TPHCM: Bức xúc về kẹt xe, ngập nước…

TP - Sáng 3/2, tại buổi gặp gỡ thường trực thành ủy TPHCM, Bí thư Đảng ủy nhiều phường - xã, thị trấn bày tỏ bức xúc về nạn kẹt xe, ngập nước, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Nhà dân ở phường Linh Đông (quận Thủ Đức) biến thành hang sau khi làm đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Huy Thịnh

Ngập ở đâu nâng đường ở đó

Ông Nguyễn Văn Sử, Bí thư phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) cho biết, quận có trên 20 điểm ngập nước nhưng ông chưa bao giờ thấy lãnh đạo Trung tâm chống ngập về làm việc với địa phương để giải quyết tình trạng này.

“Trung tâm chống ngập, tên gọi thì nghe rất hoành tráng nhưng tôi thấy trung tâm thực chất chỉ làm chủ đầu tư. Việc này ai làm chẳng được? Trung tâm có thật sự nghiên cứu chống ngập hay không mà thành phố cứ ngập hoài? Người dân nói chỉ thấy ngập ở đâu là cho nâng đường lên ở đó. Thành phố chi tiền thì làm hết tiền chứ không thấy đầu tư nghiên cứu chống ngập”, ông Sử nói.

Ông Sử thừa nhận rất bức xúc về nạn ngập nước và biết rõ trung tâm chống ngập ở đâu nhưng ông chưa tìm đến.

Tại buổi gặp gỡ, ông Nguyễn Văn Sử cũng đề cập về tình hình phạm pháp hình sự. Ông Sử cho rằng cần thay đổi kiểu “giao chỉ tiêu” số lượng vụ phạm pháp như hiện nay. Ví dụ, năm 2016 quận giao cho phường Bình Hưng Hoà B chỉ tiêu là 34 vụ phạm pháp hình sự.

“Nếu vượt quá con số này Đảng ủy, công an phường sẽ bị phê bình. Việc này dễ sinh ra việc giấu án, thậm chí án xảy ra nhưng không xử lý”, ông Sử cho biết.

Chia sẻ về vấn đề chống ngập, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho rằng việc Trung tâm chống ngập chưa xuống phường làm việc là lỗi của Trung tâm nhưng ngược lại, phường có quyền lên Trung tâm chống ngập khiếu nại.

“Phường thấy ngập thì phải kêu lên quận, kêu lên Trung tâm chống ngập để hỏi vì sao không chống ngập chứ. Như thế mới là vì dân. Bí thư phường cũng phải lên đấu tranh với Trung tâm chống ngập”, ông Thăng nhấn mạnh.

Ngại mua nhà vì lo kẹt xe

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư phường 8 quận 8 cho biết trên địa bàn phường có 185 hộ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch. Quá trình lãnh đạo phường tiếp xúc, vận động người dân thấy nổi lên một số vấn đề “nóng”. Đó là nhiều căn nhà trong diện giải tỏa có diện tích nhà rất nhỏ, có căn chỉ 2,7 m2 nhưng có đến 6 nhân khẩu. Nếu tính theo giá đền bù thì người dân không thể tự lo được chỗ ở mới.

“Nếu bán căn nhà ở quận 8 đi mua nhà ở nơi khác, người dân may ra mua được ở vùng ven chứ vào trung tâm là không thể mua. Việc tổ chức lại cuộc sống của người dân sau giải tỏa là rất cần thiết. Tuy nhiên, khi tái định cư về chỗ ở mới thì lại khó khăn về việc làm, cho con đi học. Trước đây, quận 8 từng đưa dân về chung cư ở quận 7 và quận 12 để tái định cư, người dân gặp khó khăn trong buôn bán, một số người không có việc làm, sau đó quay về nơi ở cũ”, ông Nghĩa nói.

Ngoài ra, ông Nghĩa cho biết tình trạng kẹt xe thường xuyên tại khu vực cầu chữ Y, cầu Nguyễn Văn Cừ, cầu Chánh Hưng… đã gây nhiều khó khăn cho người dân và nếu không giải quyết kịp thời thì địa phương rất khó phát triển.

“Nhiều người ngại mua nhà ở quận 8 vì lo kẹt xe khi đi làm, đưa con đi học. Quận 8 chưa có cái cầu vượt nào cả. Dự án cầu Bình Tiên chưa biết khi nào triển khai”, ông Nghĩa băn khoăn.

Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo các địa phương cho rằng chế độ, chính sách hiện nay đối với cán bộ, công chức phường, xã, thị trấn chưa thật sự thu hút, động viên cán bộ, công chức an tâm công tác. Mức tăng thu nhập do khoán biên chế và kinh phí hoạt động còn khiêm tốn, chưa động viên tinh thần trách nhiệm, tính tích cực và sự chuyên nghiệp trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở phường, xã, thị trấn.

Theo Bí thư Đinh La Thăng, lãnh đạo phường, xã, thị trấn có nơi vẫn còn xa dân, chưa lắng nghe dân. Nhiều vấn đề bức xúc của người dân chưa được giải quyết và người dân vẫn bị làm khó dễ tại cơ quan hành chính.

“Chỉ có gần dân, sát dân mới lắng nghe được những bức xúc của dân. Phải tìm đến địa chỉ cụ thể, phải đấu tranh bằng được cho những vấn đề của người dân. Nhân dân không có nhiều thời gian để chờ đợi. Tôi yêu cầu phải bắt tay ngay vào việc, tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân”, ông Thăng nói.

Theo ông Trần Văn Ước, Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy, TPHCM hiện có 259 phường, 58 xã, 5 thị trấn, trong đó có 244 phường, xã, thị trấn loại I, 74 loại II và 4 loại III. 52 phường, xã, thị trấn dân số trên 40.000 người, trong đó từ trên 40.000 người đến 50.000 người là 20 phường xã; từ trên 50.000 đến 60.000 người có 14 phường xã; từ trên 60.000 đến 70.000 có 8 phường xã; từ trên 80.000 đến 90.000 có 2 phường; từ trên 90.000 người có 3 phường xã.