> Lạm thu: Lỗi của ngành giáo dục
7.000 đồng/ bữa ăn chính
Mỗi ngày, hơn 300 trẻ bán trú tại trường mầm non Hòa Khương (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) được ăn 2 bữa chính và xế (bữa lỡ). Tuy nhiên, tổng tiền ăn nhà trường thu về chỉ ở mức 10.000 đồng/em/ngày.
Cô Đỗ Thị Thạnh - Hiệu trưởng trường này cho hay: Mức thu này được tăng lên 1.000 đồng/bữa/ngày so với năm học trước, nhưng không đáng kể do giá cả liên tục biến động. Trường phải xoay xở đủ cách để không tiếp tục tăng học phí ảnh hưởng đến đời sống phụ huynh do phần lớn đều là các hộ khó khăn.
Nhà trường được chi 7.000 đồng/ngày/em cho bữa chính, còn lại chi phí bữa phụ. Một nhân viên bếp ăn cho biết: Mức tiền này chỉ tạm đủ đảm bảo định lượng dinh dưỡng. Nếu giá cả tiếp tục tăng, chắc chắn bữa ăn học sinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại trường tiểu học Võ Thị Sáu (phường Thuận Phước, Hải Châu), đầu năm học này tăng tiền ăn lên 18.000 đồng/ngày/học sinh cho hai bữa chính - phụ. Mức tăng này chủ yếu do tác động của tăng giá thực phẩm, chứ chưa nhằm mục đích cải thiện chất lượng bữa ăn.
Cô Phan Thị Thu Lan - Hiệu trưởng, nói: Tỷ lệ học sinh bán trú thấp (170/500 học sinh), trong khi nhà trường vẫn phải trả cùng mức lương cho nhân công, chi phí trang thiết bị, gas… chiếm đến 20% tiền ăn. Ngoài việc chọn món “giá mềm” so với nhóm thực phẩm cùng loại, trường tập trung chủ yếu vào bữa chính và thay đổi bữa ăn lỡ cho phù hợp. Như giảm số lần uống sữa trong một tuần.
Tương tự tại trường mầm non Bình Minh (đường 3-2), để đảm bảo khẩu phần ăn cho 110 bé bán trú, mỗi ngày ăn 5 bữa gồm 2 bữa chính và các bữa lỡ, nhà trường tìm đủ cách nhằm cân đối đủ thu - chi.
Cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Thương cho hay: Với 22.000 đồng tiền ăn mỗi cháu/ngày, rất khó khăn để thuê người nấu, rửa chén bát, gas, dầu, mắm muối. Chưa kể 10% thuế VAT do thức ăn nhập từ công ty. Thành thử, các khẩu phần ăn còn chẳng là bao. Ngay bữa trưa được coi là bữa chính nhưng trường chỉ cân đối được 7.400 đồng/em.
Rục rịch tăng giá, khó tăng phí
Mới đây, nhiều trường mầm non, tiểu học bán trú trên địa bàn nhận được thông báo tăng giá của các đơn vị cung cấp thực phẩm. Theo cô Lan, trường tiểu học Võ Thị Sáu: thường gần Tết giá cả sẽ tiếp tục biến động mạnh nên việc âm thu chi của trường rất dễ xảy ra.
Do kiếm tiền khó khăn, nhiều phụ huynh phải cho con nghỉ học bán trú. Trường Võ Thị Sáu năm ngoái có hơn 200 học sinh bán trú, năm nay giảm gần 50 em. Trường mầm non Hòa Khương 1/3 học sinh không tham gia bán trú.
“Đáng lo ngại đầu mỗi năm học, trường có trên 10% số trẻ suy dinh dưỡng, hết học kỳ I, tỷ lệ này giảm xuống còn 5% do được ăn uống đảm bảo. Nếu trẻ tự ăn ở nhà sẽ khó đảm bảo các chỉ tiêu dinh dưỡng cần thiết” - cô Thạnh, hiệu trưởng nhà trường nói.
Theo ông Nguyễn Đăng Ngưng- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu: Việc tăng tiền ăn phải có sự thống nhất giữa trường, phụ huynh và trình ngành chức năng. Trước mắt, phòng yêu cầu các trường tự cân đối, không được tăng tiền ăn.
Sắp tới, phòng đề xuất quận xây dựng khung tiền ăn cho phù hợp, nhằm đảm bảo chất lượng bữa ăn học đường. Với các nhà cung cấp lớn, ngành vận động họ bình ổn, không tăng giá nhiều, nhanh.