Thi sĩ Phạm Thiên Thư “văn xuôi hóa” thơ mình: Từ Hải là người Việt Nam

TP - Thi sĩ Phạm Thiên Thư cho biết NXB Tổng hợp TPHCM vừa in cuốn truyện “Lòng đau không tiếng” viết dựa trên cuốn thơ “Đoạn trường vô thanh” nổi tiếng của ông.
Phạm Thiên Thư với tác phẩm văn xuôi “Lòng đau không tiếng. Ảnh: T.N.A.

Kiều và Kim Trọng chỉ là bạn tâm giao?

Thi sĩ có thể cho biết về con đường đã đưa “Đoạn trường vô thanh” thành “Lòng đau không tiếng”?

Tôi sinh ở miền Bắc và thích truyện Kiều từ nhỏ. Cha tôi quê Thái Bình, mẹ Bắc Ninh, từ nhỏ tôi đã làm thơ. Theo gia đình vào Nam, tôi lập hội Hồ Quý Ly đề cao tinh thần yêu nước. Chính quyền cũ gây khó dễ, tôi vào chùa tu từ năm 1964-1975.  Thời gian này tôi làm thơ khá nhiều và một số bài thơ được Phạm Duy phổ nhạc. Đoạn trường vô thanh của tôi năm 1973 được chính quyền cũ trao giải nhất văn chương (nhưng tôi không đến nhận). Đoạn trường vô thanh là tác phẩm tôi viết tiếp truyện Kiều. Từ 1981 tôi đã bắt tay văn xuôi hóa tập thơ lục bát này. Thời gian kéo đến tận bây giờ, phần vì công việc, phần vì sức khỏe, phần nữa tôi cũng nghĩ viết văn xuôi là một việc rất khó, đòi hỏi nhiều công sức. Tôi rất mừng là tác phẩm vừa được xuất bản và được nhiều người đón nhận, đánh giá.

Giữa “Đoạn trường vô thanh” với “Lòng đau không tiếng” có gì khác nhau?

Tôi chủ yếu làm thơ và tính đến nay đã làm khoảng 40 vạn câu, trong đó thi hóa rất nhiều tác phẩm như Kinh Ngọc, Kinh Thơ, Kinh hiền… Tôi thường đưa vào nhiều nhận định mới, nhiều chi tiết mà tôi cho rằng sẽ hợp lý hơn với bạn đọc ngày nay. Riêng Lòng đau không tiếng tôi giữ cơ bản các nội dung chi tiết của truyện thơ.

Lý do ông “văn xuôi hóa” tập thơ của mình?

Tôi muốn mở rộng phạm vi người đọc. Vì có người thích đọc thơ mà không thích đọc văn xuôi, lại có người hay đọc văn xuôi, không đọc thơ.

Nhiều người cho rằng nhà thơ viết “Đoạn trường vô thanh” khi đất nước bị chia cắt, nói chuyện đoàn viên là mong ước ngày đất nước hòa bình thống nhất, sum họp?

Suy luận của mọi người, tôi không bình luận. Riêng tôi với tư cách tác giả, không muốn tác phẩm gắn với những định kiến chính trị. Tôi chỉ viết một tác phẩm hậu truyện Kiều và quan tâm đến việc đó thôi.

Đoạn trường vô thanh  không viết dựa vào nội dung truyện Kiều, như Nguyễn Du viết dựa vào tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân. Tôi viết mới hoàn toàn những phần nói về việc Kiều và Kim Trọng đoàn tụ. Những việc này, truyện Kiều không có. Ngoài ra tôi không sử dụng điển cố điển tích Trung Quốc mà chỉ sử dụng các điển tích Việt Nam, về Mai An Tiêm, Từ Thức, Thánh Gióng, Lưu Thần, Nguyễn Triệu, Trần Hưng Đạo... 

Từ Hải người Phong Châu

Ông sáng tạo nhân vật Từ Hải là người Việt Nam. Lý do?

Tôi viết về Từ Hải thế này: “Ta từ nơi quê cũ Châu Phong. Nếp nhà quen võ văn hai mặt – dõi nguồn Lạc Long Việt tộc. Cho nên ta vừa mới xuân xanh – mười tám triêu dương, chí vững thánh hiền, cung gươm thành tài. Cho nên chốn sơn hà, ta đi một đẫy sau lưng – quyết thanh nội loạn, quyết trừ ngoại xâm”. “Một mai ta sẽ bỏ chốn sa trường, đưa Kiều lần hồi cố hương Châu Phong nước Nam”. Sở dĩ tôi viết như vậy là vì truyện Kiều có nói Từ Hải người đất Nam. Tôi thấy Từ Hải có khí phách trượng phu giống người Việt sẵn sàng đứng lên chống cường quyền để cứu giúp người lương thiện, nên tôi sáng tạo Từ Hải là người Việt Nam xông pha cứu Thúy Kiều.

Nàng Kiều trong “Lòng đau không tiếng” đã rất cảm kích trước chàng Từ Hải Việt Nam?

Trong tác phẩm của tôi thì tình cảm với Từ Hải là quan trọng nhất trong đời Thúy Kiều. Thúy Kiều gặp Từ Hải đã nói: “Thiếp như non cao, chàng thì như mảnh trăng gần xuống. Hai kẻ đều đớn đau, mới rõ dấu chân phi thường là vậy”. Kiều còn xin Từ Hải theo quân đánh giặc phương Bắc Hồ Tôn  Hiến: “Kiều thưa rằng: Chàng có những chi phiền muộn. Nếu phen này xin cho thiếp được đánh trận một phen?”.

Phải chăng thi sĩ mượn tích truyện Kiều để đề cao tinh thần Việt Nam?

Tôi đã đem vào tác phẩm của mình, cả bản thơ và bản văn xuôi này, tinh thần Việt Nam đối với truyện Kiều. Rất nhiều người thích và khen tác phẩm này của tôi chính là khen tinh thần Việt Nam ấy.