Nội quy phố đi bộ yêu cầu cấm tất cả phương tiện ra vào trong thời gian diễn ra phố đi bộ, nhưng trên thực tế việc cấm xe chưa được các chốt thực hiện đồng bộ nên dẫn đến tình trạng xe máy, xe đạp lọt vào khu vực hồ Hoàn Kiếm, phố Tạ Hiện, Mã Mây, Hàng Đào, Tràng Tiền… gây nguy hiểm cho người dân và du khách. Trong sơ đồ phố đi bộ mở rộng, Hàng Hành không thuộc tuyến phố cấm. Tuy nhiên, một số người dân ở phố Hàng Hành vẫn bị gây khó khăn mỗi lần ra vào.
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 12/9, ông Dương Đức Tuấn, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã nắm được thông tin các chốt an ninh còn để lọt xe đạp, xe máy hoạt động trong phố đi bộ. “Trong cuộc họp ban chỉ đạo diễn ra hôm nay (13/9), chúng tôi sẽ yêu cầu báo cáo rõ sự việc để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời”, ông Tuấn nói. Ông Tuấn cũng cho biết sẽ cho kiểm tra lại, đồng thời khẳng định phố Hàng Hành không thuộc phố đi bộ, người dân và phương tiện được phép ra vào bình thường.
Dân “vùng lõi” trăn trở bài toán kinh tế
Các hộ kinh doanh trong “vùng lõi” vẫn còn nhiều lo ngại khi nguồn thu bị sụt giảm đến 30 - 40%, do hai ngày cuối tuần thuận lợi nhất cho việc kinh doanh phải “nhường chỗ” cho phố đi bộ.
Anh Minh, chủ một cửa hiệu kinh doanh đồ điện tử trên phố Hàng Khay cho biết, giá tiền thuê một cửa hàng trên mặt phố này dao động từ 25 - 30 triệu đồng/tháng. Nếu duy trì phố đi bộ, mỗi tháng cửa hàng sẽ mất đi 8 ngày, mà lại toàn rơi vào những ngày thuận lợi cho việc kinh doanh. “Chúng tôi ủng hộ việc biến khu Hoàn Kiếm thành phố đi bộ phục vụ nhu cầu người dân, nhưng việc cấm đường chỉ nên thực hiện vào 3 buổi tối cuối tuần, để vừa đảm bảo đời sống kinh tế cho người dân, lại đỡ lãng phí nhân lực tham gia bảo vệ...”, anh Minh nói.
Để giải quyết khó khăn về kinh tế người dân đang đối mặt, UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị Sở Công Thương phối hợp với chính quyền quận gặp gỡ với chủ cửa hàng, cửa hiệu tại khu vực phố đi bộ để kêu gọi, vận động các cửa hàng, cửa hiệu tham gia vào hoạt động kinh doanh trong không gian đi bộ. Tuy nhiên, các cửa hàng, cửa hiệu phải chuyển đổi kinh doanh thế nào, Được phép tham gia kinh doanh những loại dịch vụ nào thì chưa được hướng dẫn rõ ràng cho
người dân.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, khi mở rộng phố đi bộ mở rộng ra đến 16 tuyến phố, chắc chắn việc kinh doanh của người dân vùng mở rộng sẽ gặp nhiều khó khăn, buộc thành phố và các đơn vị liên quan phải xem xét thật kỹ lưỡng. “Nếu du khách đến ít vào ban ngày, chúng ta cần xem xét có nên cấm đường cả ngày hay không? Mặt khác, chúng ta cần xem xét và sớm công khai hình thức chuyển đổi kinh doanh để không làm ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người dân...”, ông Liêm nói.