“Trốn” công sở
Vừa kết thúc buổi trò chuyện cùng nhân vật trong quán cà phê trên đường Trần Quang Khải (quận 1), anh Hồng Phúc (26 tuổi, chuyên viên lĩnh vực truyền thông) cho biết, anh thường ngồi quán cà phê làm việc khoảng 3-4 lần trong tuần. “Trong thời gian dịch bệnh, cơ quan tôi triển khai làm việc trực tuyến gần 2 năm liền. Do tính chất công việc, chúng tôi chỉ cần sản phẩm chứ không yêu cầu phải có mặt ở cơ quan thường xuyên nên có thể làm việc ở bất cứ đâu. Thói quen làm việc từ xa của tôi cũng bắt đầu từ đó. Tôi chọn những quán cà phê gần trung tâm để thuận tiện gặp gỡ khách hàng, đối tác, bạn bè…” - anh Phúc nói.
Tốt nghiệp, đi làm gần 5 năm nhưng cuộc sống của anh Phúc vẫn chẳng khác gì thời sinh viên. Vẫn nhà trọ, cơm bụi… có khác chăng là mình có lương mỗi tháng mà không cần gia đình chu cấp như trước. Chọn quán cà phê làm “văn phòng”, anh Phúc cho hay, nơi này tạo không gian thoải mái, thoáng đãng; đặc biệt giá cả rất hợp túi tiền. Một ly cà phê giá chỉ từ 20.000-30.000 đồng nhưng tôi có thể ngồi từ sáng đến tối; wi-fi, máy lạnh, trà đá, điện… đều miễn phí. Các quán còn phục vụ bánh mì hoặc bánh ngọt giá cũng rất mềm. “Trung bình một ngày tôi tiêu khoảng 50.000 đồng ngồi quán, đó là số tiền nằm trong khả năng của mình. Tôi thường lựa chọn bàn ở vị trí khuất, yên tĩnh trong quán để có thể tập trung hơn” - anh Phúc chia sẻ.
Những “văn phòng lưu động” được lòng nhiều bạn trẻ bởi sự thoải mái, không phải lăn tăn công sở mặc gì, quy định ra sao… Năng động trong chiếc sơ-mi trắng, váy xếp li trẻ trung, Lan Anh (27 tuổi, nhân viên tư vấn chứng khoán) chăm chú theo dõi những con số xanh - đỏ trên bảng điện tử các sàn chứng khoán; viết báo cáo phân tích; tư vấn cho khách hàng những mã đầu tư hợp lý… Khi căng thẳng, cô hớp ngụm cà phê nóng, nhắm mắt thả hồn theo điệu nhạc êm dịu trong quán hoặc ngủ trưa luôn tại quán để rồi tiếp tục công việc. Làm việc tại quán cà phê của Lan Anh cứ thế duy trì gần nửa năm qua.
Tạm rời mắt khỏi chiếc máy vi tính xách tay, cô cho biết, mình ghé quán cà phê nhiều hơn sau giai đoạn giãn cách xã hội. “Làm việc tại quán cà phê giúp tôi cảm thấy tự do, kích thích khả năng tư duy nhiều hơn. Tôi có thể diện mẫu thời trang yêu thích mà không cần phải là quần áo công sở khi đến văn phòng mà chẳng hề bị soi, không lo sai quy định; hiệu quả công việc cũng cao hơn. Tôi thích sự tự do, không gian mới và không thích gò bó trong những không gian cũ như văn phòng”, Lan Anh lý giải việc chọn quán cà phê để làm việc thay vì đến văn phòng.
“Văn phòng lưu động” cũng có thể trở thành lớp học kèm. Lý Minh Châu, học sinh lớp 11, Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (quận 1) kể: “Thay vì học ở nhà em hay nhà bạn, tụi em quyết định chọn quán cà phê làm nơi học tập mỗi tuần 2 buổi và cũng không quá tốn tiền. Tụi em chọn những quán có không gian yên tĩnh, đa phần mọi người tới quán ngồi làm việc, học bài hoặc trò chuyện cũng rất nhẹ nhàng, nên không bị phân tâm”.
Thay đổi để phục vụ “Thượng đế”
Khảo sát tại một số quán cà phê ở TPHCM, có thể thấy người trẻ ngày nay cùng có chung sở thích tìm những không gian kích thích sáng tạo để làm việc, hơn là “bó chân” trong những văn phòng chỉ có máy tính, bàn ghế đơn điệu. Không có gì ngạc nhiên ở nhiều quán cà phê, mỗi ngày lại có nhiều khách hàng xách lỉnh kỉnh nào laptop, hồ sơ, tập vở… chọn góc ngồi quen thuộc và làm việc cả ngày. Điểm chung của các quán cà phê này đều có không gian rộng rãi, thiết kế nhiều góc nhỏ riêng dành cho các bạn trẻ muốn ngồi một mình. Như quy luật ngầm, tới các quán cà phê này tất cả bạn trẻ đều có ý thức giữ yên lặng.
Anh Lê Hoàng Thảo, chủ quán cà phê Màu Thời Gian (đường Hoa Sứ, quận Phú Nhuận) nhìn nhận, trào lưu khách hàng đến quán cà phê làm việc ngày càng phổ biến. Theo anh, dịch bệnh phức tạp trong thời gian vừa qua làm nhiều công việc bị đình trệ; từ đó khiến đa số bạn trẻ phải ở nhà làm việc từ xa thay vì đến văn phòng. Từ những lạ lẫm ban đầu, bây giờ họ đã quen dần với cách làm việc này. Khi cuộc sống “bình thường mới” trở lại, thay vì nghĩ đến chuyện lên văn phòng, nhiều bạn trẻ lại thích thú nghĩ đến việc được nằm trên giường ôm laptop để làm việc hoặc đi đến những quán cafe, hay những không gian thoáng đãng để làm việc. “Do đó, chúng tôi luôn dành một không gian riêng hỗ trợ sinh viên, nhân viên văn phòng có thể đến đây làm việc. Chúng tôi trang trí lại quán 4 lần trong một năm, mùa nào sẽ theo chủ đề đó, tất cả để tạo thêm cảm hứng sáng tạo cho khách hàng đến” - anh Thảo nói.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên tư vấn tâm lý Hội Tâm lý TPHCM, trong thời đại hiện nay, làm việc từ xa đang dần trở thành một xu thế được nhiều bạn trẻ lựa chọn, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. Để tạo cảm hứng cho người trẻ, thu hút họ trở về văn phòng, doanh nghiệp nên liên tục làm mới cách làm việc cũng như là làm mới nơi làm việc, đồng thời gia tăng năng suất làm việc mỗi ngày của nhân viên.
The Daily Coffee (đường Trần Minh Quyền, quận 10) luôn mở cửa 24/24h để phục vụ “Thượng đế”. Quán được chia nhiều tầng, mỗi tầng bàn ghế được bố trí phù hợp cho khách đến làm việc theo nhóm hoặc một mình. Thức uống có giá từ 70.000 đồng/món, đây là mức giá rất mềm đối với khách chọn nơi đây làm “văn phòng làm việc”, thậm chí ngủ lại qua đêm. Một nhân viên của quán cho biết, quán chỉ bán nước nhưng tạo điều kiện để khách mang thức ăn vào sử dụng cho thuận tiện.
Chị Vũ Thị Tình, quản lý quán cà phê Điểm hẹn (đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1) cho hay, sau dịch quán khá vắng khách. Tuy nhiên nhận thấy xu hướng “dân văn phòng” thường chọn quán cà phê để tiếp đối tác, bàn công việc, quán đã sửa sang thành từng không gian riêng cho những người muốn đến đây làm việc.
Tuy nhiên, theo chị Tình, mặc dù giá cả rất mềm trong khi có khách ngồi làm việc cả ngày nhưng vẫn không ảnh hưởng đến doanh thu của quán. Với khách ngồi lâu, họ đều gọi thêm thức ăn, nước uống; mời thêm bạn bè… Điều quan trọng, quán có được lượng khách quen lâu dài, được đánh giá 5 sao trên nền tảng online, trở thành điểm hẹn lý tưởng của giới nhân viên văn phòng. “Chúng tôi không lỗ mà còn lời nhiều là đằng khác” - chị Tình khẳng định.
(còn nữa)