thông điệp rõ ràng, minh bạch, công khai trước toàn thế giới rằng Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng không để bất cứ quốc gia nào uy hiếp, xâm phạm từng tấc đất, tấc biển của mình.

Trong lịch sử dân tộc, Việt Nam chưa bao giờ khiêu khích, gây hấn với bất cứ một quốc gia nào. Trước sự xâm phạm, gây hấn, khiêu khích đe dọa từ phía Trung Quốc, Việt Nam vẫn chủ trương đối thoại, chân thành mong muốn Trung Quốc nhận ra sai lầm của mình để giữ được hòa bình, sự hòa hiếu giữa hai nước.

Nhưng nếu Trung Quốc tiếp tục leo thang bằng vũ lực thì người Việt Nam sẽ đồng lòng đứng lên bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Sự thật đã phơi bày, Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, nhưng lại lớn tiếng “la làng”, tự cho mình là “nạn nhân”. Cách thức quen thuộc của “láng giềng tốt”, đến bây giờ thiên hạ đã hiểu!.

Theo Thu Hà
Theo Báo Đảng Cộng sản Việt Nam