Chiều 1/11, Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet – Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng) phối hợp với Khoa Du lịch (trường ĐH Đông Á) tổ chức Hội thảo Tăng cường sự tham gia của thanh niên trong ngăn chặn bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép ở khu vực miền Trung.
Hội thảo thu hút sự tham gia của khoảng 100 bạn trẻ ở Đà Nẵng. Bên cạnh việc được cập nhật các thông tin về bảo vệ ĐVHD, các vụ việc về bẫy bắt, buôn bán ĐVHD, các bạn trẻ còn có cơ hội thảo luận, chia sẻ góc nhìn về vấn nạn gây nhức nhối này.
Theo thông tin từ Cục Bảo tồn thiên nhiên (Tổng cục Môi trường), Việt Nam có các loài, động vật trên cạn và dưới nước rất phong phú, xếp thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 100 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới.
Tuy nhiên, những năm qua, nạn phá rừng, khai thác gỗ trái phép và săn bắt, mua bán, tiêu thụ ĐVHD đã làm cho các loài động vật bị suy giảm về số lượng.
Trong 50 năm qua, các loài động vật có xương sống đã suy giảm đến 68%, nhiều loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, điển hình là tê tê, chà vá chân xám, tê giác, gấu.
Theo ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm GreenViet, buôn bán ĐVHD bất hợp pháp là thực tế nhức nhối ở Việt Nam. Theo báo cáo của Cơ quan điều tra môi trường quốc tế (EIA) vào năm 2021, Việt Nam được đánh giá là Trung tâm toàn cầu về buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, điểm trung chuyển trong mạng lưới buôn bán ĐVHD bất hợp pháp.
“Thời gian qua, với nhiều chính sách để kiểm soát hàng hóa là ĐVHD qua biên giới, nâng cao nhận thức và tuyên truyền cộng đồng, các hoạt động bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ ĐVHD ở nước ta được hạn chế. Hàng trăm vụ việc vi phạm quy định về ĐVHD bị xử lý hình sự”, ông Vỹ nói.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP. Đà Nẵng đánh giá, dù Chính phủ có nhiều chế tài, chính sách để ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán ĐVHD nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để hành vi này bởi nhiều đối tượng bất chấp vì lợi nhuận, một bộ phận người dân vẫn có thói quen sử dụng sản phẩm từ ĐVHD.
“Với diện tích rừng rộng lớn, việc ngăn chặn các hành vi săn bắn, bẫy bắt và buôn bán ĐVHD cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt trong đó là lực lượng thanh niên. Bởi vậy, quan trọng là phải nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ động vật hoang dã, chính các bạn sẽ trở thành nòng cốt để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và vận đồng cộng đồng cùng tham gia”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Đậu Thị Hòa, Trưởng khoa Du lịch (Trường ĐH Đông Á), việc giáo dục bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ ĐVHD cho sinh viên và tầng lớp thanh niên có ý nghĩa quan trọng và lâu dài.
Nhiều trường học đã đưa các kiến thức, nội dung về hệ sinh thái tự nhiên và động vật hoang dã vào nội dung đào tạo, qua đó, trang bị cho học sinh, sinh viên các kiến thức bài bản. Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm thực tế, ngoại khóa, tập huấn theo chủ đề cũng thu hút đông đảo các bạn trẻ.
"Điều này góp phần tạo ra thế hệ kế cận có kiến thức, kỹ năng và tiên phong trong các hoạt động ngăn chặn săn bắt, buôn bán ĐVHD nói riêng và chống biến đổi khí hậu nói chung”, PGS.TS Hòa nói.