Sở bảo các cụ về ven hồ Văn ngồi, còn nhiều cụ vẫn thấy vỉa hè Quốc Tử Giám tiện hơn.
Nhưng từ quy định đến thực tế bao giờ cũng có khoảng cách. Bằng chứng là vỉa hè Hà Nội chưa bao giờ dành hẳn cho người đi bộ. Sinh hoạt trên vỉa hè đã được khái quát lên thành một thứ văn hóa, một thứ bản sắc ít ra cũng phát huy tác dụng trong du lịch.
Rồi không biết có lúc nào cái kiểu đuổi bắt “doanh nhân” vỉa hè cũng trở thành nét riêng hấp dẫn du khách?! Khi các cụ đồ bị đuổi, có nghĩa là các cụ cũng được liệt vào hạng “doanh nhân”, còn việc cho - xin chữ trở thành mua bán khi Sở ra quy định tấm giấy cỡ nào thì bao nhiêu tiền.
Nhân dịp Sở ra quy hoạch cho “chợ chữ” thì mới thấy đây quả là một thị trường sôi động. Không ít các ông đồ từ các tỉnh lân cận cũng đổ về Hà Nội trong những ngày tự dưng dân tình nổi hứng xin chữ. Vì thế mà các cụ phàn nàn khu vực ven hồ Văn không đủ sức chứa, hay các cụ không muốn mất 5 triệu?!
Mà hình như cũng phải có suất, chứ không phải cứ nộp tiền là có chỗ trong chợ ngay. Cách đây một vài năm, cũng chính trên vỉa hè Quốc Tử Giám, thành phố từng cho phép dựng phố ông đồ dưới hình thức dãy ki-ốt cũng giống như ở hồ Văn. Sau một năm thực hiện, đơn vị tổ chức không xin được tài trợ nên thôi.
Nói chung cái gì cứ dính đến tiền là sẽ phát sinh phức tạp. Nếu đúng thời thì các nhà nho cứ yên vị ở nhà, dân sẽ xếp hàng đến xin chữ. Còn từ lúc họ đã phải ra vỉa hè đến khi bị dẹp, có phải thời “mạt chữ” đã cận kề hay ông đồ thời nay đã khá xưa?
Còn nếu một ngày nào đó, Hà Nội thấy đây là một nét văn hóa hay ho đáng lưu lại, thì phải ra những quy định sát với tình hình hơn. Chứ hiện nay tìm trên mạng thấy những tít bài dạng như Phố Ông đồ Sài Gòn “rộn ràng sắc xuân” còn Hà Nội thì “cấm ông đồ cho chữ…” - thật là đối lập quá!