Nhà thơ Dick Gebuys: Chạm vào Việt Nam

TP - Nhà thơ Dick Gebuys là giảng viên văn học và ngôn ngữ Hà Lan, người tổ chức, điều hành các sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam - Hà Lan. Kể từ năm 2004, Dick thực hiện những chuyến đi giữa hai nước. Tình cảm dành cho Việt Nam lớn đến mức khiến ông viết tập thơ có nhan đề Giống như bạn vừa chạm vào có chủ đề Việt Nam.
Dick Gebuys ở Hà Nội.  Ảnh: Trung Dũng

Chào Dick. Thơ có ý nghĩa như thế nào đối với ông?

Trong cuộc sống có rất nhiều những câu hỏi ngỏ. Đôi khi việc làm thơ giống như ngưng đọng thời gian để suy nghĩ trả lời cho những câu hỏi đó. Cuộc sống thường khá bận rộn với rất nhiều nghĩa vụ trong công việc và gia đình. Thơ dạy tôi cách dừng lại, chiêm nghiệm và tự đánh giá. Khi đi đây đó, tôi thích quan sát thế giới, cố hiểu về những người xung quanh, về nền văn hóa. Và tôi tìm cách miêu tả những trải nghiệm đó bằng ngôn từ của thơ.

Ông đã sáng tác chùm thơ về Việt Nam. Chứng tỏ đất nước chúng tôi đã gợi cho ông nguồn cảm hứng. Ông nghĩ gì trong lần đầu đặt chân đến đây?

Đó là lần duy nhất tôi đến Việt Nam trong một nhóm khách du lịch. Những lần sau tôi đều đi một mình. Chúng tôi đi xe buýt từ sân bay Tân Sơn Nhất về thành phố. Trên xe có ông người Bỉ, muốn cảnh báo chúng tôi về Sài Gòn với suy nghĩ khá tiêu cực khiến tôi có ấn tượng sai lầm. 

Tôi muốn tới đây từ khi là một cậu bé 16 tuổi. Năm 2004 tôi đã 50 và lúc xuống xe buýt tôi bị sốc bởi bạt ngàn xe máy. Ngồi trong khách sạn, tôi nghĩ đây không phải thành phố mình luôn tìm kiếm. Nhưng rồi chúng tôi ở thêm vài đêm trước khi đi Cần Thơ. 

Tới năm 2006, tôi quay lại Sài Gòn, nhận ra mình đã rất yêu thành phố này, yêu đất nước Việt Nam.   

Ông đã gặp gỡ rất nhiều người từ giới trẻ, bình dân tới các nghệ sĩ. Thẳng thắn mà nói ông thấy con người Việt Nam ra sao?

Thân thiện, cởi mở, tốt bụng. Phụ nữ Việt Nam đẹp và mạnh mẽ. Các bạn có cuộc sống nội tâm phong phú với giá trị tinh thần cao mà người phương Tây thường không có. Các bạn luôn muốn sống gần, chăm sóc ông bà cha mẹ. Chúng tôi lại dành phần đó cho chính phủ. 

Người Việt cũng rất thông minh sáng tạo. Nhưng dường như họ hơi nhút nhát. Họ ngại nói lên chính kiến. Đó là một phần tính cách Á Đông. Ngoài ra họ cũng ngại nói hai từ “xin lỗi”.   

“Tôi thấy nhiều người trẻ sống vì những giá trị bên ngoài, vì sự hào nhoáng, quần áo đắt tiền, đồ trang sức. Cũng giống như người trẻ ở Hà Lan. Tôi đọc các câu chuyện về cuộc sống xung quanh hồ Hoàn Kiếm của thế hệ trước với những ngôi nhà nhỏ, cửa hàng nhỏ. Khác hẳn với chúng ta đang thấy ngày nay. Chỉ còn vài cửa hàng sót lại, phần lớn chuyển sang bán đồ đắt tiền, hàng hiệu nổi tiếng thế giới cho người giàu”.

 Dick Gebuys

Du khách đến Việt Nam, phản hồi có cả khen lẫn chê. Với ông thì sao?

Tôi đã đi một vòng đất nước Việt Nam. Các bạn có những thắng cảnh tuyệt vời và đời sống văn hóa rất thú vị. Tuy nhiên có cảm giác các bạn không thực sự cố gắng thu hút khách phương Tây. Dù mới nhìn tưởng ngược lại. 

Tôi thấy tiếng Anh/Mỹ trên khắp các bảng hiệu và thường xuyên nghe Top of the World của Carpenters tại các quán café, phim Hollywood thì đầy trong rạp, múa rối nước chỉ dành cho khách nước ngoài còn opera chẳng mấy ai nghe. Một sự nửa vời thiếu chất lượng.   

Vậy chúng tôi nên làm gì để trở thành điểm đến hấp dẫn?

Câu trả lời chính ở bản sắc văn hóa. Đó là những thứ chúng tôi tìm kiếm. Nói ngoài lề một chút. Các bài thuốc dân tộc rất tốt, có hiệu quả lâu dài. Nhưng những gì tôi thấy là ngoài hiệu chỉ toàn thuốc tây. Lãng phí ghê gớm. Tôi rất tiếc về điều đó.