Thủ tướng: Nhiều tiến sĩ nhưng ít công trình giá trị

TP - Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Giáo dục đại học và dạy nghề- chất lượng còn hạn chế, sinh viên trường còn thất nghiệp nhiều. Đào tạo sau ĐH chất lượng đáng lo ngại. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tế. Nhiều tiến sĩ nhưng thiếu các công trình khoa học có giá trị.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Nhà vệ sinh của hiệu trưởng thơm tho, của học trò bốc mùi

Trao đổi với lãnh đạo nhiều tỉnh thành tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận mình “có nửa chân” trong ngành giáo dục và tự thấy ngành còn nhiều điểm chưa hài lòng. Ông Đam cho biết, có nhiều ngày cuối tuần, ông trực tiếp đi khảo sát một loạt các trường học thì tận thấy nhà vệ sinh của các cháu bốc mùi xú uế nồng nặc trong khi đó phòng hiệu trưởng có nhà vệ sinh sạch sẽ! Cũng theo Phó thủ tướng, như chuyện dạy thêm học thêm, ngành giáo dục đã rất nỗ lực nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố như tính gương mẫu của giáo viên và trên thực tế không đủ trường lớp để học 2 buổi/ ngày. Nếu cho các cháu học 2 buổi/ngày áp lực dạy thêm, học thêm sẽ giảm.

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội nêu cái khó của Hà Nội là vẫn còn hiện tượng trái tuyến, lớp đông, chất lượng các trường không đều. Theo ông Chung, thành phố đang quy hoạch lại mạng lưới trường học trên toàn địa bàn. Năm qua, Hà Nội đã chi 597 tỷ đồng xây thêm 26 trường và trong năm tới Thủ đô sẽ rà soát xây, sửa lại toàn bộ hệ thống nhà vệ sinh cho các trường học cũng như đưa internet vào quản lý học bạ thông qua sổ điện tử. Chủ tịch TP Hà Nội kiến nghị Bộ GD&ĐT đẩy mạnh dạy học tiếng Anh với chương trình chuẩn, tiếp tục có chương trình đào tạo nguồn lực chất lượng cao, đầu tư các ngành học mũi nhọn để về sau có nguồn lao động tốt cũng như đảm bảo hội nhập quốc tế. Sớm phân luồng học sinh ngay từ khi còn là học sinh lớp 9.

“Vừa rồi tôi có đi khảo sát một số trường ngay ở Hà Nội và số khác ở các tỉnh lân cận. Tôi mới phát hiện ra rằng, nhiều trường, phòng hiệu trưởng thì rất tốt có nhà vệ sinh rất sạch sẽ nhưng nhà vệ sinh của các cháu học sinh thì bẩn kinh khủng. Phần lớn các trường như vậy, thậm chí ngay ở Hà Nội, nhiều trường vào tới cổng đã ngửi thấy mùi bể phốt”.

             Phó Thủ tướng 

Vũ Đức Đam

Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, ngành đang đặt ra vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên nhưng hệ thống các trường sư phạm trên toàn quốc sẽ thấy cơ sở vật chất quá cũ kỹ, lạc hậu. Như trường ĐH Sư phạm Hà Nội có những tòa nhà xây dựng từ trước năm 1960. “Việc đổi mới đào tạo, nâng cao chất lượng trình độ giáo viên cần thiết phải có cơ sở vật chất như: giảng đường; hệ thống phòng thực hành, thực nghiệm. Khi trường đại học không chú trọng thực hành sẽ cho ra đời các anh hùng bàn phím”, ông Minh nói.

Bộ GD&ĐT sẽ đi tiên phong bỏ bộ chủ quản

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Giáo dục là quốc sách hàng đầu, chăm lo cho giáo dục là nhiệm vụ của  Đảng, Nhà nước và toàn xã hội. Thủ tướng cho rằng, năm học qua dù nhiều khó khăn nhưng ngành đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn nêu những hạn chế, tồn tại cần sớm được khắc phục. Về giáo dục phổ thông, hiện nay còn nhiều hạn chế trong giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cũng như kỹ năng sống cho học sinh, vì thế vẫn còn hiện tượng bạo lực học đường, trẻ thành niên phạm tội. Thủ tướng yêu cầu, giáo dục làm sao phải dạy học sinh biết kính trên nhường dưới, yêu quê hương, đất nước, có lòng tự hào dân tộc. Việc dạy học ngoại ngữ chưa đạt hiệu quả…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chất lượng hạn chế, chưa gắn với nhu cầu xã hội, thị trường lao động, dẫn đến nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng chuyên môn, thất nghiệp. Mỗi năm, theo ước tính sơ bộ, chúng ta phải chi hàng tỉ USD cho việc đưa con em ra nước ngoài học tập. Đào tạo sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ) chất lượng đáng lo ngại. Đây là sự phản ánh của bệnh thành tích, sính bằng cấp. Đa số các luận án tiến sĩ không được áp dụng trong thực tiễn; nhiều tiến sĩ nhưng lại thiếu những công trình khoa học có giá trị đối với xã hội. “Việc này cần phải nghiêm túc chấn chỉnh”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, “vẫn còn những hiện tượng tiêu cực trong tuyển sinh, thi và cấp bằng… Người dân vẫn rất lo lắng đối với việc học hành của con em, từ việc xin vào học ở đầu cấp học, nhất là ở thành phố, đến học thêm, dạy thêm, học phí... Các đồng chí phải lắng nghe các bất cập này để giải quyết trong thời gian tới”.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng đẩy mạnh “tự chủ đại học” một cách thực chất và đồng bộ, đi đôi với đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Cùng lúc với đẩy mạnh tự chủ ĐH, cần xác định một cách rõ ràng “trách nhiệm xã hội” của trường ĐH. Xây dựng cơ chế và hình thành môi trường quản lý lành mạnh, hành lang pháp lý phù hợp để bảo đảm cho các trường phát triển một cách mạnh mẽ và lan tỏa năng lượng, văn hóa, giá trị ra ngoài xã hội. “Điều này sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước. Không để lãng phí xã hội trong đào tạo ĐH. Tôi cũng nói rõ chủ trương của Nhà nước ta là không phân biệt công-tư trong giáo dục đại học”, Thủ tướng nhấn mạnh. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ đi tiên phong trong bỏ bộ chủ quản, giao quyền tự chủ cho các trường. Bộ chỉ làm công việc quản lý hành chính nhà nước và ban hành các chính sách, chủ trương.

“Một điều nữa tôi muốn gửi gắm cho ngành giáo dục mà Nguyễn Trãi đã từng nói: “Nước Đại Việt ta hiền tài chưa bao giờ thiếu. Nhưng tìm cho ra hiền tài chưa bao giờ là việc đơn giản”. Vì vậy, ngành giáo dục cần đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài để trước tiên ngành giáo dục phải có nhiều thầy giỏi, nhiều trò giỏi. Việt Nam ta có thêm nhiều người hiền tài để làm rạng danh và sẵn sàng phục vụ đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.