Huỳnh Văn Nén và án oan kép- Kỳ IV:

Những người gây oan sai và những người giải oan

TP - Có những người chấp nhận sinh mạng chính trị bị ảnh hưởng để giải oan cho các bị can vụ án vườn điều, vụ án Huỳnh Văn Nén. Những người gây oan sai sẽ bị xử lý.

Người truyền lửa

Báo Tiền Phong số ra ngày 20/11 đăng bài “Người thầy góp phần cứu trò khỏi án oan”, viết về ông Nguyễn Thận, nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh (nay là thị trấn Tân Minh, tỉnh Bình Thuận) đã rất kiên trì, quyết liệt, vượt qua bệnh tật, tai nạn, chấp nhận bị ảnh hưởng cả sinh mạng chính trị để giải oan cho các bị can vụ án vườn điều và vụ án bà Lê Thị Bông (vụ án Huỳnh Văn Nén). Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận, vụ án vườn điều xảy ra do lá thư hẹn hò của nạn nhân Dương Thị Mỹ bị phát giác. Nhưng gặp tôi lần đầu tiên vào ngày 14/2/2000, ông Thận đã nêu nghi ngờ kết luận này, vì bà Mỹ không biết chữ. Ông còn nêu một nghi vấn về động cơ giết bà Mỹ, vì đêm bà Mỹ bị giết, đêm 18/5/1993 chính là đêm trước ngày TAND huyện Hàm Tân xử vụ ly hôn của vợ chồng bà Mỹ. Từ đó, tôi đã đến TAND huyện Hàm Tân đọc hồ sơ vụ ly hôn của bà Mỹ và có bằng chứng không thể phủ nhận, rằng bà Mỹ không hề biết chữ.

“Chúng tôi xin hứa sẽ sớm xem xét, kiểm điểm trách nhiệm của những cá nhân, tập thể đã để xảy ra việc khởi tố, điều tra, truy tố, kết án oan đối với ông Huỳnh Văn Nén theo đúng quy định của pháp luật”.

Trích từ bản xin lỗi ông

Huỳnh Văn Nén 

của các cơ quan tố tụng 

tỉnh Bình Thuận

Tháng 4/2002, sau khi nữ luật sư (LS) Phạm Thị Kim Anh không thể tiếp tục bào chữa cho các bị cáo vụ án vườn điều, dù đang gặp rất nhiều khó khăn, phiền nhiễu, ông Thận vẫn tìm cách thuyết phục được LS Phạm Hồng Hải và LS Trần Vũ Hải ở Hà Nội bào chữa miễn phí cho họ. Từ 2006 đến năm 2013, sau khi vụ án vườn điều được khẳng định là án oan, ông Nguyễn Thận đã nhiều lần cùng cụ Huỳnh Văn Truyện, cha ông Nén và anh Huỳnh Trung Nghĩa, anh rể ông Nén, mang đơn kêu oan, kiến nghị xem xét lại vụ Huỳnh Văn Nén ra Hà Nội, gửi các cấp có thẩm quyền ở Trung ương. Dù các kiến nghị, đơn kêu oan bị bỏ qua, ông Nguyễn Thận vẫn động viên cụ Truyện kiên trì kêu oan bằng những biện pháp chính đáng.

  Nói không hề quá, ông Thận chính là người truyền lửa và giữ lửa cho chúng tôi, để không thoái chí, nản lòng trên con đường dằng dặc tìm công lý cho những người dân khốn khổ. 

Cuộc marathon tiếp sức của nhiều luật sư

Sinh năm 1974, LS Nguyễn Hồng Hà (nay là Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa) nhận lời bào chữa cho các bị can vụ án vườn điều khi mới 26 tuổi. Trong số 10 bị can tại vụ án này, anh Trần Thanh Vân bị bắt giam về tội “giết người”, dù năm 1993 khi xảy ra vụ án vườn điều, anh chưa đủ 14 tuổi chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. LS Hà đã phát hiện việc khởi tố, bắt giam anh Vân là trái pháp luật, làm văn bản kiến nghị Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Bình Thuận phải đình chỉ điều tra bị can, trả tự do cho anh Vân. LS Hà cũng nêu nghi vấn về sự khuất tất trong việc Viện KSND tỉnh Bình Thuận rút hồ sơ đã chuyển sang TAND tỉnh Bình Thuận, để làm lại cáo trạng vụ án vườn điều. Ngày 20/10/2000, LS Hà có văn bản kiến nghị Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm bản án vụ Huỳnh Văn Nén, để tránh gây oan sai và bỏ lọt tội phạm. 

Ông Nguyễn Thận (phải) tại buổi giao lưu “Huỳnh Văn Nén - Hành trình giải oan xuyên thế kỷ” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 2/12. Ảnh: N.Đ.Q

Giai đoạn xét xử phúc thẩm (lần 1 và 2) vụ án vườn điều, người bào chữa cho các bị can là nữ LS Phạm Thị Kim Anh - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương. LS Anh đã vạch ra nhiều mâu thuẫn đến mức phi lý, “không thể chấp nhận được về mặt khoa học hình sự” trong việc kết tội các bị can. Hội đồng xét xử phúc thẩm (lần 2) vụ án vườn điều đã tuyên hủy bản án sơ thẩm (lần 1) ngày 7/3/2001 của TAND tỉnh Bình Thuận, để điều tra lại từ đầu. LS Anh cũng đã kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén, vì có dấu hiệu oan sai. Giai đoạn xét xử sơ thẩm (lần 2) và phúc thẩm (lần 3) vụ án vườn điều, LS Anh không thể tiếp tục bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, vì lý do đặc biệt. Thay thế LS Anh là các LS Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường - Đoàn Luật sư Hà Nội. Đây là giai đoạn có những cuộc tranh tụng nảy lửa giữa các đại diện VKSND giữ quyền công tố tại tòa và các LS. Ngày 11/3/2005, Tòa Phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm (lần 2), giao toàn bộ hồ sơ cho cấp sơ thẩm điều tra lại từ đầu, kiến nghị Cơ quan điều tra Bộ Công An thụ lý điều tra. Ngày 26/12/2005, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an ra các quyết định đình chỉ điều tra đối với các bị can trong vụ án vườn điều. Ngay sau đó, các LS kể trên cùng ông Thận, cụ Truyện và một số nhà báo khởi động việc minh oan cho ông Nén. Tuy nhiên, các nỗ lực của họ chìm trong sự im lặng đáng sợ. 

Tháng 11/2013, cụ Truyện cùng ông Thận ra Hà Nội đưa đơn kiến nghị xem xét lại vụ án Huỳnh Văn Nén đến các cơ quan Trung ương. Các LS Phạm Hồng Hải, Trần Vũ Hải… lại tiếp sức cho họ bằng các hoạt động kêu gọi đại biểu Quốc hội, báo chí và dư luận xã hội quan tâm vụ án. Sáng 3/12/2015, ngay sau buổi xin lỗi công khai của ba cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đối với ông Nén, các LS Trần Vũ Hải, Bùi Đức Trường, Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Văn Quynh, Trần Văn Đạt đã cùng bàn những bước tiếp theo để bảo đảm quyền lợi cho ông Nén và đòi hỏi xử lý nghiêm những người gây nên oan sai.

Những người gây oan sai

Ông Nén và những người bị oan sai trong vụ án vườn điều đã có đơn tố cáo, yêu cầu các cơ quan pháp luật xử lý nghiêm khắc, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự những người đã gây oan sai cho họ.

Luật sư Phạm Thị Kim Anh được những người dự phiên tòa phúc thẩm (lần 1) vụ án vườn điều vỗ tay hoan hô. Ảnh: Đặng Ngọc Khoa

Nguyên đại úy Cao Văn Hùng, điều tra viên chính vụ án Huỳnh Văn Nén và vụ án vườn điều, từng được khen thưởng do thành tích trong hai vụ án này. Khi vụ án vườn điều xảy ra (19/5/1993), anh Trần Thanh Vân chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nhưng ông Hùng vẫn bắt giam Vân, khiến anh bị giam trái pháp luật 287 ngày. Ông Hùng cũng bỏ ngoài hồ sơ lời khai của nhiều nhân chứng về sự ngoại phạm của các bị can Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Sáng. Năm 2002, ông Cao Văn Hùng được giao thụ lý vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, bị một phụ nữ dụ dỗ tiết lộ thông tin, giúp cho bị can Võ Ngọc Phương bỏ trốn khỏi nơi cư trú khi có lệnh bắt. Bị loại khỏi ngành Công an, ông Hùng làm nhân viên Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận). Năm 2014, ông Hùng xin gia nhập Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận, nhưng không được. Ông Hùng lại xin vào Đoàn Luật sư Hà Nội, cũng bị phản ứng quyết liệt. Sau đó, ông Hùng được kết nạp vào Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa - quê của ông. Theo những người bị oan, ông Hùng có dấu hiệu phạm 3 tội hình sự, gồm “làm sai lệch hồ sơ vụ án”, “truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thượng tá Đinh Kỳ Đáp từng là Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận, trưởng ban chuyên án vụ bà Lê Thị Bông và vụ án vườn điều. Cuối năm 2006, ông Đáp bị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Bình Thuận cảnh cáo về mặt Đảng do đã thiếu kiểm tra, đôn đốc trong quá trình chỉ đạo điều tra về hoạt động của băng nhóm tội phạm Hai Chi ở huyện Hàm Tân. Sau đó, ông Đáp phải nghỉ hưu trước niên hạn. Trong số các sĩ quan công an bị tố cáo và bị đề nghị xử lý, có cả đại tá Nguyễn Kiến Quốc - nguyên Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh.

Ông Trần Thanh Hải và bà Nguyễn Thị Hồng Dung, đều là Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Thuận, đã ký hai cáo trạng khác nhau về vụ án vườn điều, cùng mang số 67/KSĐT.TA. Sau này, ông Hải bị khai trừ Đảng, đình chỉ công tác và cách chức Phó Viện trưởng Viện KSND Bình Thuận do có liên quan băng nhóm xã hội đen Hai Chi, không chỉ đạo điều tra xử lý đến nơi đến chốn nhiều vụ án liên quan băng nhóm này và nhận 4.000 USD của Phan Đình Hiển - Phó Giám đốc Xí nghiệp Sa khoáng Hàm Tân thuộc Cty Phát triển khoáng sản 6. Các thẩm phán Nguyễn Ngọc Quang và Trần Thị Ánh Tuyết - những người kết án oan các bị can vụ án vườn điều nay là Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận và Chánh tòa Hình sự, TAND tỉnh Bình Thuận.