Tàu vỏ thép đội sóng Hoàng Sa

TP - Tàu QNa 90318 của ngư dân Núi Thành - Quảng Nam là tàu vỏ thép quy mô và hiện đại nhất hiện nay trong đội tàu đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Con tàu bề thế, hiện đại như một “tòa nhà” lộng lẫy giữa biển khơi của hai cha con ông Trần Công Kỳ, 50 tuổi và Trần Công Ba, 25 tuổi.
Tàu QNa 90138 bề thế và hiện đại.

Từ thuyền nan…

Chúng tôi đặt chân lên tàu QNa 90318 khi 10 thuyền viên trên tàu đang kiểm tra máy móc, ngư lưới cụ lần cuối trước khi ra khơi đánh bắt chuyến biển mở hàng, vào trưa ngày 5/4. Con tàu như một tòa nhà, với đầy đủ trang thiết bị máy móc hiện đại, khiến nhiều người choáng ngợp. Với chiều cao gần 4m, rộng gần 8m, dài gần 31m, chi phí đóng mới hết 17,5 tỷ đồng, tàu QNa 90318 được xếp vào hạng tàu vỏ thép quy mô nhất hiện nay.

Về độ hiện đại, tàu này cũng xếp vào top đầu, khi toàn bộ máy móc trang thiết bị trên tàu được đóng và lắp mới hoàn toàn, bởi vậy dù tàu khủng nhưng chỉ cần đến 10 lao động là đủ vận hành và đánh bắt cho chuyến biển dự kiến kéo dài gần 1 tháng. Tổn phí cho chuyến biển cũng tốn gần 300 triệu đồng.

Dáng người chắc đen, vẻ mặt “chưa nói đã cười” ông Kỳ không giấu được niềm vui khi tàu của mình sau thời gian dài chờ đợi chuẩn bị vươn khơi. Dẫn khách tham quan một vòng trên con tàu láng bóng, sạch đẹp, ông cười, nói: “Mấy đời bám biển, cuối cùng ước mơ cũng thành hiện thực. Tâm gan thấy mãn nguyện với cha ông, tổ tiên của mình”.

Năm nay ông tròn 50 tuổi, biết đi biển từ độ lên mười, cả cuộc đời ông Kỳ “ăn sóng nằm gió” trên biển Hoàng Sa - Trường Sa. Ông kể rằng: Gia đình mấy đời bám biển. Tuổi thơ và thời trai trẻ ông sớm lênh đênh và nuôi chí lớn trên biển cả. Lấy vợ, sinh con, ông khởi nghiệp từ những con thuyền nan, thuyền gỗ gần bờ.

Mấy chục năm tích góp, ông đóng được tàu lớn vươn khơi thỏa chí ngang dọc với biển. Con trai Trần Công Ba lớn lên, nghỉ học, theo nghiệp cha. Để con nối nghiệp, ông tích góp đóng tiếp một con tàu nữa dành riêng con lập nghiệp. Mấy năm qua, hai cha con làm thuyền trưởng 2 con tàu với tổng công suất gần 1.200 CV vùng vẫy biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Khi có chương trình đóng mới tàu vỏ sắt, ông mạnh dạn đăng ký vay vốn.  Hai cha con ngồi bàn bạc rồi đi đến quyết định bán 2 con tàu gỗ để cùng đóng tàu vỏ thép. Tàu QNa 90318 về Núi Thành đã được 20 ngày, là trọn thời gian ấy cha con ông ăn, ngủ trên tàu để làm quen với máy móc thiết bị. Cách đây một tuần, cha con ông cùng 8 ngư dân khác cho tàu chạy thử ra biển để tự “tập huấn” cho nhau các thao tác trên tàu. Một chút trục trặc nhỏ ở bộ phận máy phát điện được đơn vị đóng tàu là Cty CP công nghiệp tàu thủy Sông Đào (Nam Định) cử người đến khắc phục tại chỗ. Sau đợt “tập huấn” anh em đã làm chủ được con tàu.

“Nhìn quy mô, hiện đại nhưng tàu vận hành không khác tàu vỏ gỗ là mấy. Toàn bộ thiết bị trên tàu đều đóng mới. Thiết kế trên tàu đều theo ý kiến và kinh nghiệm của ngư dân. Suốt 6 tháng đóng tàu, tôi liên tục tham khảo ý kiến của các ngư dân khác đã có tàu vỏ thép để kịp thời góp ý, điều chỉnh thiết kế phù hợp với thực tế đánh bắt trên biển”, ông Kỳ cho biết. Chỉ tay về những chiếc máy tời lưới khủng ở phía mũi tàu với những sợi dây cáp to bằng cổ tay, ông Kỳ cho hay: Toàn bộ hệ thống tời lưới đều do ngư dân thiết kế hết.

Kiểm tra hệ thống điện, bảng điều khiển tự động trước giờ xuất bến.

Trầm tính và ít nói hơn cha mình, Trần Công Ba tỏ ra chững chạc hơn so với tuổi đời. Nhìn cậu con trai tất tả chỉ huy anh em ngư dân từng công đoạn vận hành, chuẩn bị ngư lưới cụ, ông Kỳ cười bảo: “Nó già hơn tuổi cũng vì sớm theo cha, phong trần với biển cả”.

Nghỉ học sớm, như bao thanh niên ở miền biển này, Ba bước vào nghiệp biển đến nay đã tròn 7 năm. Quãng thời gian ấy tuy chưa dài so với đời bám biển, nhưng đủ tôi luyện chàng trai 25 tuổi thành một “soái ngư” trên biển. Cũng giống cha ông mình, Ba sớm nuôi chí bám biển Hoàng Sa - Trường Sa.

Mấy năm trước, đuợc cha giao cho con tàu vỏ gỗ lập nghiệp, Ba không ngại ngần tiếp quản, làm ăn, tích góp. Nay, niềm vui nhân lên khi hai cha con cùng làm chủ con tàu vỏ thép hiện đại, cha là thuyền trưởng, con là máy trưởng, cả hai tâm đầu ý hợp quyết bám biển, đưa tàu vươn khơi.

Tự tin Hoàng Sa

Trước giờ khởi hành chuyến biển đầu tiên, theo lệ truyền thống, ông Kỳ và con cùng thuyền viên trên tàu làm mâm cơm cúng trời biển, ngay trước mũi tàu. Thắp nén nhang, ông Kỳ thành tâm khấn nguyện mưa thuận gió hòa cho chuyến biển đầu tiên này và những chuyến biển tiếp theo sẽ bội thu, thắng lớn.

 Xong lễ cúng, kể chuyện nghề biển, ông Kỳ không giấu được lo âu khi làm ăn trên biển ngày càng khó, phần vì thiên tai, phần do nhân tai. Mới năm ngoái thôi, tàu gỗ của cha con ông thường xuyên bị tàu Trung Quốc quấy phá khi đánh bắt trên biển Hoàng Sa. Rồi mới đây nhất, khi hai tàu cá của ngư dân Núi Thành mang số hiệu QNa 91939 và QNa 91865 bị tàu Trung Quốc cướp, phá ngư lưới cụ, bắn đạn bi khiến ngư dân thua lỗ cũng làm cha con ông có chút e ngại.

Ông Trần Công Kỳ và con trai Trần Công Ba trên con tàu vỏ thép hiện đại.

“Chỉ mong sao, Hoàng Sa sẽ bình yên trở lại để anh em ngư dân làm ăn được thuận lợi, không bị quấy phá”, ông Kỳ tâm sự. Sau phút tâm trạng, ông Kỳ vẫn khẳng khái: “Tàu Trung Quốc làm gì đi nữa thì Hoàng Sa vẫn là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Anh em quyết bám biển tới cùng”.

Ba cùng anh em thuyền viên thử vận hành các thiết bị lần cuối, xếp ngư lưới cụ vào vị trí để chuẩn bị nhổ neo. Hào hứng với chuyến xuất bến đầu tiên, Ba phấn khởi: “Tàu to nên anh em tự tin thẳng tiến Hoàng Sa, không lo sợ gì!”.

Ông Bùi Thế Cả, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Tam Quang ra tận bến cảng chào tạm biệt anh em tàu QNa 90318. Ông Cả hồ hở khoe: Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Hải vừa có thêm 4 chiếc tàu vỏ thép. Trong đó có hai chiếc hành nghề chụp mực, hai chiếc hành nghề lưới vây. Ngoài tàu ông Kỳ còn có 3 tàu vỏ thép khác của các ngư dân lão luyện Trần Văn Nhân, Phạm Việt và Huỳnh Ngọc Huệ. Riêng ông Cả cũng là một ngư dân lão luyện. Con tàu vỏ thép trị giá gần 15 tỷ đồng của gia đình ông cũng đang hoàn thiện, chờ ngày hạ thủy. “Có tàu vỏ thép, ngư dân miền biển này thêm tự tin bám biển, vươn khơi, góp sức gìn giữ chủ quyền”, ông Cả phấn khởi.

Tàu hú còi, nhổ neo rời bến, tôi bắt tay chào và chúc anh em thắng lớn. Trong tiếng gầm của động cơ, tiếng ông Kỳ rõ, vang: “Hy vọng tất cả suôn sẻ. Thắng, thua gì cũng là chuyến biển đầu tiên. Lúc về bờ sẽ gọi chú xuống cùng nhậu chơi, lúc đó sẽ có nhiều chuyện để nói!”. Tàu QNa 90318 hiên ngang rẽ sóng. Bốn chiếc tăng gông (cần căng lưới chụp mực) như 4 cánh tay của gã khổng lồ khép gọn 2 bên mạn tàu chờ vươn mình giữa biển trời Hoàng Sa…

Liên quan đến một vài sự cố, hư hỏng của các tàu vỏ thép của ngư dân Đà Nẵng cũng như Quảng Nam thời gian gần đây, ông Cả cho biết: 4 tàu vỏ thép của nghiệp đoàn vừa được bàn giao và vươn khơi, các thiết kế đều được ngư dân góp ý và điều chỉnh. Hy vọng sẽ không gặp sự cố như các tàu trước đây.