Ngày 29/7, hàng trăm xe cứu trợ đổ về khu vực tập trung dân tị nạn sau vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Nam Noy ở huyện Sanamxay, cách trung tâm tỉnh Attapeu vùng Nam Lào 35 km. Xe nào xe nấy lấm lem bùn đất, chật vật vượt qua những chặng đường đất nhão nhoẹt. Nhiều xe cắm cờ Việt Nam, Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Myanmar, Trung Quốc, Philippines...
Cứu trợ quốc tế vào vùng sâu
Vì toàn bộ khu vực công trình đập thủy điện cách trung tâm huyện Sanamxay đã bị phong tỏa, hàng trăm phóng viên các báo đài các nước có nguyện vọng đến ghi hình đều bị chính quyền địa phương từ chối.
Ông Vikasanh Sisanon, Phó giám đốc Sở Lao động Attapeu nhận tiền và quà của báo Tiền Phong.
Nghe đoàn công tác báo Tiền Phong nêu nguyện vọng muốn được vào sâu nhất những điểm có thể đến trong vùng thảm họa, hai phó giám đốc Công an tỉnh Attapeu là thượng tá Bun Su Sụ Lị Năm Thoong và thượng tá Sỉ Vơn Kẹo Sỉ Vông phải hội ý hồi lâu với thượng tá Bun Nong, mới thống nhất cử trung úy Phút Thạ Xay đi cùng xe với chúng tôi để hướng dẫn đoàn tới các điểm cứu trợ. “Lực lượng hỗn hợp của 8 quốc gia gồm 1.000 người đang tham gia rà soát, tìm kiếm hơn 120 người mất tích tới nay chưa thấy xác. Nhiều nơi nước chưa rút hết. Lãnh đạo tỉnh đã có kế hoạch ổn định dân cư, cụ thể như thế nào chúng tôi chưa rõ. Suốt 6 ngày qua chúng tôi tập trung lo giúp đỡ dân sơ tán. Hôm nay lực lượng cứu nạn mới tìm thấy thêm một thi thể ngập trong bùn, nhìn đau lòng lắm ”- thượng tá Bun Su cho biết.
Tại điểm tập trung hơn 1.000 dân sơ tán ở trường cấp II Sanamxay, anh Andrew Christian người Anh đang cùng các bạn Lào, Việt khuân vác hàng cứu trợ vào kho. Andrew đang đi du lịch ở thủ đô Vientiane, nghe tin vỡ đập thủy điện thì lập tức đến liên hệ với các tổ chức cứu hộ quốc tế xin cùng vào Attapeu để tham gia cứu hộ. “Mình đến Attapeu từ 4 ngày trước và sẽ tiếp tục ở lại đây thêm mấy ngày nữa. Người dân bị nạn rất đáng thương, mình muốn giúp đỡ hết mọi khả năng có thể”, Andrew nói.
Khi chiếc trực thăng của quân đội Lào hạ cánh xuống trường cấp II Sanamxay, 8 bác sĩ Hàn Quốc nhanh chóng được đưa lên máy bay để cùng vào vùng lũ cứu chữa cho những người dân còn kẹt lại. Trung tá Thoong Lay quản lý an ninh sân bay cho biết nhiệm vụ tại hiện trường vỡ đập còn rất bộn bề.
Rất nhiều xe bán tải chở học sinh từ thủ đô Vientiane vào Sanamxay. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao lại đưa học sinh đi cứu trợ, trung úy Phút Thạ Xay cho biết lớn nhỏ gì vào đây cũng được giao việc như bốc vác, xếp hàng vào kho, phân phát hàng cứu trợ, dọn vệ sinh. “Chứng kiến trực tiếp hoàn cảnh người dân nơi cứu trợ sẽ giúp các em ý thức hơn về cuộc sống, nhất là ở nơi hoạn nạn, khó khăn. Từ đó, khi lớn lên các em sẽ có ý thức giúp đỡ cộng đồng”.
Không muốn về bản cũ
Bước vào các điểm tập trung dân cư đông đúc, chúng tôi không khỏi váng vất đầu óc vì mùi xú uế lan tràn. Tất cả các hộ dân mất nhà cửa đều phải sống tạm bợ, thiếu thốn đủ bề, dù hàng trăm tấn hàng cứu trợ vẫn không ngừng được cấp phát. Tuy nhiên, tính cách hiền hòa, nhường nhịn của các bộ tộc Lào tại đây càng được thể hiện rõ, từ việc họ chia đều cho nhau những phần lương thực, trái cây, cho đến lúc xếp hàng chờ nhận thức ăn, áo quần, chăn chiếu, vật dụng. Từ trẻ em cho tới người lớn, ai cũng chắp tay, cúi đầu cảm ơn khi nhận quà hoặc tiền của những người đến cứu trợ.
Được biết lượng lương thực, hàng hóa đổ về Sanamxay rất dồi dào, nên chúng tôi đã tìm hiểu kỹ từ trước, xem họ còn thiếu gì để mua thêm ngay ở khu chợ biên giới gần cửa khẩu Bờ Y, trước khi sang Lào. Hai xe của đoàn báo Tiền Phong vì thế chất đầy xoong nồi, ấm đun nước, dép cho người lớn và trẻ em, khăn tắm, đồ lót phụ nữ, áo mưa, võng vải, ủng nhựa. Sang tới nơi, quả nhiên những món hàng này rất được hoan nghênh.
Cả huyện Attapeu có tới 13 bản bị trôi nhà, mất người trong vụ vỡ đập vừa qua. Dân bản Thạ Hỉn nói điều họ mong muốn nhất là sau này Chính phủ sẽ cho họ được định cư ở nơi khác, để bớt đi nỗi sợ hãi và ám ảnh về mối đe dọa vỡ đập thủy điện kinh hoàng này.