Ngư dân là những chiến sĩ tiền tiêu

TP - Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Cao Mưu, Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, nói: “Ngư dân chính là những chiến sĩ tiền tiêu để khẳng định chủ quyền biển đảo. Nhà nước cần có chính sách ưu đãi để họ yên tâm ra khơi”.
Ngư dân cần chính sách sát sườn hơn để yên tâm bám biển

Không chùn bước

Ông Trần Cao Mưu

Theo ông Mưu, việc chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đơn phương ra yêu cầu tàu nước ngoài phải xin phép mới được đánh bắt, thăm dò trên diện tích gần 2/3 biển Đông là hành động ngang ngược, phi lý, không thể chấp nhận được.

Với việc ra quy định như vậy, phía Trung Quốc đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, không thực hiện tinh thần tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các nước trong khu vực như Philippines, Malaysia, Brunei...

Hành động phi lý của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến việc ra khơi của ngư dân, thưa ông?

Vân đề trên ảnh hưởng rất lớn, nhất là đối với tâm lý của ngư dân ta. Lâu nay, khi chưa ban lệnh trên, Trung Quốc đã có những hành động bắt bớ, xua đuổi, thậm chí đánh đập..., làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt hải sản của ngư dân. Nay, Trung Quốc lại tự đưa ra quy định như thế.

Tuy nhiên, chúng ta cũng khẳng định rằng, ngư dân ta (đặc biệt là ngư dân miền Trung) không chùn bước, mà ra khơi mạnh mẽ hơn. Từ lâu rồi, kể cả lúc Trung Quốc tuyên bố như vậy, ngư dân ta vẫn ra khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa để khai thác. Vì đó là vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Chúng ta cần có thái độ kiên quyết, kịch liệt phản đối hành động ngang ngược, phi lý của phía Trung Quốc. Đồng thời, có phương án để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho ngư dân khi khai thác trên vùng biển chủ quyền của mình.

Chúng ta có đầy đủ căn cứ pháp lý, lịch sử khẳng định chủ quyền biển đảo trên vùng biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cần được hỗ trợ kịp thời

Ông đánh giá thế nào về các chính sách của Nhà nước với ngư dân thời gian qua?

Thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngư dân, như chính sách với tàu cá xa bờ, thiết bị thông tin liên lạc, hỗ trợ vốn... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn nhiều bất cập, ngư dân chưa thụ hưởng được, cần phải rà soát lại. Nhà nước cũng có chính sách cấp máy thông tin, giữa tàu với tàu, tàu với bờ, bờ với cơ quan chức năng, để có phản ứng kịp thời khi có sự cố. 

Đặc biệt, việc ra đời Cục Kiểm ngư là điều đáng mừng, nhưng vấn đề là sức mạnh của lực lượng kiểm ngư thế nào, để bảo vệ ngư dân khi gặp sự cố thiên tai, bão tố hay khi bị tàu nước ngoài uy hiếp, tấn công.

Ngư dân ta không chùn bước trước những quy định phi lý của Trung Quốc, nhưng họ cần chính sách sát sườn hơn, thưa ông?

Chúng ta có chính sách cho vay vốn đóng tàu thuyền, lãi suất thấp, nhưng làm sao để nguồn vốn đó đến được với ngư dân. Như đề án đóng tàu vỏ sắt, hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá... Cái này mới đưa ra, chứ ngư dân chưa hưởng lợi nhiều như mong muốn. Mặt khác, ông cha ta nói “thuyền tam bộ nhị”, đi biển theo tổ chức là tốt nhất. 

Vừa rồi, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với các địa phương thành lập các nghiệp đoàn nghề cá, xây dựng tổ đội khai thác, tổ chức hội nghề cá vùng biển để liên kết, hỗ trợ nhau kịp thời khi ra khơi. Những việc này cần được quan tâm, hỗ trợ sát sao hơn trong thời gian tới.

Cảm ơn ông.