Nhiều bộ, ngành chồng chéo chức năng, nhiệm vụ

TP - “Vấn đề lớn nhất đang đặt ra hiện nay là sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, chứ không hẳn là số lượng của các bộ. Vậy điều quan trọng là cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ để có được sự phân công, phân nhiệm thật rõ ràng, minh bạch”, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trò chuyện với Tiền Phong về bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới.
Bộ máy Chính phủ hiện nay gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 5 Phó Thủ tướng và 22 bộ trưởng, trưởng ngành. Ảnh: Như Ý

Thời gian qua, có những ý kiến đề cập tới việc hợp nhất, sáp nhập các bộ có cùng chức năng, nhiệm vụ tương đồng, như sáp nhập hai Bộ Tài chính với Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Giao thông Vận tải với Xây dựng… Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Chức năng, nhiệm vụ của các Bộ Tài chính với Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông Vận tải có những điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt. Nếu hợp nhất lại, số lượng các bộ sẽ giảm, nhưng chức năng, nhiệm vụ của các bộ mới sẽ tăng và tăng rất lớn.

Trong mô hình thể chế nước ta, các bộ trưởng không chỉ làm chính sách mà còn phải quản lý toàn bộ lĩnh vực chính sách của mình. Chúng ta quan niệm bộ trưởng là “tư lệnh ngành”. Ngành quá lớn thì tư lệnh sẽ rất khó điều binh, khiển tướng. Vấn đề không chỉ là năng lực, mà còn là thời gian thực tế để điều hành công việc. Đã là bộ trưởng thì còn là thành viên Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, không ít vị còn là đại biểu Quốc hội… Trong lúc đó ai cũng chỉ có mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ để sống và làm việc.

Ở các nước phương Tây như Anh, Mỹ… số lượng các bộ thường ít hơn, nhưng mô hình của họ lại có những điểm khác biệt. Tôi ví dụ, Mỹ chỉ có 15 bộ, nhưng các bộ trưởng không phải “tư lệnh ngành”. Họ chỉ chịu trách nhiệm về việc hoạch định chính sách và giám sát việc thực thi chính sách. Việc quản lý và thực thi chính sách do các cơ quan hành chính - công vụ đảm nhận. Các cơ quan này có vị thế khá độc lập và được gọi là các cơ quan quyền lực công. Bộ trưởng, thậm chí Tổng thống cũng không có quyền ra lệnh trực tiếp cho các cơ quan này phải thực thi chính sách, pháp luật như thế nào.

TS Nguyễn Sĩ Dũng

Chính vì thế, nếu mô thức quản trị không thay đổi, sáp nhập các bộ lại với nhau sẽ rất khó khăn, và nhiều khi tổng lợi ích chưa chắc đã là số dương. Điều hợp lý hơn là nên điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ để tránh trùng lặp.

Ví dụ, chức năng phân bổ ngân sách cho đầu tư công nên chuyển từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư sang cho Bộ Tài chính. Trong lúc đó, chuyển chức năng thống kê, chức năng hoạch định chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài sang cho Bộ Tài chính lại không hợp lý. Hay chức năng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, có thể chuyển từ Bộ Giao thông Vận tải cho Bộ Xây dựng. Trong lúc đó chức năng quản lý bay chẳng hạn, nếu chuyển sang cho Bộ Xây dựng lại cũng không hợp lý.

Về cấp phó, cũng có ý kiến cho rằng, bộ máy Chính phủ mới chỉ nên duy trì 4 Phó Thủ tướng thay vì 5 như lâu nay. Ông nhìn nhận đánh giá gì về đề xuất này?

Như đã nói ở trên, mô thức quản trị ở ta có những điểm khác với các nước, thế nên Chính phủ có đến 4 - 5 Phó Thủ tướng cũng là cần thiết. Cứ đọc bản phân công nhiệm vụ giữa Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, chúng ta sẽ thấy công việc của Chính phủ nhiều như núi.

Nếu nhiệm kỳ tới giảm bớt một Phó Thủ tướng, thì công việc mà Thủ tướng và các Phó Thủ tướng còn lại phải đảm nhiệm sẽ tăng lên. Sự lựa chọn nên là quyền của Thủ tướng. Với sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và mạch lạc như Thủ tướng đã đề ra, thì việc cắt giảm bớt một Phó Thủ tướng chắc sẽ không ảnh hưởng tới công việc của Chính phủ.

Điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ

Ông có thể so sánh bộ máy Chính phủ của nước ta với các nước có mô hình quản trị tương đồng?

Như đã nói, mô thức quản trị quốc gia của nước ta khác với các nước phát triển trên thế giới nên về cơ bản, cơ cấu các bộ, cơ quan ngang bộ và các Phó Thủ tướng cũng khác. Các nước có sự phân định tách bạch giữa hành pháp - chính trị và hành chính - công vụ, thường có cơ cấu các bộ ít hơn.

Bên cạnh đó, cơ cấu các bộ ít hơn còn phụ thuộc vào triết lý quản trị của mỗi nước. Các nước theo đuổi triết lý “Nhà nước nhỏ, xã hội lớn” thường có số lượng các bộ tương đối ít. Tuy nhiên, các nước theo đuổi mô hình nhà nước phúc lợi, thì cơ cấu các bộ có thể vẫn nhiều. Lấy ví dụ, Thụy Điển cũng có đến 22 Bộ như nước ta.

Trong số các nước có mô thức quản trị tương đồng với nước ta, Trung Quốc là đáng tham khảo nhất. Lý do vì Trung Quốc đang tạo ra được một sự tăng tưởng kinh tế đáng khâm phục. Họ có đến 29 bộ và cơ quan ngang bộ. Điều đáng nói là Trung Quốc có một số lượng rất lớn các cơ quan trực thuộc Chính phủ. Số lượng các cơ quan này là 33.

Trong khi một số cơ quan trực thuộc bộ ở nước ta thì ở Trung Quốc các cơ quan này đều trực thuộc Chính phủ. Ví dụ như Tổng Cục Quản lý Báo chí - Xuất bản, Cục Quản lý thuốc Quốc gia, Cục Quản lý Du lịch Quốc gia, hay Cục Thống kê Quốc gia… ở Trung Quốc đều trực thuộc Chính phủ. Có vẻ như đây là các cơ quan kỹ trị.

Việc trực thuộc Chính phủ tạo cho các cơ quan này vị thế cần thiết để thực thi quyền lực công, hơn là để Chính phủ trực tiếp điều hành. Trung Quốc lớn hơn nước ta rất nhiều về dân số và lãnh thổ, nhưng có lẽ không phải về các lĩnh vực chính sách.

Theo ông, cơ cấu tổ chức, bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ mới nên theo hướng như thế nào: Bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ, bao nhiêu Phó Thủ tướng là phù hợp?

Tôi cho rằng, cải cách tổ chức, bộ máy Chính phủ nên dựa vào những vấn đề thực tế đang đặt ra hơn là vào một ý tưởng chủ quan nào đó. Vấn đề lớn nhất đang đặt ra hiện nay là sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ, chứ không hẳn là số lượng của các bộ. Vậy điều quan trọng là cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ để có được sự phân công, phân nhiệm thật rõ ràng, minh bạch. Đối với những việc trước sau gì cũng cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, thì cần làm rõ bộ nào phải chịu trách nhiệm chính.

Vừa qua, việc sáp nhập các sở, ban, ngành tương đồng ở nhiều tỉnh, hay hợp nhất 3 văn phòng giúp việc cấp tỉnh cũng gặp nhiều bất cập, khó khăn. Ông nhìn nhận, đánh giá gì về việc này?

Tôi cho rằng, đây là một ý kiến rất cần được lưu tâm. Việc tách, nhập các cơ quan nhiều khi là cần thiết, thế nhưng việc này chỉ nên được triển khai sau khi đã phân tích, đánh giá rất kỹ giữa lợi ích và chi phí, cũng như những tác động nhiều mặt của nó.

Cảm ơn ông!

Tại buổi họp báo định kỳ vừa qua, Bộ Nội vụ cho biết đang xây dựng, hoàn thiện Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Đề án này sẽ được trình tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 3, khóa XIII cho ý kiến. Sau đó, đề án này sẽ trình ra kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Bộ máy Chính phủ từ nhiệm kỳ khoá XII đến nay giữ ổn định với 22 bộ, ngành. Trong đó có 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ. Hiện Chính phủ có 28 thành viên. Trong đó, lãnh đạo Chính phủ gồm Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng 5 Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình (Thường trực), Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và 22 bộ trưởng, trưởng ngành.