>> Cho vay hỗ trợ cải cách ngành điện
>> Bộ Tài chính đang tính toán về giá điện, xăng dầu
>> Tăng giá điện từ 1-3: Mức bao nhiêu là hợp lý ?
Không để ảnh hưởng người nghèo
Với mức tăng này, giá điện bình quân của năm 2010 (1.077 đồng/kWh) sẽ tăng thêm 165 đồng, lên mức bình quân 1.242 đồng/kWh. Mức tăng này thấp hơn mức đề xuất được đưa ra trong 3 phương án giá điện của Bộ Công Thương trước đó, lần lượt ở mức tăng 18% (tương đương 1.271 đồng/KWh); tăng 26,3% (tương đương 1.360 đồng/KWh); tăng 30,3% (tương đương 1.403 đồng/KWh).
“Với mức tăng này, biểu giá điện cụ thể cho sản xuất, sinh hoạt và kinh doanh như thế nào thì sẽ phải tính toán để làm sao không để ảnh hưởng đến người nghèo, vừa đảm bảo mức tăng bình quân thêm 165 đồng/kWh. Dự kiến trong tuần này việc tính toán sẽ hoàn tất và Thủ tướng sẽ quyết định phê duyệt chính thức”- Ông Vượng nói.
Theo đánh giá của ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, mức tăng giá điện 15,28% là tương đối thấp so với mức đề xuất của Hiệp hội trước đây. Để ngành điện có được lợi nhuận và thu hút đầu tư thì giá điện phải tăng ở mức 1.500 đồng/kWh. Mức tăng hơn 100 đồng không giúp giải quyết được vấn đề thiếu vốn, kêu gọi đầu tư nước ngoài vào ngành điện để giảm thiếu điện hiện nay.
Doanh nghiệp lo
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Cty Kỹ nghệ Súc sản Vissan cho biết, doanh nghiệp đã phải chịu rất nhiều áp lực từ tỉ giá tăng và sắp tới sẽ là giá điện, xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng.
Với mặt hàng thực phẩm tươi sống đầu vào là thịt heo thì 70% chi phí nuôi heo thuộc về thức ăn gia súc. Việc chi phí đầu vào và giá tăng là thực tế khách quan phải chấp nhận. Cty đang xem xét lại toàn bộ chi phí sản xuất, giá thành để kiến nghị một mặt bằng giá mới để thật sự chia sẻ với người tiêu dùng, không để người tiêu dùng bị sốc và quay lưng lại với sản phẩm.
“Chi phí tiền điện một tháng của toàn bộ hệ thống nhà máy sản xuất, kinh doanh của chúng tôi vào khoảng 1,5 tỷ đồng. Với mức tăng giá điện như vậy có nghĩa mỗi tháng chúng tôi sẽ phải chi thêm khoảng gần 200 triệu đồng tiền điện.
Để chia sẻ với người tiêu dùng, sau 31-3 chúng tôi mới tính tới việc tăng giá bán nhưng cũng không tăng giá hết toàn bộ các mặt hàng. Đây cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng. Nếu anh vội vã tăng giá theo điều kiện lỗ lãi thì có khi anh mất hết”- Ông Mười nói.
Theo ông Lê Tiến Mạnh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Đức Hiếu, chuyên về in ấn và ghép màng phức hợp, mỗi tháng xưởng sản xuất của công ty sử dụng hết khoảng 100 triệu đồng tiền điện.
Điều đáng lo ngại là giá điện tăng không chỉ kéo theo chi phí tiền điện trực tiếp mà cả giá các mặt hàng đầu vào cũng như các vật liệu sản xuất khác. Trong bối cảnh lãi suất cao, chi phí đầu vào tăng, nếu việc làm ăn không thuận lợi, doanh nghiệp phải cố gắng tiết giảm tối đa chi phí thì mới có thể bù được phần tăng thêm do tác động của giá điện.
“Nếu áp dụng phương pháp cho công nhân làm việc vào ca 3 để được hưởng giá điện rẻ thì chúng tôi lại mất thêm tiền trả cho người lao động vì làm vào ban đêm. Thực sự rất khó”- ông Mạnh nói.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư - TS Võ Trí Thành cho rằng, áp lực của việc tăng giá hàng loạt các mặt hàng trước mắt sẽ gia tăng sức ép lên người có thu nhập thấp. Hiện nhiều mặt hàng thiết yếu đã tăng giá trong thời gian gần đây như gas, sữa trong khi hàng hóa tiêu dùng vẫn đang ở mức cao sau Tết.
Với đợt điều chỉnh giá điện và giá xăng trong thời gian tới và việc điều chỉnh lương dự kiến vào đầu tháng 5, nếu không làm khéo, áp lực lạm phát là rất lớn.
Theo một tính toán, nếu giá điện tăng ở mức 18%, sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng khoảng 0,5 - 0,7%. Ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến giá sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp hơn 0,5%, công nghiệp và chế biến thực phẩm hơn 0,6%, xây dựng hơn 0,6%, vận tải hơn 0,6%, bưu điện và thông tin liên lạc 0,7%. Với phương án tăng giá hơn 15,2%, hiện cơ quan chức năng chưa có tính toán cụ thể.