Rằng qua lận đận mới thấu tận lòng nhau

Nghĩa tình ở phiên chợ '0 đồng'

0:00 / 0:00
0:00
Những mô hình phiên chợ, gian hàng “0 đồng” đang được mở rộng khắp tại nhiều địa điểm ở Sài Gòn
Những mô hình phiên chợ, gian hàng “0 đồng” đang được mở rộng khắp tại nhiều địa điểm ở Sài Gòn
TP - Sài Gòn dù là đang oằn mình chống dịch, mọi thứ đều thiếu thốn nhưng mảnh đất ân tình ấy vẫn dang tay giúp đỡ những người yếu thế, khốn khó. Nhiều phiên chợ “0 đồng” mọc lên để mọi người tựa vào nhau qua thời khắc khó khăn nhất.

Phí thanh toán là nụ cười

Chọn 10 kg gạo, 2 vỉ trứng, thùng mì gói, hộp sữa, bịch đường và các loại rau củ, trái cây cho vào giỏ, bà Thu (58 tuổi, bán trái cây dạo) không thể tin được có ngày mình mua nhiều mặt hàng mà không nhìn giá như vậy.

“Tôi bán hàng vỉa hè, thu nhập ba cọc ba đồng, dè sẻn lắm mới đủ tiền thuê trọ, nuôi 2 đứa cháu ngoại. Chồng bệnh nặng, các con làm công nhân nhưng thất nghiệp từ đầu năm qua do công ty khó khăn, mình tôi gồng gánh 6 miệng ăn. Mua sắm ở cửa hàng với tôi là điều không tưởng. Vậy mà ngay trong mùa dịch này, tôi đã được đi chọn hàng siêu thị mà không phải đắn đo giá cả” - bà Thu rớm nước mắt, nói.

Nghĩa tình ở phiên chợ '0 đồng' ảnh 1

Người nghèo cảm thấy ấm lòng khi đến mua sắm miễn phí tại các phiên chợ

Bà Thu là một trong hàng chục người khó khăn đến mua sắm tại siêu thị mini “0 đồng” đặt tại số 20 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh, TPHCM (trụ sở Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh) sáng ngày 12/7. Phiên chợ được mở ra từ những tấm lòng hào hiệp, muốn giúp người có hoàn cảnh khó khăn yên tâm hơn trong cơn bão dịch.

Ông Nguyễn Văn Mai (gần 70 tuổi) cầm 2 lá phiếu, mỗi phiếu trị giá 200.000 đồng mà cứ đắn đo mãi, chưa biết chọn mua gì. Ông Mai chỉ có một mình, hàng ngày đi nhặt ve chai kiếm sống. Dịch bệnh này thật sự là cơn đại họa cho những người nghèo như ông. Dẫu trong hoàn cảnh “thiếu trước hụt sau”, nhưng ông chia sẻ bớt một phiếu cho người khác. “Tôi côi cút, ăn uống không bao nhiêu nên chia bớt cho người cần hơn” - ông Mai trải lòng.

Các bạn trẻ là tình nguyện viên tại siêu thị “0 đồng” gần như quen mặt hết những người như ông Mai, bà Hải. Không chỉ giúp lấy thực phẩm, họ còn nhắn nhủ: “Cô chú hôm nay nấu bí hay cải? Khi nào cô chú xài hết thì quay lại đây con đưa thêm...”.

Ông Nguyễn Tiến Danh - Chủ tịch hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng cho biết, phiên chợ “0 đồng” ở quận 4 nhằm san sẻ với những người lao động khó khăn trên địa bàn phường 13, các phường lân cận và cả những người dân vãng lai. Người được tặng số thực phẩm đủ dùng trong 2 ngày cho một gia đình từ 3-5 người. Thực phẩm mỗi ngày đều thay đổi đa dạng để phục vụ bà con. Hiện có rất nhiều người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống. Chúng tôi mong muốn là điểm kết nối giữa các mạnh thường quân để người dân thành phố vượt qua đại dịch” - ông Danh chia sẻ.

Phiên chợ “0 đồng” ở góc đường Lê Văn Linh (Q.4, TPHCM) Hội tình nguyện Chung tay vì cộng đồng phối hợp cùng UBND P.13, Q.4 tổ chức. Từng quầy hàng đầy ắp các loại rau củ quả xanh mướt được bày trước chợ, phía sau là các kệ hàng với rất nhiều bao gạo, nước mắm, dầu ăn, vỉ trứng, bịch đường cát… được phân chia và sắp xếp ngăn nắp. Người đến chợ đa phần là bà con lao động khó khăn bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Họ cầm trên tay những tấm phiếu được phát từ trước, rảo qua gian hàng và lựa chọn theo ý. Chọn xong, người đến chợ được tặng thêm 3 kg gạo, 5 quả trứng, nước mắm và dầu ăn mỗi loại 1 chai, thêm nửa kg đường cát. Phí thanh toán chính là nụ cười, những lời cảm ơn vội để tới lượt người sau.

Cũng như bao phiên chợ 0 đồng khác, phiên chợ chung tay vì cộng đồng tại góc công viên trên đường Hồng Bàng (Q.6, TPHCM), người đến mua hàng không cần mang theo tiền, mà trả bằng lời cảm ơn, nụ cười hạnh phúc. “Nhiều lao động nghèo trong xóm tôi không thể đi làm vì dịch bệnh, rất may chúng tôi đã được nhiều đơn vị quan tâm, hỗ trợ trong lúc khó khăn này” - bà Lê Thị Thanh (70 tuổi, quê Nghệ An) xúc động nói.

Dù được mở ra ở đâu, do đơn vị nào tổ chức thì điểm chung của các phiên chợ đều nhằm giúp san sẻ những khó khăn, nỗi lo về cơm áo mỗi ngày cho người dân trong hoàn cảnh dịch bệnh, thất nghiệp. Bất kể ai cũng có thể đến lấy, từ cụ già, đến người bán vé số, bác xe ôm, hay người lao động vãng lai bị mất việc...

Mỗi người chung một tay

“Siêu thị mini 0 đồng” cung cấp hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, vật tư y tế... cho người dân khó khăn như: đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, cháo gói, mì tôm… Ngoài ra, siêu thị này còn có các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả và nhiều mặt hàng nông sản đang được TPHCM kêu gọi hỗ trợ các tỉnh tiêu thụ như khoai lang, vải thiều, hành tím… Để đảm bảo công tác phòng dịch, mỗi người đến đây mua hàng sẽ luân phiên vào các khung giờ khác nhau trong các ngày siêu thị mở cửa.

Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội nữ doanh nhân TPHCM (Hawee), đại diện ban tổ chức “Siêu thị mini 0 đồng” cho biết: “Đây là một hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Vòng tay Việt” đang được các đơn vị, doanh nghiệp chung tay triển khai trên địa bàn. Tất cả các mặt hàng nhu yếu phẩm được ban tổ chức đem đến siêu thị đều đã có chọn lọc chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại siêu thị, hàng hóa cũng được đảm bảo dồi dào mỗi ngày, đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thiết yếu cho người dân địa phương. Ngoài ra, người dân có hoàn cảnh khó khăn khi đến nhận hàng tại siêu thị phải giữ khoảng cách, tuân thủ 5K để đảm bảo ai cũng được an toàn trong mùa dịch. Hiện có 10 siêu thị như thế này được mở trên địa bàn thành phố” - bà Dung nói.

Trong khi đó, “Gian hàng 0 đồng” cũng kịp thời hình thành, hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 350 hộ dân đang gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân (TPHCM). Ông Vũ Chí Kiên - Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều hộ dân gặp khó khăn khi bị cách ly, phong tỏa. Để kịp thời hỗ trợ người dân trên địa bàn, UBND quận cùng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức “Gian hàng 0 đồng” cung cấp các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu và các sản phẩm đồ dùng gia đình như nước giặt, dầu gội…

“Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, chúng tôi tin rằng hoạt động ý nghĩa từ mô hình “Gian hàng 0 đồng” sẽ giúp hỗ trợ cho nhiều người dân khó khăn trên địa bàn và người dân trong khu vực phong tỏa. Động thái này đã kịp thời động viên bà con cố gắng vượt qua dịch bệnh. Hy vọng sắp tới, các hoạt động này sẽ càng được nhân rộng nhiều hơn trên địa bàn thành phố - ông Kiên nói.

(còn nữa)

U.P

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.