“Thi” lần hai?

TP - Với mức ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào 15 điểm mà Bộ GD&ĐT vừa công bố sẽ có tới hơn nửa triệu thí sinh đạt mức “sàn” trở lên, tức họ mới đạt điều kiện “cần” để có thể bước chân vào ngưỡng cửa trường đại học.

Tuy nhiên, năm nay điều kiện “đủ” mới thực sự cam go, kịch tính và chứa đựng nhiều yếu tố may rủi. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga thừa nhận: “Trong xét tuyển đợt 1 thí sinh phải theo dõi thường xuyên thống kê của các trường vì đây là những thông số rất quan trọng thì mới biết mình đang ở vị trí nào, có khả năng trúng tuyển hay không, và phải rút hồ sơ nộp trường khác nếu thấy không an toàn. Nếu  thí sinh không có thông tin thì sẽ rất may rủi”. Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh trường đại học Hoa Sen nói:  “Đây có thể xem là bài thi thứ hai cho cả thí sinh lẫn phụ huynh trong kỳ thi lần này”.

Như vậy, rõ ràng cuộc chạy đua vào các trường đại học đối với hơn nửa triệu thí sinh đạt mức điểm sàn năm nay không hề đơn giản. Ngoài việc phải căng đầu ra theo dõi sát sao thứ hạng của mình trên website các trường đại học, thời điểm quyết định rút - nộp hồ sơ cũng vô cùng quan trọng, bởi nếu chỉ nhanh hay chậm chút xíu cũng có thể đỗ hoặc trượt cho dù điểm cao. Suốt 20 ngày “canh me” để quan sát thứ hạng, để phân tích tình hình, để đích thân tới tận nơi các trường đại học thực hiện công đoạn “nộp - rút, rút - nộp”… sẽ là quãng thời gian rất căng thẳng và hồi hộp với các thí sinh và phụ huynh. Chưa kể chi phí đi lại tốn kém cho việc “rút – nộp” hồ sơ đối với các thí sinh ở xa. Ví như một “bài thi thứ hai” sau đợt thi THPT quốc gia quả cũng không sai!

Về phía các trường đại học, lấy gì đảm bảo việc website của trường không bị nghẽn mạng hay quá tải do lượng truy cập tăng đột biến? Lấy gì đảm bảo việc họ sẽ cập nhật thông tin xét tuyển đúng 3 ngày/lần theo quy định? Ai đảm bảo yếu tố bình đẳng trong tiếp cận thông tin tuyển sinh cho hơn nửa triệu thí sinh đạt điểm sàn? Hàng loạt câu hỏi đặt ra và hẳn rất khó có câu trả lời thỏa đáng ở thời điểm này.

Kỳ thi “hai trong một” với nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu đem lại sự tiện lợi cho thí sinh và phụ huynh, xem ra vẫn còn nhiều vấn đề phát sinh cần chỉnh sửa và giải quyết. Thêm nhiều sự lựa chọn cũng đồng nghĩa tăng thêm sự phức tạp và hồi hộp cho cả hai phía, cả trường đại học lẫn thí sinh.