Tăng tuổi nghỉ hưu: Khác nhau mới bình đẳng

“Báo cáo thẩm tra tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu bình đẳng hơn, tại sao nam 62 tuổi nghỉ hưu, mà nữ chỉ 60 tuổi. Tôi cho rằng, không có nghĩa độ tuổi bằng nhau nghỉ hưu là bình đẳng, mà sự khác nhau mới bình đẳng. Bởi, do đặc thù tâm sinh lý, mỗi giới khác nhau, thì mới có sự tiến bộ, chứ không nhất thiết phải nam và nữ bằng tuổi nhau”- Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chia sẻ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới cũng như sự già hoá dân số và nhu cầu đảm bảo an toàn quỹ BHXH

Không ảnh hưởng cơ hội việc làm của lao động trẻ

Theo dự thảo luật Lao động (sửa đổi), từ năm 2021 sẽ tiến hành nâng dần theo lộ trình tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi và nữ lên 60 tuổi.

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định, tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm của giới trẻ. Bởi theo ông, dự thảo đã nêu rõ, không phải nâng tuổi nghỉ hưu cho tất cả các nhóm lao động lên thành nam 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Với những lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, suy giảm sức lao động từ 61% trở lên, thì người lao động vẫn có quyền nghỉ hưu trước 5 năm như các ngành khai thác khoáng sản, hầm lò...

Theo các chuyên gia về lao động phân tích, việc suy giảm năng suất lao động khi nâng tuổi nghỉ hưu chỉ đúng trong trường hợp lao động nặng nhọc, lao động vùng sâu, vùng xa, còn trong điều kiện lao động bình thường, chắc chắn sẽ đảm bảo năng suất lao động không bị sụt giảm.

Về vấn đề cơ hội việc làm của giới trẻ, có thể thấy, những năm gần đây, số lượng sinh viên ra trường không có việc làm đã giảm rõ rệt. Trong bối cảnh hiện nay, khi khoa học kỹ thuật phát triển, họ tự tìm kiếm việc làm, thị trường lao động tuyển dụng bằng thi tuyển, cơ hội rất nhiều.

Một số ý kiến quan ngại, liệu tăng tuổi nghỉ hưu thì bộ máy trong các cơ quan hành chính sự nghiệp tiếp tục kém hiệu quả và hạn chế cơ hội việc làm của sinh viên mới ra trường. Tuy nhiên, ông Lợi nhấn mạnh, giảm biên chế không có nghĩa là giảm bình quân. Giảm là giảm người không đủ năng lực trong bộ máy hành chính nhà nước, những người sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Nếu muốn vào vị trí của công chức nhà nước, theo ông Lợi, người lao động cần phải thi, phải giỏi. Và đúng năng lực mới được vào.

Xu thế chung của thế giới

Đồng ý với đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, bởi theo đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; tuổi thọ người Việt lại ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.

Đặc biệt, ĐB cũng cho rằng, chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên muốn cải thiện điều này thì phải tăng quỹ hưu trí lên, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ BHXH.

Đồng quan điểm, ĐB Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) cho rằng, quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết, bởi hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên. Rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu nằm trong xu thế chung của thế giới cũng như sự già hoá dân số và nhu cầu đảm bảo an toàn quỹ BHXH. Đặc biệt, không phải tất cả mọi đối tượng trong khu vực công tư, trong các lĩnh vực đều tăng tuổi nghỉ hưu bình quân như nhau.

“Báo cáo thẩm tra tuổi nghỉ hưu cần nghiên cứu bình đẳng hơn, tại sao nam 62 tuổi nghỉ hưu, mà nữ chỉ 60 tuổi. Tôi cho rằng, không có nghĩa độ tuổi bằng nhau nghỉ hưu là bình đẳng, mà sự khác nhau mới bình đẳng. Bởi, do đặc thù tâm sinh lý, mỗi giới khác nhau, thì mới có sự tiến bộ, chứ không nhất thiết phải nam và nữ bằng tuổi nhau”- ông Uông Chu Lưu khẳng định.

Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, vì tuổi nghỉ hưu sớm hơn 5 năm nên cơ hội việc làm và thăng tiến của nữ thấp hơn nam. Cũng vì nghỉ hưu sớm hơn nên mức lương tối đa khi đi làm của nữ cũng thấp hơn, thời gian tham gia BHXH ngắn hơn, do vậy lương hưu của nữ cũng thấp hơn nam. Vì vậy, cuộc sống khi về già của phụ nữ khó khăn hơn nam giới. Theo Công ước CEDAW về xóa bỏ các hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, khuyến nghị tuổi nghỉ hưu nam và nữ thu hẹp lại tiến tới bằng nhau.

Theo báo cáo thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổ chức lao động Quốc tế, 15 năm năm trước, những năm 2004 - 2009, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng 1,2 triệu người. Năm năm gần đây, từ 2014-2019, mỗi năm tăng chỉ 400 nghìn người, tức là chỉ tăng bằng 1/3 so với 15 năm trước. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang bước nhanh ra thời kỳ dân số vàng để chuyển sang giai đoạn dân số già. Nếu không mở rộng tuổi nghỉ hưu, chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trong tương lai. Kinh nghiệm các nước là phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải tiến hành sớm, từ trước khi bước sang giai đoạn già hóa dân số thì mới kịp thời ứng phó. Đây chính là thời điểm phù hợp để chúng ta tiến hành điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm chủ động ứng phó sự thiếu hụt lao động trong tương lai.