Cuối năm luôn là thời điểm để teen có thêm thu nhập thông qua những công việc parttime. Tuy nhiên, nhiều nơi làm ăn bất chính đã lợi dụng việc này để lừa gạt teen. Chỉ cần để ý những chiêu lừa thường được nhiều chủ làm ăn áp dụng sau đây, teen sẽ có thể thoát bẫy và rủng rỉnh hầu bao du xuân.
Bẫy hợp đồng lao động
Khi tìm công việc làm thêm Tết, không ít teen sập bẫy vì quê đề nghị được ký hợp đồng để tránh bị bóc lột không công, phòng khi những lúc “lời nói gió bay”. Việc làm Tết thường là những công việc ngắn ngày (kéo dài chừng 1 tháng) nên teen thường sẽ ký “Hợp đồng thời vụ” . Khi ký kết, đa số các teen đều có thói quen là chỉ đọc quyền lợi mà bỏ qua những điều khoản khác, đến khi xảy ra tranh chấp thì người thiệt thòi bao giờ cũng là bạn.
Việc đọc thật kỹ những điều khoản mà nhà hợp đồng ghi để bảo vệ quyền lợi của mình luôn là điều cần thiết. Hồng Nhung, một teen lớp 12 ở quận 3 chia sẻ, từng mắc bẫy khi không để ý hợp đồng ''có thời hạn'' song lại không ghi rõ trong bao lâu. Dịp Tết 2013, sau 10 ngày làm thêm ở một quán nước, Nhung đã bị chủ quán bắt chẹt, phải đền bù vì nghỉ ngang, dù trước đó có thỏa thuận về thời gian làm việc.
Nếu loại hợp đồng nhận được ghi rằng “Hợp đồng có thời hạn” mà không nói rõ trong bao lâu, teen nên đề nghị sửa lại tên cho đúng hoặc ghi rõ thời gian làm việc. Nếu không, dù trên thực tế là thời hạn làm Tết đã hết, nhưng về mặt pháp lý với “Hợp đồng có thời hạn” là vẫn còn hiệu lực (từ 12 tháng đến 36 tháng). Khi đó, teen có nguy cơ bị đền tiền oan uổng bởi những doanh nghiệp xấu tính.
Bẫy thời gian làm việc
Khi đã xem kỹ loại hợp đồng mà nhà tuyển dụng đưa ra, teen cần thoả thuận kỹ lưỡng về thời gian làm việc mỗi ngày, chẳng hạn ca làm việc của mình bắt đầu và kết thúc lúc mấy giờ… Với loại “Hợp đồng mùa vụ”, người lao động không cần phải thử việc. Do vậy, teen nên cẩn thận ở những nơi yêu cầu “Phải thử việc 1-2 ngày rồi xem xét”, họ luôn đề nghị như vậy để sau đó không nhận bạn với lý do “Em làm việc không đạt” rồi tuyển người khác vào nhằm tiết kiệm chi phí. Và rồi, “chiêu trò” ấy được lặp lại với những teen đến sau...
Bẫy tiền lương
Trước khi chọn chỗ để làm Tết, teen cần tìm hiểu mức lương thông thường của nhân viên ở đấy là bao nhiêu để tránh bị trả lương quá thấp.
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, Luật lao động hiện nay quy định mức thu nhập dành cho người lao động làm thêm giờ vào các ngày trong tuần là gấp đôi, còn với những ngày lễ tết là gấp ba lần so với tiền lương bình thường. Ngoài ra, nếu làm thêm giờ vào ban đêm teen nên hỏi kỹ về cách tính thu nhập tăng thêm như thế nào và thời điểm nhận lương. Uyên Phạm, một teen trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, Hóc Môn từng mắc phải bẫy tính tiền lương nhập nhằng, khiến cô bạn phải làm mệt nhoài rồi đến Tết không nhận được đồng nào với lý do: ''Qua tết công ty mới quyết toán''.
Bẫy công việc 'nhạy cảm'
Khi ký kết hợp đồng, teen nên đọc kỹ phần mô tả công việc bạn sẽ làm. Một số nơi đăng tin tuyển dụng là một kiểu, nhưng lợi dụng sự ham kiếm tiền của teen vào mùa Tết mà thêm vào những công việc quá sức, đôi khi rất nhạy cảm như tiếp thị bia phải uống bia, làm PG về rượu thì phải ăn mặc kiểu vũ trường…
Nếu không để ý kỹ, khi lỡ “sa bút” vào ký rồi, teen chỉ có nước phải làm theo nếu không muốn mất lương. Thậm chí, một số nơi làm ăn không minh bạch sẽ bắt bạn phải đền hợp đồng vì không tuân thủ nội quy. Lúc này , teen sẽ dở khóc dở cười và chẳng biết trách ai khi chính mình à người tự nguyện ký.
Bẫy 'miễn trừ'
“Miễn trừ” là những điều khoản mà khi nhà tuyển dụng vi phạm hợp đồng thì không bị xem là có lỗi. Vì thế, nhiều thường lợi dụng điều này để thêm vào những quy định có lợi cho họ nhưng bất lợi cho teen. Trong khi đó, đa số teen đi làm lần đầu đều quan tâm đến quyền lợi của mình mà quên đọc hết những điều khoản còn lại. Ví dụ, chỉ cần trong điều khoản miễn trừ có ghi "Chấp nhận làm thêm ngoài giờ", teen sẽ rơi vào bẫy phải làm tất bật theo yêu cầu mà chẳng hề nhận được thêm một xu nào.
Thông thường, điều khoản miễn trừ sẽ được đặt ở cuối hoặc ghi bằng chữ rất nhỏ để bạn bỏ qua. Song, đây lại là điều hết sức quan trọng ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn. Nếu đọc mà cảm thấy điều gì gây bất lợi, hãy mạnh dạn đề nghị chỉnh sửa để tránh rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi chủ hợp đồng có lỗi mà không phải chịu trách nhiệm gì đối với bạn.
Làm Tết có thu nhập và kinh nghiệm ai mà chẳng thích, nhưng nếu làm mà bị bóc lột sức lao động thì có đáng không? Chỉ cần để ý kỹ hợp đồng, am hiểu vài điều khoản và mạnh dạn đấu tranh vì quyền lợi của mình, teen sẽ tránh được những “chiếc bẫy” mà những người làm ăn bất chính đặt ra.