Uống có trách nhiệm

TP - Việc đội CSGT số 7 tại Hà Nội mới đây phạt 17 triệu đồng một tài xế lái xe chỉ vì người này uống... hai cốc bia dường như ngay lập tức đã có tác động mạnh khi cộng đồng mạng có ý thức trong việc “uống có trách nhiệm” đua nhau cảnh báo, thậm chí phải bày tỏ sự e ngại với việc nặng tay xử phạt này. Tuy nhiên, với các đệ tử Lưu Linh chính gốc, việc phạt nặng, đánh thẳng vào túi tiền dường như vẫn chưa đủ sức răn đe. 1.001 chiêu trò đối phó CSGT được đưa ra để lý giải, bao biện cho việc say sưa của mình.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu Nước giải khát Việt Nam, năm 2015, sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam đạt 3,4 tỷ lít, trong khi mặt hàng rượu cũng ghi dấu ấn với 70 triệu lít. Cũng chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, sản lượng bia các loại được các ma men, “cao thủ võ lâm” bia rượu Việt tiêu thụ trên cả nước cũng lên tới 1,32 tỷ lít, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2015. Với sản lượng này, Việt Nam đương nhiên trở thành quốc gia nắm giữ danh hiệu “quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á” và chỉ chịu đứng thứ 3 trong khu vực châu Á, sau Nhật Bản, Trung Quốc và nằm trong top 25 của thế giới. Với mức tiêu thụ bia khủng như trên, nếu tính bình quân, mỗi người Việt, từ người già gần đất xa trời đến đứa trẻ vừa được sinh ra tiêu thụ tới 37,7 lít bia/người/năm. So với con số bình quân 15 lít sữa/người/năm tại Việt Nam, xem ra rượu bia vẫn là mặt hàng nặng ký hơn cả trong ngành đồ uống.

Ở khía cạnh nào đó, việc người Việt bia rượu càng nhiều, những nhà sản xuất loại đồ uống có cồn khiến người sử dụng có cảm giác tây tây, phê phê càng lấy làm mừng. Doanh thu của các hãng sản xuất bia rượu tăng mạnh, ngân sách cũng “vui” vì tiền thuế nộp vào càng tăng.

Đây là chuyện dường như “bình thường” với người Việt nhưng lại bất thường với bất cứ quốc gia phát triển nào. Với một đất nước còn nghèo, năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân chỉ nhỉnh hơn 2.000 USD/người/năm, việc các “tiên tửu”, “thánh bia” ngày ngày ném tiền túi, và cả “tiền chùa” để uống bia, rượu đến say mèm với mục đích đối ngoại, sau đó lại lăn quay ra ngủ khì thì chừng nào kinh tế đất nước mới khá lên được. Tại nhiều diễn đàn về an toàn giao thông; uống rượu bia có trách nhiệm, lãnh đạo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Y tế đã phải thốt lên: Không biết đến khi nào những đệ tử Lưu Linh mới ngộ ra rằng những lời chuốc nhau kiểu “rượu bất khả ép, ép bất khả từ” là mầm mống của tai nạn giao thông và tệ nạn của xã hội.

Thực tế cho thấy, nhiều “anh hùng rượu bia” sau hồi uống sướng miệng phải trả giá bằng cả mạng sống vì không kiểm soát được hành vi. Rượu bia quá đà dẫn đến xích mích, bất hòa, làm tổn thương tình cảm với người thân, bạn bè trước, trong và sau bữa rượu, bia không phải là chuyện hiếm gặp. Đến bao giờ người dân Việt mới kiểm soát được hành vi, biết uống thế nào là đủ, là vui... sẽ là bài toán mở với các nhà xây dựng chính sách. Siết tăng thuế rượu bia, ngân sách sẽ tụt giảm nhưng sẽ giúp đảm bảo được tính mạng cho người dân, cho cộng đồng. Trong khi rượu bia chưa chịu thuế mạnh như ở các nước, việc phạt nặng uống rượu bia khi tham gia giao thông được coi là biện pháp hữu hiệu và cần thiết để những người vô tội không bị chết oan, không bị tước đoạt mạng sống chỉ vì những người uống rượu bia không kiểm soát được hành vi.