Trò chơi mà không phải chuyện chơi

TP - Gần đây, nhiều nhà nghiên cứu giáo dục nhấn mạnh về lý thuyết trò chơi. Vậy lý thuyết nghe có vẻ “chơi chơi” này là gì?
Bức ảnh trò chơi Rồng rắn lên mây của Tấn Duy

Định nghĩa mang tính hàn lâm nói đại ý, nó “nghiên cứu các quyết định được đưa ra trong một môi trường trong đó các đối thủ tương tác với nhau”. Nói cách khác, lý thuyết trò chơi nghiên cứu cách lựa chọn hành vi tối ưu trong một môi trường cạnh tranh và biến động. Chi phí và lợi ích của mỗi lựa chọn của một cá nhân sẽ không cố định mà phụ thuộc vào lựa chọn của các cá nhân khác.

Ngày nay lý thuyết trò chơi được sử dụng trong nhiều ngành khoa học, từ?sinh học tới toán học. Tới nay, lý thuyết trò chơi đã bắt đầu được dùng trong chính trị học, đạo đức học và triết học. Gần nhất, các nhà khoa học đã ứng dụng nó trong trí tuệ nhân tạo và điều khiển học.

Bộ ảnh “Nơi không có sự âu lo” của Trần Tấn Duy, 23 tuổi, thu hút cộng đồng mạng. Cái tên đã cuốn hút, bởi ai mà chẳng thích “nơi không có sự âu lo”. Nhưng đó là nơi nào? Đó chính là tuổi thơ với những hình ảnh trò chơi dân gian trước đây. Như một tựa sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã trở thành thành ngữ “Cho tôi xin một vé?đi tuổi thơ”, sau này Hoàng Ka dựa trên cảm hứng đó sáng tác bài hát “Cho tôi một vé về tuổi thơ”. Đó đều là những kỷ niệm với những trò chơi gắn liền với chúng bạn giữa làng mạc, đất đai, thiên nhiên,…

Vậy tuổi thơ hôm nay thì sao?

Rõ ràng ở đây có sự thay đổi “nhanh và nguy hiểm”. Trẻ con hôm nay đa phần bị vây bởi những bức tường, những căn hộ giữa thành phố hoặc vùng đang ồ ạt đô thị hóa. Trên tay các em thường là thiết bị điện tử với những trò chơi đầy cuốn hút nhưng thiếu vắng những người bạn - con người thực và xa cách thiên nhiên. Làm gì có các trò đá gà, vật tay, câu cá, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây, năm mười, bắn bi…tuy dân dã nhưng rèn luyện cho các em các kỹ năng sống rất quan trọng.

Trở lại với bộ ảnh của Tấn Duy, nó nhanh chóng được nhiều bạn chia sẻ trên mạng xã hội với những trạng thái thú vị, hoài niệm về tuổi thơ. Tấn Duy chia sẻ: “Tôi muốn các bạn trẻ ở nhiều vùng quê đang mải mê với game rằng cuộc sống còn có nhiều thứ thú vị hơn, ý nghĩa hơn, đó là các trò chơi dân gian”.

Lễ khai giảng năm học 2015 – 2016 vừa diễn ra để lại một ấn tượng tốt với tinh thần tiết kiệm, gọn nhẹ, tạo sự thoải mái, vui vẻ cho học sinh. Có nhà nghiên cứu lạc quan cho rằng, đây là một nỗ lực đưa các em về đúng độ tuổi của mình. Bởi trong những sự kiện mà đáng lẽ các em là trung tâm thì lâu nay dường như người lớn lại “chiếm” chỗ của các em với những màn tiếp đón long trọng, những phát biểu vĩ mô chỉ dành cho các thầy cô. Đó là chưa kể tới những “màn trình diễn” hoành tráng ở một số nơi, thực chất chỉ là để nhà trường phô diễn “làm màu” với cấp trên, nhưng các em phải tập luyện mướt mồ hôi nhiều ngày, rất cực mà thực chất không giúp gì cho sự phát triển nhân cách và kiến thức.

Triết lý giáo dục hiện đại cho rằng, học trong trạng thái tâm lý vui vẻ, phấn khích, học trong quá trình tranh luận, khám phá sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Phương pháp được áp dụng chính là tạo hình thức trò chơi. Từ triết lý này, tiết học dù là lý thuyết hay thực hành hay làm thí nghiệm đều được thiết kế trên lý thuyết trò chơi.

Hóa ra, sự chơi, trò chơi quan trọng hơn người Việt ta thường tưởng rất nhiều.