Nhập nhèm sữa bột sữa tươi: Khái niệm bị 'đánh tráo'

TP - Vấn đề nhập nhèm một lần nữa được đưa ra hôm qua ngày 23/4 tại hội thảo “quyền được thông tin của người tiêu dùng”.   
"Tiệt trùng" chỉ là công nghệ chế biến nhưng Bộ Y tế đang dùng để chỉ sữa nước làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm với sữa tươi.

Ngày 23/4, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) tổ chức hội thảo “quyền được thông tin của người tiêu dùng”. 

Tại hội thảo, vấn đề Bộ Y tế sử dụng khái niệm “sữa tiệt trùng” để chỉ sữa dạng nước làm từ sữa bột làm người tiêu dùng nhầm lẫn với sữa tươi được đặt ra.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng: Khái niệm “sữa tiệt trùng” được đưa ra, giải thích rõ ràng trong Thông tư 30/2010 của Bộ Y tế, bao gồm sữa nước làm từ sữa bột hoặc sữa bột cộng với một phần sữa tươi; từ đó khẳng định “không thể có sự nhầm lẫn”. 

Việc tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ và tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (Codex) sử dụng khái niệm “sữa pha lại tiệt trùng” và “sữa hoàn nguyên tiệt trùng” để chỉ khái niệm “sữa tiệt trùng” mà Bộ Y tế đang sử dụng, bà Nga cho rằng: Do đặc thù về sản xuất, tiêu dùng sữa, Bộ Y tế hoàn toàn có thể đưa ra các khái niệm khác.

"Tiệt trùng" chỉ là công nghệ chế biến nhưng Bộ Y tế đang dùng để chỉ sữa nước làm từ sữa bột khiến người tiêu dùng nhầm với sữa tươi.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, hàm lượng dinh dưỡng của sữa tươi và sữa dạng nước làm bằng sữa bột là khác nhau, cần phân biệt. Bà Hợp cho rằng: “Khái niệm “sữa tiệt trùng” làm người tiêu dùng không phân biệt được đâu là sữa nước làm từ sữa bột; đâu là sữa tươi. Tiệt trùng chỉ là khái niệm chỉ công nghệ chế biến, không phải là khái niệm chỉ loại sữa”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cũng nhận định: Việc Bộ Y tế dùng khái niệm “sữa tiệt trùng”, dù có giải thích rõ trong quy chuẩn quốc gia (ban hành theo Thông tư 30/2010 của Bộ Y tế) cũng không đến được với người tiêu dùng vì đây là tài liệu mang tính kỹ thuật. 

Người tiêu dùng chỉ nhận diện, phân biệt được sản phẩm thông qua các khái niệm ngắn gọn ghi trên nhãn mác được lấy ra từ quy chuẩn kỹ thuật. “Nhãn mác là bản rút gọn của quy chuẩn; nếu khái niệm không rõ ràng sẽ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn” – ông Hùng nói. Ông Hùng cho biết sẽ gửi kiến nghị xung quanh vấn đề này đến Bộ Y tế.

Cùng quan điểm với ông Hùng, trao đổi riêng với Tiền Phong, một cán bộ của Bộ Công Thương có mặt tại hội thảo (xin giấu tên) nói: “Vấn đề cần giải quyết ở đây là cơ quan quản lý không nên “đánh lừa” người tiêu dùng bằng khái niệm”.