Những phân vân quanh dự án Sân bay Long Thành

TP - Trước việc báo cáo thẩm tra dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được trình ra Quốc hội (QH) thu hút sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu cũng như dư luận, Tiền Phong giới thiệu một vài ý kiến xung quanh vấn đề này.

Bộ GTVT và các nhà báo thị sát khu vực xây sân bay Long Thành . Ảnh: Sỹ Lực

29/100 sân bay đông khách nhất thế giới nằm trong thành phố Theo PGS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không trường Đại học Bách khoa TPHCM (học vị TS kỹ thuật hàng không Đại học Sydney năm 1974; thạc sĩ quản trị hành chánh công Đại học Harvard năm 1994), có ý kiến cho rằng trên thế giới không có sân bay nào quy mô trên 10 triệu khách nằm trong thành phố; máy bay lên xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) không đảm bảo an toàn là không có căn cứ.


Ông Tống dẫn chứng: Sân bay Schiphol có 52,5 triệu khách năm 2013 cách trung tâm thủ đô Amsterdam (Hà Lan) 9 km. Sân bay McCarran có 41,9 triệu khách chỉ cách trung tâm thành phố Las Vegas (Mỹ) 8 km. Sân bay Madrid có 39,7 triệu khách chỉ cách trung tâm thủ đô của Tây Ban Nha 9 km. Sân bay Kingsford Smith có 37,9 triệu khách cách trung tâm thành phố Sydney (Australia) 7 km.

Thậm chí, sân bay Logan có 30,2 triệu khách chỉ cách trung tâm thành phố Boston (Mỹ) 4,8 km.
“Có 29/100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 cách trung tâm thành phố 10 km trở xuống. Sân bay Tân Sơn Nhất cách trung tâm thành phố 6 km nên thuộc nhóm này.

Ở các nước tiên tiến, tiếng ồn được xử lý bằng cách hạn chế giờ bay vào đêm khuya. Tiến bộ khoa học kỹ thuật giảm được tiếng ồn của động cơ phản lực, ở khoảng cách 700 m chỉ bằng động cơ ô tô khoảng cách 10 m. Thực tế, hơn nửa thế kỷ qua những máy bay lớn hoạt động rất an toàn ở rất nhiều sân bay trong thành phố” - ông Tống nói.

Theo Bộ GTVT, vừa qua, để giải tỏa áp lực cho giao thông tiếp cận quanh sân bay, TPHCM đã mở rộng đường Cộng Hòa, Trường Chinh (tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng), nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Văn Trỗi – Nam Kỳ Khởi Nghĩa (gần 900 tỷ đồng)... Tuy nhiên, hệ thống giao thông tiếp cận sân bay TSN hiện nay rất khó khăn. 

Trước ý kiến đó, một số chuyên gia cho rằng trên các tuyến đường kết nối với sân bay TSN, mật độ lưu thông tuy có cao song là do tổ chức giao thông không hợp lý, nhiều công trình giao thông chưa phát huy hiệu quả.

Đơn cử như tuyến đường TSN - Bình Lợi - Vành đai ngoài (nay là đường Phạm Văn Đồng) kinh phí đầu tư gần 500 triệu USD, thông xe giai đoạn 1 vào tháng 9/2013 nhưng đến nay vẫn chưa kết nối với sân bay TSN vì đoạn từ nút giao thông Nguyễn Thái Sơn đến sân bay TSN dài hơn 1 km chưa thi công do vướng đền bù giải tỏa. Vì vậy, tuyến đường rộng đến 12 làn xe vẫn vắng hoe.

Số liệu và thực tế

Một trong các lý do quan trọng để triển khai dự án sân bay Long Thành là sân bay TSN sẽ bị quá tải, đạt công suất thiết kế 25 triệu khách/năm trước năm 2020. 

Cụ thể: Sản lượng hành khách qua sân bay TSN trong hai năm gần đây được công bố lần lượt là 17,538 triệu lượt khách trong năm 2012 và 20,035 triệu lượt khách (2013). Với tốc độ tăng trưởng hơn 10%/năm, cơ quan công bố số liệu này cho rằng, trong năm 2014 có thể đạt trên 22 triệu lượt khách và tình trạng quá tải sẽ đến sớm hơn dự báo từ 3-4 năm.

Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, có sự khác biệt rất lớn giữa con số này và thực tế. Ông Tống cho biết: “Trước những khác biệt này, tháng 11/2013, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã có văn bản đề nghị giải quyết kiến nghị của cử tri, mong muốn có một cơ quan thống kê độc lập tính toán hệ số tăng trưởng thật chính xác, nhằm tránh lãng phí lớn khi xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến niên giám thống kê năm 2013, Cục Thống kê TPHCM điều chỉnh lại số liệu các năm khớp với Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV)”.

Ông Tống còn cho biết thêm, số liệu ACV công bố cũng không khớp với Hiệp hội Cảng hàng không Quốc tế (Airports Council International). Cụ thể, theo ACV, trong năm 2011, sân bay TSN đạt sản lượng 16,699 triệu khách.

Thế nhưng, trong danh sách 100 sân bay đông khách nhất thế giới năm 2011 do Hiệp hội Cảng hàng không Quốc tế công bố lại không có tên sân bay TSN. Và, sân bay đứng thứ hạng 100 là Auckland (New Zealand) chỉ đạt 14 triệu khách (lấy số tròn).

Cân nhắc và rất thận trọng

Theo PGS.TSKH Nguyễn Thiện Tống, triển khai dự án sân bay Long Thành tại thời điểm này cần rất cân nhắc. Số liệu trong niên giám thống kê của Cục Thống kê TPHCM về sản lượng hàng không tại sân bay Tân Sơn Nhất từ năm 2005 đến 2012 thể hiện số chuyến bay, hành khách, hàng hóa quốc tế đều giảm qua từng năm. 

“Số hành khách quốc tế quá cảnh ở sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian qua rất ít. Nếu triển khai dự án quá sớm, sân bay Long Thành sẽ không có triển vọng trở thành cảng trung chuyển hàng đầu trong khu vực” - ông Tống băn khoăn.

Tại cuộc tọa đàm mới đây về sân bay Long Thành, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho biết cả nước hiện chỉ có ba sân bay hoạt động kinh doanh có lãi là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. 

Cuối năm 2013, ACV đã tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, mời gọi các hãng hàng không trong và ngoài nước mở đường bay đến 5 sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Phú Bài (Thừa Thiên - Huế), Liên Khương (Lâm Đồng), Cam Ranh (Khánh Hòa)… Theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), hai sân bay Cần Thơ và Phú Quốc đạt cấp 4E. Riêng sân bay Phú Bài đạt cấp 4C, còn sân bay Liên Khương đạt cấp 4D.   

Được đầu tư hiện đại nhằm phục vụ khách quốc tế song trên thực tế, cả 5 sân bay chủ yếu phục vụ các chuyến bay nội địa. Sân bay Cần Thơ có công suất thiết kế 3 triệu lượt khách/năm song sản lượng khai thác chỉ đạt khoảng 10%. Riêng sân bay Liên Khương đạt khoảng 400.000 lượt khách, trong khi công suất thiết kế 1,5-2 triệu lượt khách/ngày.

“Sau nhiều năm, đến nay, chưa có hãng hàng không nào mở đường bay quốc tế đến sân bay Cần Thơ, Liên Khương. Chúng ta có quyền xây dựng sân bay hoành tráng còn khách nước ngoài có ghé hay không là quyền của họ.

Sân bay Long Thành quy mô, hiện đại mới là điều kiện cần; chất lượng dịch vụ, sự hấp dẫn của điểm đến mới là điều kiện đủ. Mà điều này thì hai sân bay láng giềng là Suvarnabhumi (Thái Lan) và Changi (Singapore) đang bỏ xa chúng ta cả chục năm. Cần hết sức thận trọng khi quyết định đầu tư sân bay Long Thành để tránh rơi vào thực trạng như sân bay Cần Thơ và Liên Khương” - ông Lê Trọng Sành, nguyên trưởng phòng quản lý bay sân bay Tân Sơn Nhất bày tỏ.