Chuyến xe anh Minh
“Mình nhận vận chuyển hàng miễn phí từ nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế... và tất cả liên quan đến hàng hóa cho chiến dịch chống dịch. Phạm vi hoạt động tại TPHCM và những tỉnh lân cận. Ai cần cứ nhắn Facebook, mình sẽ phản hồi rất nhanh” - anh Phạm Văn Minh (36 tuổi, ngụ quận Bình Chánh) đăng dòng thông tin trên trang cá nhân của mình.
Chỉ trong thời gian ngắn, vô số phản hồi nhờ gửi hàng được gửi đến anh Minh. Đó là hàng trăm tấn chuối của người dân Đồng Nai, hàng chục tấn gạo của người dân Đồng Tháp, Tiền Giang, hàng chục tấn khoai lang, thanh long từ Vĩnh Long, Bình Thuận và rất nhiều hàng hóa khắp nơi về Sài Gòn đã được chuyến xe của anh Minh chuyên chở.
Anh Phạm Văn Minh là gương mặt quen thuộc trong cộng đồng startup với Công ty vận chuyển Vietnam Moving. Kể về cơ duyên trở thành “người vận chuyển 0 đồng”, anh bảo, có lẽ bắt nguồn từ những lần chở hàng cứu trợ từ đợt lũ miền Trung hồi tháng 10/2020, mình đã được gặp gỡ nhiều người cùng chí hướng từ thiện.
Trong đợt dịch COVID-19 lần này, nhiều người quen liên hệ nhờ anh chở hàng ủng hộ Thành phố chống dịch. Anh Minh đã không chút đắn đo, làm cầu nối vận chuyển hàng từ thiện miễn phí cho người dân. “Thấy bà con gom góp tiền, rau củ quả tặng người khó khăn nhưng không tìm được người vận chuyển, tôi nghĩ tại sao mình không làm “cầu nối” cho bà con? Đây cũng là nghề của tôi, tôi làm được nên nhảy vô lo luôn khâu vận chuyển cho bà con yên tâm. Thay vì đóng góp bằng tiền mặt tôi đóng góp bằng công sức của mình", anh Minh chia sẻ.
Hàng hóa từ các nơi được anh Minh tập kết về nhà tại Bình Chánh. Sau đó anh liên hệ các nhóm thiện nguyện, Hội Chữ thập đỏ quận, Đoàn thanh niên… để xin địa chỉ phân phát hàng. Không chỉ chở chuối từ Đồng Nai tiếp sức cho các quận huyện của TPHCM, anh Minh còn có các chuyến xe 0 đồng chở gạo từ Vũng Tàu lên TPHCM, chở hàng hóa tới ký túc xá Đại học quốc gia TPHCM. Không chỉ vậy, các bạn tài xế, phụ tài của anh cũng xắn tay áo vào bốc xếp tất cả lô hàng mà không một lời thở than.
Anh Minh cho rằng việc làm của mình không có gì lớn lao. “Thời gian này, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đội xe của chúng tôi cũng rảnh rỗi hơn. Do đó, bạn nào liên hệ, chúng tôi đều chở hết khả năng. Lúc này, mỗi người chỉ cần chung tay góp một chút thôi vào công cuộc chống dịch là Thành phố sẽ sớm bình yên, khi đó nhịp sống bình thường mới sẽ trở lại. Có tiền mình góp tiền, có công góp công, có ý thức, góp ý thức... Còn khả năng, mình còn làm được thì mình sẽ làm. Tôi thấy nhiều người làm được cho cộng đồng nhiều hơn, tôi chưa là gì”, chàng trai 8X với những chuyến xe chở hàng miễn phí thổ lộ.
“Thấy bà con gom góp tiền, rau củ quả tặng người khó khăn nhưng không tìm được người vận chuyển, tôi nghĩ tại sao mình không làm “cầu nối” cho bà con? Đây cũng là nghề của tôi, tôi làm được nên nhảy vô lo luôn khâu vận chuyển cho bà con yên tâm. Thay vì đóng góp bằng tiền mặt tôi đóng góp bằng công sức của mình".Anh Phạm Văn Minh
Cứ thế, những chuyến xe chở yêu thương của người dân từ khắp các vùng miền đi Sài Gòn nối dài mãi với niềm hy vọng giúp đỡ người dân TPHCM sớm vượt qua khó khăn vì dịch bệnh...
Xin người có, tặng người cần
“Cám ơn em T.N đã tặng 300 kg gạo”, “Mình đã nhận được các loại rau củ từ nhóm bạn tại Đà Lạt, mình sẽ gửi đến bà con ở Sài Gòn sớm nhất”… là những lời tri ân anh Trần Thiện Phương (ngụ Q.1, TPHCM) chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Đi kèm với đó là hàng tấn nhu yếu phẩm từ gạo, mì, trứng, rau củ “cập bến” Sài Gòn và được chuyển đến người dân ở các khu cách ly, phong tỏa, người có hoàn cảnh khó khăn.
Dù việc kinh doanh gặp khó khăn do dịch, nhưng anh Phương sẵn sàng chung tay lo cho người khó khăn hơn. Anh cho hay, ngày dịch anh tất bật hơn ngày thường, bởi anh vừa tiếp nhận hàng hóa, vận chuyển, vừa liên hệ với các đơn vị để gửi quà cho người dân. Cả ngày, có khi anh chỉ kịp ăn vội tô mì rồi lao vào việc. “Tôi may mắn có nhiều bạn bè giúp đỡ, vận chuyển hàng miễn phí. Mỗi khi được thông báo có những nhóm, hội gửi quà cho bà con Sài Gòn, tôi mừng rơi nước mắt. Có thêm nhiều người chung tay thì càng nhiều hoàn cảnh khó khăn ở Sài Gòn được nâng đỡ” - anh Phương bộc bạch.
“COVID-19 là đại dịch, nỗi lo không của riêng ai nhưng nó cũng là phép thử của lòng tốt, của trách nhiệm, của tinh thần vì cộng đồng. Dù ít dù nhiều, mỗi một đồng tiền, mỗi hiện vật đóng góp trong giai đoạn này đều quý báu, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Nó không chỉ giảm áp lực và chia sẻ với ngân sách nhà nước mà còn tạo nên sức mạnh vật chất, tinh thần để cùng nhau vượt qua đại dịch”
Bà Tô Thị Bích Châu
Trong khi đó, anh Châu Thành Toàn - y tá tại P. Đa Kao, Q.1 (TPHCM), Trưởng nhóm tình nguyện SV 07 dù tất bận với công việc hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19, nhưng rảnh một chút là anh lại liên hệ với các nơi xin quà cho người nghèo.
“Tôi thấy các cô chú bán vé số bị khuyết tật mà thương quá, nên đã liên hệ với các Mạnh thường quân để xin 200 phần quà. Trong đó bao gồm cả tiền mặt và nhiều nhu yếu phẩm. Hy vọng “của ít lòng nhiều” nhưng có thể giúp cô chú có thêm động lực vượt qua lúc khó khăn này” - anh Toàn chia sẻ.
Dù mỗi người có cách làm khác nhau, nhưng tựu chung đều cho rằng việc làm của mình không đáng là bao, mong mỏi lớn nhất của họ chính là được góp sức cùng Thành phố phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả, đẩy lùi dịch bệnh, đem lại cuộc sống “bình thường mới. “Để giúp những người nghèo vơi đi nỗi nhọc nhằn, vất vả trong mùa dịch, tôi liên hệ với các phường có nhiều người dân gặp hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ nhu yếu phẩm. Giúp người khác cũng chính là giúp chính mình. Tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều người chung tay, chung sức đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất” - anh Trần Thiện Phương chia sẻ.
Theo bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, dịch bệnh đang tiếp tục diễn biến phức tạp nên việc nhân rộng các mô hình, phong trào thiện nguyện trong cộng đồng sẽ tiếp tục được khuyến khích, đẩy mạnh. Sự sẻ chia, đùm bọc lẫn nhau để cùng vượt qua khó khăn là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Bà Châu cho biết, trong thời gian Thành phố thực hiện giãn cách xã hội, đã có hơn 100 mô hình, hoạt động từ thiện hỗ trợ người dân tại các khu cách ly, phong tỏa như: mô hình gian hàng 0 đồng, ATM gạo, siêu thị nghĩa tình, bếp cơm 0 đồng... Để người dân không phải xếp hàng chờ lâu, bảo đảm giãn cách, nhiều đơn vị đã chuyển đổi thành “Chuyến xe nghĩa tình”, “Đi chợ giúp dân” để mang thực phẩm đến tận nhà dân.