“Nguội” trách nhiệm

TP - Một điều phổ biến và đáng buồn ở nước ta: hễ cái gì có gắn chữ “chung” đều bị đối xử tệ hoặc quản lý yếu kém: sân chơi chung bị chiếm dụng, bị phá hoại, môi trường chung chẳng ai thèm nâng niu.

Chung cư “Nhà mình sạch như lau như li, còn rác thì vứt ra đường cả làng cùng ngửi”. Tài sản công - “của chung” sẵn sàng bị xà xẻo… Chả thế mới có câu “cha chung không ai khóc” (lại thêm một chữ “chung” đầy tiêu cực).

Câu chuyện chung cư cũng vậy, là một thiên phóng sự dài những nhiêu khê rắc rối chưa có hồi kết. Chung cư cháy, và nhiều bên “chung trách nhiệm” một cách rất chung chung.

Năm năm trước, vụ cháy tại tòa chung cư JSC 34, đường Khuất Duy Tiến - Lê Văn Lương (Hà Nội) lấy đi mạng sống của 2 người nhưng đến nay, trách nhiệm của các bên liên quan vụ việc vẫn không được làm rõ.

Sau các vụ cháy lại lộ ra một loạt các “sai phạm” của chủ đầu tư, của đơn vị quản lý tòa nhà trong việc bảo đảm an toàn cháy nổ và đại diện cảnh sát PCCC lại lặp lại ý kiến cũ, rằng đã kiểm tra, đã xử phạt hành chính, đã kiến nghị lên cấp trên…

Luật Phòng cháy, chữa cháy quy định, nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên phải có thiết kế và thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, theo một số luật sư, nếu tòa nhà chung cư đã được bàn giao cho khách hàng, thì khi xảy ra cháy, rất có thể chủ đầu tư được loại bỏ trách nhiệm bồi thường từ hỏa hoạn, nhất là khi hầu hết các hợp đồng mua bán chung cư đều không đề cập nhiều trách nhiệm của chủ đầu tư khi xảy ra cháy nổ.

Tuy đưa vào hoạt động từ nhiều năm, nhưng một số tòa nhà mới có quyết định thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy và chưa được nghiệm thu.

Có nghĩa là trong một thời gian dài, các tòa nhà kiểu như vậy nằm trong tình trạng mất an toàn cháy nổ nhưng người dân vẫn vào ở, chủ đầu tư đã thu tiền và luật về phòng chống cháy nổ chỉ là để cho “đủ bộ”. Chủ đầu tư chỉ cần lợi nhuận, người dân mù mờ trong việc thông qua các điều khoản, nhưng không thể nói những người kinh doanh chung cư vô can chỉ vì “hợp đồng không thể hiện trách nhiệm của họ khi để xảy ra cháy nổ”. Bởi họ còn phải chịu điều chỉnh của các loại luật, các quy định khác liên quan đến điều kiện kinh doanh, liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho con người.

Đại diện Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội cho rằng theo quy định, chủ đầu tư phải gánh trách nhiệm trước tiên khi để xảy ra cháy nổ. Ngoài ra, còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan quản lý xây dựng cấp phép cho sử dụng, cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy.

Nhưng sau mỗi vụ cháy, người ta chỉ nhận trách nhiệm chung chung như thế thì nguy cơ cháy nổ chung cư vẫn còn nguyên ở đó.

Chủ đầu tư vi phạm, phải xử lý ra sao? Điều đó không khó. Vậy còn Cảnh sát PCCC và các cơ quan quản lý để chủ đầu tư liên tục vi phạm, xử lý thế nào? Ai là người phê duyệt đưa các tòa nhà chưa đảm bảo yêu cầu an toàn vào kinh doanh? Tất cả những câu hỏi đó cần được trả lời rõ ràng và sòng phẳng.