Nền văn học gắn với những cuộc chiến
Nhà văn M. Salmawy, Quốc vụ khanh Chính phủ Ai Cập, Tổng Thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, quan tâm tới chiến tranh Việt Nam từ khi còn rất trẻ. M. Salmawy khẳng định: “Không dân tộc nào trên thế giới gặp nhiều thách thức, khó khăn như Việt Nam. Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu không chỉ bảo vệ đất nước mà còn bảo vệ cả nền văn hóa và bản sắc dân tộc. Chúng tôi đến từ hơn 40 quốc gia, gặp các bạn, các nhà văn nhà thơ hằng ngày vẫn làm công việc gìn giữ tâm hồn Việt, để tôn vinh văn hóa và nền hòa bình thế giới”.
Nhà thơ Fernando Rendon đến từ quê hương của Gabriel García Marquez, Giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, chỉ ra sự tương đồng trong thi ca của Colombia và Việt Nam - thi ca đem lại cho người dân hai nước ước mơ, động lực chiến đấu vì hòa bình, tự do.
Văn học cũng giúp cựu binh Mỹ Kevin Bowen cơ hội trở lại Việt Nam, kết bạn với những người từng ở bên kia chiến tuyến: “Cuộc sống đã gắn kết chúng ta với nhau. Văn học giúp ta vượt qua nỗi e ngại, dè dặt ban đầu. Chúng ta không chung ngôn ngữ nhưng chung niềm tin vào tính nhân bản của văn học”.
Kevin Bowen là người sáng lập Trung tâm William Joiner, cầu nối hai nền văn học Việt - Mỹ. Hôm qua, ông thăm nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Tôi không thể nào quên cuộc nói chuyện với Đại tướng ngày trước. Đại tướng khiến chúng tôi nhớ rằng bản thân ông cũng là một nhà văn”, ông nói.
“Văn học Việt Nam luôn đi chung đường với nhân dân, Tổ quốc. Một nền văn học luôn mang chủ đề yêu nước thương dân, đấu tranh chống áp bức bất công, giải phóng giai cấp, dân tộc và giải phóng con người” - GS Chúc Ngưỡng Tu, dịch giả văn học Việt Nam hàng đầu tại Trung Quốc, nói - “Văn học Việt Nam đã góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh giành tự do độc lập dân tộc và đóng góp cho kho báu văn học thế giới”.
Nhà văn Kevin Bowen chia sẻ cảm xúc.
Xuất khẩu văn chương
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, lúc khai mạc hội nghị có nhắc tới tình trạng dịch và xuất bản một cách hệ thống các tác phẩm tiêu biểu của văn học khu vực và thế giới suốt nhiều thập kỷ dẫn đến “nhập siêu” văn hóa kéo dài và ngày càng gia tăng.
“Giờ đây chúng tôi phải điều chỉnh để cải thiện tình hình. Chúng tôi không muốn chỉ là thị trường tiêu thụ văn hóa của thế giới mà phải là đối tác giao lưu văn hóa với thế giới trên tinh thần bình đẳng và thân thiện”, ông Hữu Thỉnh khẳng định, “Bởi vì chúng tôi biết rằng, Việt Nam cần hiểu thế giới thì thế giới cũng có nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam. Chúng tôi phải làm hai việc một lúc: Giúp các bạn quốc tế thấy cả cánh rừng (văn học Việt Nam) và các bóng cây (trong cánh rừng đó)”.
Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì chính sự biến ảo tinh tế của tiếng Việt lại là trở ngại cho các nhà dịch thuật nước ngoài. Mặc dù vậy thực tế đang cho thấy văn chương Việt được dịch ra ngôn ngữ khác ngày càng nhiều. “Gần đây nhất, tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều nhà văn cổ điển, hiện đại khác được giới thiệu ở Nga, Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan… Các dịch giả và nhà xuất bản (nước ngoài) là đại sứ văn hóa kính mến trong công việc đầy ý nghĩa này”, ông Thỉnh nói.
Nhà văn M. Salmawy nhận thấy: “Các thành tựu văn học nghệ thuật đương đại của Việt Nam tượng trưng cho một nền văn hóa vĩ đại”. Nên theo ông, những dịp như thế này là hết sức cần thiết, giúp nhìn thấu cái nền văn hóa ấy.
Nhà văn Kevin Bowen tin rằng, các nhà văn, nhà thơ dự hội nghị sẽ cùng nhau làm nên nhiều điều tốt đẹp trên tinh thần cao đẹp từ trái tim tới trái tim mà những người bạn cũ của ông: Chính Hữu, Nguyễn Quang Sáng, Thu Bồn… vẫn hướng tới. Đúng như thông điệp mà Hội Nhà văn đưa ra: Mỗi dân tộc cần đến mỗi dân tộc / Mỗi con người cần đến mỗi con người (thơ Nguyễn Đình Thi).
“Các cuốn sách là tài sản vô giá, là di sản văn hóa. Sách Việt Nam cần được dịch một cách cần mẫn. Tuy nhiên, có điều không cần phải dịch. Đó là tình yêu và tiếng nói của tâm hồn người dân”, đại biểu Cuba Alexej Paucides kết luận.
Để tận dụng và phát huy kết quả thu được sau những hoạt động quảng bá của tuần lễ văn học Việt Nam hướng ra thế giới, một mặt Hội Nhà văn Việt Nam ký kết hợp đồng xuất khẩu văn chương với các nhà xuất bản, dịch giả nước ngoài. Mặt khác nỗ lực cải tổ Trung tâm Dịch thuật văn học trực thuộc hội nhằm thoát cảnh “có cũng được, không có chẳng sao”, hoạt động sao cho chuyên nghiệp và hiệu quả.